Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ: Bản lề cánh cửa huyền thoại

30/08/2019 - 07:29

PNO - Những bài thơ, vở kịch của họ đã không còn là những tác phẩm đơn lẻ. Chúng trở thành một bảo tàng, về một giai đoạn sôi động, khi đất nước bước ra từ cuộc chiến tranh và cho thấy diện mạo mới của xã hội hậu chiến.

29/8/2019 - Hơn 30 năm sau ngày mất vì vụ tai nạn gây chấn động, đôi thi ca kịch nghệ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ vẫn tiếp tục tạo ra một lực hấp dẫn cho người yêu văn chương, nghệ thuật. Những bài thơ, vở kịch của họ đã không còn thuần túy là những tác phẩm đơn lẻ. Chúng đã trở thành một bảo tàng, về một giai đoạn sôi động, khi đất nước bước ra từ cuộc chiến tranh và cho thấy diện mạo mới của xã hội hậu chiến.

Bản thân Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ cũng trở thành biểu tượng cho đời sống tinh thần thời bao cấp. Sự ra đi của họ đúng thời điểm đất nước bắt đầu bước vào đổi mới, giống như một cặp bản lề cho cánh cửa mở vào hiện tại của chúng ta. Ánh hào quang của họ, qua bốn thập niên, gợi đến một huyền thoại trọn vẹn của thời bao cấp.

Xuan Quynh - Luu Quang Vu:  Ban le canh cua huyen thoai
Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ (ảnh tư liệu gia đình)

Đại cảnh và hậu trường

Vào giai đoạn hoàng kim của sân khấu kịch nói thời bao cấp, Lưu Quang Vũ đã tạo ra hào quang của mình bằng khoảng 50 kịch bản sân khấu thuộc các loại hình kịch nói, chèo, cải lương. Chỉ trong vòng 10 năm, các vở kịch của Lưu Quang Vũ trở thành diễn đàn xã hội, thu hút sự quan tâm của đông đảo các giai tầng. Chúng cung cấp một không gian chắt lọc hiện thực đời sống, như các vở Lời nói dối cuối cùng, Điều không thể mất, Tôi và chúng ta… nhưng cũng không thiếu chất thơ bay bổng, thậm chí chứa đầy sự tưởng tượng như Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Chết cho điều chưa có… Sự sáng rực ấy chấm dứt đột ngột bằng sự ra đi, tạo ra một huyền thoại về định mệnh, như để đáp ứng quan niệm “chữ tài liền với chữ tai một vần”.

Ở góc độ người bạn đời, Xuân Quỳnh bổ trợ vào hào quang của Lưu Quang Vũ khía cạnh người đồng hành, tri kỷ. Những câu thơ của Xuân Quỳnh giống như các trang nhật ký mang tính chất “câu chuyện hậu trường” cho những lớp diễn sân khấu đại cảnh của Lưu Quang Vũ, tạo ra cảm giác hoàn chỉnh về đời sống một gia đình nghệ thuật. Dù trước khi đến với Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ đã có những nàng thơ, những tình yêu và “câu chuyện nhỏ” trong những tập thơ đã và chưa được in vào lúc ấy, trong nhiều năm, chân dung Lưu Quang Vũ được mặc nhiên như một mảng dương bên cạnh phần nữ tính của một trái tim “làm sống lại những hồng cầu đã chết” (Tự hát - Xuân Quỳnh). Hai nửa chân dung được xã hội lúc ấy đóng khung thành những huyền thoại công dân và huyền thoại nghệ sĩ.

Những vở kịch và câu thơ nhân hậu thời chiến của họ khắc khoải một ý thức công dân. Chính Lưu Quang Vũ, trong các vở kịch của mình, lại tỏ ra trung thành hơn hết với những định đề về chủ nghĩa dân tộc, về bản sắc Việt Nam được thế hệ cha ông mới tạo ra vào đầu thế kỷ XX. Nhà soạn kịch viết ra các kịch bản đề tài lịch sử theo kiểu sử thi, cài cắm các thông điệp chính trị chính thống trong hoàn cảnh đất nước hậu chiến vẫn ngổn ngang xây dựng và hai cuộc chiến tranh biên giới. Ông hoài vọng quá khứ đầy lãng mạn qua các vở Ngọc Hân công chúa, Sống mãi tuổi 17, Chết cho điều chưa có.

Lưu Quang Vũ không tìm kiếm hiện thực tuyệt đối. Xét cho cùng, ông vẫn nằm trong hệ mỹ cảm của chủ nghĩa lãng mạn mang màu sắc công xã. Điều này cũng dễ dàng nhận thấy trong những bài thơ về thiên chức phụ nữ của Xuân Quỳnh. Dường như các bài thơ đều tràn ngập nỗi băn khoăn, những câu hỏi tác giả tự đặt ra cho bản thân, kiểu “Trái tim buồn sau lần áo mỏng/ Từng đập vì anh qua những trang thơ” (Thời gian trắng), vẫn trau chuốt một thẩm mỹ song trùng.

Xuan Quynh - Luu Quang Vu:  Ban le canh cua huyen thoai
Ảnh tư liệu

Sức mạnh của hoài niệm

Bên cạnh các vở kịch chính luận chất chứa những câu thoại mạnh bạo, đậm gắt tính thế sự, kiểu “Chúng ta đã qua thời đại đồ đá, thời đại đồ đồng và bước vào thời kỳ đồ đểu” (Ông không phải là bố tôi), “Cán bộ là đầy tớ của nhân dân. Đầy tớ mà không tốt thì nhân dân sẽ thay đầy tớ khác (Lời thề thứ 9) - không khỏi khiến người xem giật mình vì sự thẳng thắn đến quyết liệt - Lưu Quang Vũ tìm lại nguồn cội dân gian cả Việt Nam lẫn phương Đông, như một cách tung hứng các thông điệp trào phúng hoặc có tính ngụ ngôn như Hồn Trương Ba, da hàng thịt; Nàng Sita; Ông vua hóa hổ

Có độ lùi thời gian, những chất liệu dân gian lại tỏ ra có sức sống hơn cả. Chúng thể hiện dấu vết của những huyền thoại cộng đồng, bên dưới những phát lộ bề mặt dễ thấy. Người ta chợt nhớ, Lưu Quang Vũ là con của nhà thơ Lưu Quang Thuận - người từng có mặt trong phong trào Thơ Mới, cũng là một phong trào mang dáng vẻ huyền thoại của thời thuộc địa. Tuy nhiên, dấu vết giải thuộc địa lại không diễn ra trực tiếp ở Lưu Quang Vũ, mà đến thơ và kịch của tác giả này, tâm thế hiện đại nổi bật, khiến chúng đĩnh đạc tuyên ngôn một tư cách độc lập. Tứ thơ “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa/ Óng tre ngà và mềm mại như tơ” (Tiếng Việt) từng gây tranh cãi về dị bản ở chữ “như bùn”, lại chính là một cảm thức về “nhãn tự”, dưới cái vỏ vừa mịn màng vừa thô ráp, được khởi từ thơ kháng chiến chống Pháp, đến Lưu Quang Vũ, đã thành một tư duy mang dáng dấp triết lý thế hệ.

Những bài thơ tình của Lưu Quang Vũ viết về “những người đàn bà không có tên” hay những góc đô thị hoang vu “viển vông cay đắng u buồn”, sóng đôi với những đô thị “Đường cuốn bụi bờ đê tràn ngập gió/ Những phố phường lầm lụi với lo toan” của Xuân Quỳnh, thực tế đang cung cấp một phông cảnh cho sự hoài niệm của độc giả hôm nay về Hà Nội gần nửa thế kỷ trước.

Xuan Quynh - Luu Quang Vu:  Ban le canh cua huyen thoai
Ảnh tư liệu

Dường như những câu thơ sẽ đọng lại ở những cuốn sổ thơ nho nhỏ, ở những trí nhớ thầm thì, những vở kịch sẽ khó còn tạo ra độ phủ dụ ma mị thuở nào khi cạnh tranh với các thể loại khác hiện nay. Nhưng các huyền thoại là gì, nếu chẳng phải chúng luôn được bồi đắp bằng một nỗi khao khát nồng nhiệt tự thân, “trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng”? 

Nguyễn Trương Quý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI