Yoko Ono về lại cố hương của John Lennon để kể tiếp chuyện tình

06/06/2018 - 09:54

PNO - Từng bị bêu rếu là mụ phù thủ, kẻ hủy hoại The Beatles, giờ đây, 38 năm sau vụ ám sát chồng bà, John Lennon, Yoko Ono vừa trở lại quê hương của ông để kể tiếp câu chuyện đời họ.

“Đời chúng ta như một vở kịch diễn trước bàn dân thiên hạ”, Yoko Ono viết trên Twitter gần đây. “Biết là thế, vậy nên, hãy là một vở kịch cho những người muốn xem”.

Cách phát ngôn của Ono cũng giống như con người bà vậy: Luôn đi trước thời đại. Ono dường như là hiện thân của chính Twitter trước khi nó ra đời, tức là một nơi để sống “ảo”. Mọi người ghét bà đến nỗi ngay bản thân bà có vẻ cũng xem mình như một nhân vật trong truyện, để sống, để được là chính mình trong âm thầm.

Yoko Ono ve lai co huong cua John Lennon de ke tiep chuyen tinh
John Lennon và Yoko Ono kết hôn ở Gibraltar năm 1969

Ở tuổi 85, nhỏ bé nhưng vẫn giữ vóc gọn gàng cùng gu ăn mặc phong cách, Ono đang thực hiện triển lãm Double Fantasy tại Liverpool, quê nhà người chồng quá cố. Có thể thấy trong hộp trưng bày những quả táo, mô phỏng quả táo mà John Lennon đã thô lỗ cắn một miếng khi ông gặp bà tại phòng trưng bày Indica ở London.

Ono, nay đã có tuổi nhưng không tỏ ra mệt mỏi sau chuyến bay dài vượt đại dương, ngay ngày hôm sau tới thăm ngôi nhà nơi Lennon lớn lên và ngồi lên giường ông, để được gần ông hơn.

“Bà ta cướp ông ấy khỏi chúng ta”, một người dân Liverpool nói bên quầy rượu. “Nhưng bà ta luôn trở lại Liverpool. Bà ta không quên chúng ta”. Có một sự tôn trọng bất đắc dĩ với người phụ nữ từng bị coi là kẻ hủy hoại The Beatles, một con quỷ ngoại quốc đã đánh cướp và mê hoặc một Lennon rệu rã, trì độn.

Bà bị coi là kẻ giả tạo lôi cuốn, bám dính, bất tài, người, bằng cách nào đó, đã mê hoặc được siêu sao của The Beatles. Những điều ghê tởm đổ lên người Ono đẫm mùi chủ nghĩa thù ghét phụ nữ và phân biệt chủng tộc.

Trong cuốn sách The Lives of John Lennon của tác giả Albert Goldman, bà bị gán vào đủ kiểu hình mẫu phụ nữ phương Đông. Bà là con rồng quỷ đóng vai kỹ nữ câm. Trong khi đó, Lennon là người đàn ông yếu đuối, méo mó bị sinh vật xảo quyệt, tham lam này thao túng. Năm 1988, trên OK, Goldman còn miêu tả bà “giống như một con khỉ”.

Không ngạc nhiên khi Ono muốn kể lại câu chuyện tình cổ tích của bà với Lennon tại nơi ông sinh ra, dù đây không phải triển lãm là để sửa lại những lời thêu dệt sai trái. Triển lãm mang tên Double Fantasy. Có thể quan hệ của họ là một mộng tưởng, có thể tất cả các mối quan hệ đều như vậy, nhưng ở đây mộng tượng được đặt trong bối cảnh lịch sử thế giới. Có thể là một chuyện tình giản đơn, nhưng nằm trong chuyển động của thế giới năm 1966: Việt Nam và phong trào dân quyền. Nghệ thuật là cách họ phản ứng với thời cuộc.

Những đồ vật thuộc về cặp đôi gây ra nhiều xúc động. Kính mát của Ono đặt đối diện với kính cận của Lennon, mắt kính phản chiếu hình của nhau. Ono đứng trên sân khấu, giọng như của một đứa trẻ bị lạm dụng. Bà có vẻ không hợp với những câu chuyện phiếm. Sean Lennon, con trai họ, dường như dễ bắt chuyện hơn.

Nhiều người Anh đã khóc khi nghe tin Lennon bị sát hại. Đó là những ngày xưa xa xôi và The Bealtles giờ đây dường như không còn thời thượng nữa. Thời thượng lại là thứ Ono hiểu rất rõ.

Yoko Ono ve lai co huong cua John Lennon de ke tiep chuyen tinh
Thẻ xanh của John Lennon do Mỹ cấp năm 1976

Trong một buổi phỏng vấn với Michael Parkinson, Lennon đã hỏi rằng tại sao báo chí lại coi Ono là kẻ ngốc. Sao có thể chấp nhận được điều đó? “Mụ phù thủy Nhật Bản này đã khiến ông ấy hóa điên”, Lennon nhắc lại lời báo chí, “Nhưng tất cả những gì cô ấy làm là lôi phần điên rồ sâu thẳm trong tôi ra ngoài”.

Thường trong các cuộc phỏng vấn, Ono ngồi lặng im hút thuốc. Hình ảnh này từ lâu đã trở nên quen thuộc, nhưng giờ đã khác. Ono thường ngồi sát bên Lennon bởi ông luôn bấp bênh và không muốn bà lọt khỏi tầm mắt dù một giây. Double Fantasy lần này có thể lấy lại được hình ảnh cân bằng của mối quan hệ.

Thay vì bà đeo bám ông, có thể ông là người đeo bám bà, hoặc cả hai đeo bám nhau. Bà là một nghệ sĩ, quen biết tất cả những ngôi sao sáng như John Cage và từng có triển lãm quốc tế. Với Lennon, bà đã kết hôn và có một đứa con chung. Cũng như Lennon, bà cũng có tuổi thơ chìm trong chiến tranh: Liverpool bị đánh bom, Ono phải chạy trốn khỏi Tokyo.

Khi còn nhỏ, bà nói, bà vật vờ như ma vì thiếu ăn. Bà cũng nói bà không bao giờ đeo bám đàn ông, đó không phải kiểu của bà, và rằng bà thích một mối quan hệ bình đẳng. “Bạn không thể yêu ai đó, trừ khi bạn ở vị trí bình đẳng với họ”, bà chia sẻ vào năm 1971. Trong quan hệ đôi lứa, Lennon là người đàn ông vũ phu, ông đánh vợ đầu và thường hung tợn. Ono có thể đương đầu được với điều này. Ở bà có nhiều điểm lưỡng tính.

Cùng năm đó, Lennon nói với tạp chí Red Mole rằng, trước khi tới với ông, Ono đã là người phụ nữ tự do. “Cô ấy đấu tranh theo cách của mình trong thế giới của đàn ông – thế giới nghệ thuật hoàn toàn bị thống trị bởi đàn ông”. Ông miêu tả nhiệt tình cách mạng của bà: “Mối quan hệ của chúng tôi hoàn toàn là 50/50”. 

Những nỗ lực cộng tác của họ về cả mặt cá nhân và nghệ thuật khi đó thường bị chế giễu. Nỗ lực bình đẳng dường như càng nhuốm màu hão huyền lên họ. Và rồi, tất nhiên, cả những chuyện về ma túy. Nhưng Lennon còn biết làm sao khi cái bóng người nổi tiếng khổng lồ đang gặm nát ông?

Trong khi Kanye West dùng ảnh hưởng của mình để ủng hộ Trump, vợ anh ăn ngon mặc đẹp đi lại. Lennon và One đã cùng nhau hướng tới điều lớn lao hơn: hòa bình thế giới. Họ chống lại sự thống trị của nam giới và những giả tạo. Họ khiến truyền thông phải tò mò bằng cách nằm dài trên giường.

Yoko Ono ve lai co huong cua John Lennon de ke tiep chuyen tinh
Yoko Ono tại triển lãm Double Fantasy ở Liverpool

“Nằm vì hòa bình” là tác phẩm trình diễn mang hơi thở của Thiền mà thời đó chưa nhiều người hiểu. Theo thời gian, Ono không ngừng mang trào lưu nghệ thuật “trôi” của mình giới thiệu với thế giới. Có thể kể thêm là màn trình diễn Cắt mảnh năm 1964 của Ono, nơi khán giả có thể cắt quần áo của bà để lên tiếng về các vấn đề giới và sắc tộc, tổn thương và bất đồng chính kiến.

Trong phim Rape của mình, bà dùng ảnh khỏa thân trong trình diễn, thể hiện sự thích thú với liệu pháp la hét nguyên thủy. Bà khẳng định tất cả mọi người đều có thể trở thành nghệ sĩ, nêu ý tưởng rằng nghệ thuật luôn động với sự tham gia của khán giả, rằng nó là sự tương tác. John Lennon hấp thụ tất cả những điều này.

Không phải tất cả mọi điều bà làm cùng Lennon đều đạt hiệu quả, rõ ràng là vậy. Ranh giới giữa nghệ thuật và cuộc sống luôn bị lu mờ bởi tiếng tăm và tiền bạc. Mối quan hệ của họ luôn bị nhìn qua lăng kính của phân biệt chủng tộc và chế độ gia trưởng. Không phải là họ không có những quan hệ ngoài luồng. Ono là người sắp xếp để Lennon qua lại với trợ lý của bà, Marry Pang.

Một số khai phá thời xưa của họ đặt trong bối cảnh hiện nay, gây cảm giác khó chịu. Ví dụ như khi Lennon giải thích với Dick Cavett ý nghĩa của bài Woman is the Nigger of the Worl (Phụ nữ là mọi đen của thế giới). Ono từng dùng cụm từ này trong một buổi phỏng vấn.

Lennon từng dẫn lại lời James Connolly, một người cực đoan, rằng “nữ công nhân là nô lệ của nô lệ”. Đó là vào năm 1972, khi vấn đề nữ quyền chưa được quan tâm nhiều. Bên cạnh đó, để đối chọi với thái độ coi phụ nữ là trò tiêu khiển của đàn ông, bà chụp ảnh khỏa thân cùng chồng và quay phim dương vật ông.

Bản ballad của John và Yoko

Khi ngôi sao của Lennon đang mờ đi, trong khi của bà lại đang được đánh bóng – nhiều nghệ sĩ và nhạc sĩ nổi tiếng chịu ảnh hưởng từ bà, thế nên, thật ý nghĩa khi Ono trở lại Liverpool để viết tiếp chuyện tình của bà với Lennon. Ono có thể vẫn bị vướng vào cái bóng của Lennon nhưng ở bản thân bà luôn toát ra sự hiện hữu riêng mình. Bà thách thức quyền lực và bạo lực, chối bỏ ý tưởng dùng bạo lực để giành hòa bình của đàn ông.

“Tôi tự hỏi sao đàn ông lúc nào cũng tỏ ra nghiêm túc”, bà nói trong cuốn sách năm 1964 Grapefruit. “Họ có cái món tế nhị lủng lẳng treo trên người, lên xuống theo ý thích của nó”.

Ono vẫn là một nhà hoạt động tích cực. Bà có thể già nhưng không khuất phục. Thế giới vẫn cần phải thay đổi. Cuộc triển lãm vẫn có những con số phải cập nhật: “Hơn 1.400.000 đã bị giết bởi súng kể từ khi Lennon bị bắn chết ngày 8/12/1980”. Ono cần phải lên tiếng vì những điều đúng đắn.

Không ai cấm những tưởng tượng.

Thư Vĩ (Theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI