YouTube: mộng vàng lắm gian nan

31/08/2018 - 07:00

PNO - Là cơ hội cho nghệ sĩ quảng bá sản phẩm, thu hút khán giả, kiếm tiền, nhưng YouTube cũng tạo ra những áp lực đè nặng lên vai họ mà nếu tính toán sai, khả năng thất bại là cực lớn.

Bệ phóng thời 4.0

YouTube ngày nay đã trở thành mạng video hết sức quen thuộc với số lượng video khổng lồ, thu hút hàng tỷ lượt xem. Tính đến tháng 7/2017, YouTube đã có khoảng 1,5 tỷ người dùng trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, YouTube là website phổ biến nhất để người dùng xem video. Có đến 97% người dùng YouTube để xem các video theo nhu cầu. Việt Nam cũng là một trong 10 quốc gia có lượt xem YouTube nhiều nhất thế giới.

YouTube: mong vang lam gian nan
Những sản phẩm ngắn trên YouTube được xem là cơ hội quảng bá tên tuổi, cơ hội kinh doanh của nghệ sĩ

Với những con số ấn tượng trên, YouTube trở thành công cụ tốt nhất để nghệ sĩ, các nhà sản xuất chương trình phổ biến sản phẩm. Hàng loạt tiểu phẩm hài, phim ngắn... đua nhau xuất hiện trên YouTube.

Trấn Thành, Thu Trang, Nam Thư, Huỳnh Lập... liên tục ghi điểm qua các sản phẩm như: Tui là Tư Hậu, Thập tam muội, Nam Phi liên hoàn kế, Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể, Ai chết giơ tay... Mảng parody (sản phẩm nhại lại các MV ca nhạc, phim ngắn) cũng phát triển rầm rộ.

Tỷ lệ thuận với lượt xem, lượt theo dõi kênh và hiệu ứng viral của sản phẩm theo bảng xếp hạng YouTube cũng là cơ hội vàng ngoài đời thật cho nghệ sĩ: nhiều show hơn, cát-sê tăng... Thậm chí, với một số người, YouTube còn là cơ hội để bước ra công chúng.

Huỳnh Lập, BB Trần, Hải Triều, Duy Khánh... đều nổi danh trên môi trường YouTube trước khi tiến vào showbiz. Lớp nghệ sĩ trẻ đang xem YouTube là cơ hội để trở mình, bởi chỉ cần một sản phẩm “hot” sẽ được chú ý ngay lập tức.

Tập đầu tiên trong series hài Tui là Tư Hậu của Trấn Thành dài chỉ 13 phút nhưng có sự xuất hiện của 6 nhãn hàng, thương hiệu dịch vụ. Huỳnh Lập cũng nhận tài trợ từ một hãng điện thoại cho Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể và một thương hiệu trò chơi online cho Ai chết giơ tay. Sản phẩm của Nam Thư cũng được cài cắm một thương hiệu nước hoa.

Giải quyết đầu ra cho sản phẩm, quảng bá tên tuổi, thu hút đầu tư… quá nhiều cơ hội khiến cuộc chiến trên YouTube trở nên khốc liệt. Ngoài lớp nghệ sĩ trẻ, nhiều nghệ sĩ kỳ cựu cũng tham gia vào cuộc đua tranh.

Lối đi không trải hoa hồng

Người nổi tiếng trên YouTube được chia vào hai nhánh: nghệ sĩ và youtuber (những vlogger, gamer, livestreamer... với những video thiên về nội dung để thu hút người xem).

Sản phẩm muốn có lợi nhuận trên YouTube phải tạo được hiệu ứng lan tỏa mạnh, đạt lượt xem khủng và kích thích người xem theo dõi kênh. Điều này khiến những người hoạt động trên môi trường này phải đau đầu tìm cách kéo khán giả. Sản xuất video trên YouTube trở thành công việc nghiêm túc, khiến các youtuber gặp không ít áp lực, khủng hoảng.

Luccy Moon - một vlogger nổi tiếng - đã bào mòn sức lực trong 2 tháng đầu năm 2017 khi phải sản xuất đến 30, 31 video mỗi tháng. Sức khỏe của cô bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt về mặt tinh thần khi bị căng thẳng kéo dài. Cô phải tìm đến bác sĩ để điều trị ngay thời điểm đang là một trong những người nổi tiếng được chú ý bậc nhất YouTube.

PewDiePie - một youtuber có kênh với 64 triệu lượt theo dõi - cũng rơi vào tình trạng tương tự: “Bạn không thể dừng lại. Thuật toán của YouTube không cho phép bạn làm thế. Lượng người theo dõi sẽ giảm khủng khiếp”.

Hàng loạt youtuber khác cũng chịu áp lực giữ độ "hot", giữ sự nổi tiếng như thế. “Khi video không có nhiều lượt xem, lý do có thể là mọi thứ, nhưng bạn vẫn luôn tự trách bản thân” - vlogger Emma Blackery nói.

Ngoài áp lực đè lên sức khỏe, tinh thần của bản thân youtuber, họ còn phải cạnh tranh với nhau. Đây cũng là những điều mà nghệ sĩ phải đối diện khi chọn YouTube làm hướng phát triển. Sự sáng tạo của youtuber có thể về mọi thứ, nhưng sản phẩm của nghệ sĩ thì phải đảm bảo tính giải trí, nghệ thuật, chỉn chu. Kinh phí đầu tư vì thế cũng tăng theo. Nếu không tìm được nhà tài trợ, gánh nặng này sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Trong khi đó, lợi nhuận mà YouTube chi trả cho nghệ sĩ thông qua các sản phẩm không nhiều.

Một youtuber có thể sản xuất hàng chục, thậm chí hàng trăm video mỗi năm để duy trì sự chú ý của cộng đồng mạng. Nhưng nghệ sĩ thì chỉ sản xuất được 3, 4 sản phẩm/năm. Việc sản xuất ngốn rất nhiều thời gian trong khi tuổi thọ sản phẩm ở môi trường YouTube lại rất ngắn.

Nếu lọt vào bảng xếp hạng xu hướng, thời gian để duy trì độ “hot” thường chỉ trong một tháng đổ lại. Những sản phẩm không thu hút sẽ lập tức bị lãng quên. Lượt xem, lượng người theo dõi không tăng mạnh, đồng nghĩa với những cơ hội khai thác lợi nhuận theo sau cũng không còn.

Dẫu nhiều áp lực, gian nan, hoạt động của nghệ sĩ trên YouTube vẫn sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới, bởi đây hiện là kênh tốt nhất cho các sản phẩm văn hóa, giải trí. “Tuy nhiên, về đường dài, nghệ sĩ nên có định hướng phát triển hợp lý, cân bằng giữa môi trường mạng và thị trường thực tế. Không nên làm sản phẩm mà không có tính toán trước. Phải có những kế hoạch dự bị để điều khiển được hiệu ứng sản phẩm. Tôi nghĩ, nghệ sĩ đừng nên quá áp lực về số lượng mà hãy chú trọng vào chất lượng sản phẩm. Làm nhiều mà chất lượng kém thì khán giả còn bỏ theo dõi nhanh hơn” - nhà sản xuất Hồng Tú nhận định.

Chế độ kiểm duyệt của YouTube không quá gắt gao, nhưng nghệ sĩ không thể quá phóng túng, làm sản phẩm dung tục. Nhưng những sản phẩm thuần nghệ thuật lại thường khó bắt nhịp với xu hướng viral mà YouTube mong muốn. Vì thế, các nghệ sĩ hài, kịch đang có xu hướng kết hợp giữa những sản phẩm dài hơi, xen kẽ với những video hài, gây cười thuần túy (như phim ngắn, MV parody...). Trong khi đó, ca sĩ lại hướng đến việc làm MV có câu chuyện tương tự phim ngắn để hút thêm khán giả.

Những năm gần đây, các nhãn hàng có xu hướng đổ quảng cáo vào môi trường mạng thông qua những clip, phim ngắn. Đây cũng là cơ hội để nghệ sĩ tìm nguồn đầu tư lẫn hợp đồng khai thác quảng cáo. Hiển nhiên, những kênh YouTube nghệ sĩ có nhiều lượt theo dõi, nhiều sản phẩm "hot" sẽ có cơ hội lớn hơn.

Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI