Xem phim tài liệu Cuộc gặp gỡ sau 48 năm trên cả sự thần kỳ

19/11/2015 - 14:14

PNO - Cuộc gặp gỡ xua tan khoảng cách giữa hai cựu phi công, để họ chia tay như những người bạn lâu ngày gặp lại chứ không phải như hai kẻ cựu thù.

Trong suốt chiều dài lịch sử chống ngoại xâm, dân tộc Việt Nam (VN) đã làm nên không biết bao chuyện thần kỳ để bảo toàn đất nước nhỏ bé của mình trước những mưu đồ thôn tính của các thế lực hùng mạnh.

Sự thần kỳ ấy, lần nữa, được nhắc nhớ, làm đậm thêm qua câu chuyện về cuộc hội ngộ xúc động và nhân văn giữa hai cựu phi công Việt - Mỹ vào ngày 13/7/2015 tại tỉnh Đồng Tháp mà bộ phim tài liệu Cuộc gặp gỡ sau 48 năm ghi lại. Hội ngộ vì đây là lần đầu tiên họ biết mặt nhau, nhưng cũng là tái ngộ vì 48 năm trước, họ từng là đối thủ trên bầu trời miền Bắc VN trong chiếc mũ bay che kín mặt và di chuyển bằng tốc độ siêu âm.

Xem phim tai lieu Cuoc gap go sau 48 nam tren ca su than ky
Cuộc gặp gỡ sau 48 năm của hai cựu phi công

Ngày ấy, trung úy Hoa Kỳ Joseph Charlie Plumb, cùng phi đội thuộc hàng không mẫu hạm USS Kitty Hawk đã chạm trán với biên đội MIG 17 của phi công Việt Nam Dân chủ cộng hòa Nguyễn Văn Bảy trên bầu trời Quảng Yên và một chiếc F4B bị ông Bảy bắn rơi.

Plumb thoát nạn nhưng gần một tháng sau, máy bay của viên phi công này bị tên lửa mặt đất bắn trúng trên bầu trời Hà Nội. Ông nhảy dù, bị bắt cách chùa Một Cột không xa và trải qua sáu năm làm “khách” của “khách sạn Hilton Hà Nội”, nơi dành cho phi công tù binh Mỹ. Với Plumb, chiến tranh VN đã kết thúc từ ngày 18/2/1973 tại sân bay Gia Lâm, khi ông được trao trả để lên máy bay về căn cứ không quân Mỹ ở Philippines.

Sự thần kỳ ở chỗ, đối đầu với đối phương từng tốt nghiệp Học viện hải quân San Diego, sử dụng chiến đấu cơ F4 hiện đại với tên lửa hồng ngoại tự điều khiển tối tân, là một phi công VN xuất thân từ miền quê Đồng Tháp, trình độ học vấn lớp 3, chỉ sử dụng đại bác 37mm bắn bằng mắt thường trên máy bay chiến đấu phản lực nhỏ bé MIG 17 của Liên Xô… Vậy mà những phi công Hoa Kỳ có hàng ngàn giờ bay vẫn không buộc được ông phải nhảy dù khỏi chiếc phi cơ cổ lỗ của mình.

Trong sự nghiệp không chiến, ông đã 13 lần nổ súng và bắn hạ bảy máy bay Mỹ mà không bị bắn rơi lần nào. Ông là một trong ba phi công đầu tiên được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang, được thưởng bảy huy hiệu Hồ Chí Minh, được túc trực phía sau linh cữu Bác trong lễ tang và là người dẫn đầu biên đội 12 chiếc MIG 17 bay qua quảng trường Ba Đình chào vĩnh biệt Người. Ông chính là Đại tá phi công Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Bảy, một huyền thoại của lực lượng không quân VN.

Xem phim tai lieu Cuoc gap go sau 48 nam tren ca su than ky
Anh hùng Nguyễn Văn Bảy (đứng hàng đầu) trên chiếc xuồng máy đón cựu phi công Mỹ Charlie Plumb (quấn khăn rằn) về thăm nhà của mình

Thời gian qua, các tổ chức cựu chiến binh của hai nước Việt - Mỹ đã có nhiều nỗ lực tìm đến bắt tay nhau xóa bỏ hận thù. Sự ra đời của cuốn sách Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam 1965-1975 nhìn từ hai phía (Nguyễn Sỹ Hưng - Nguyễn Nam Liên) là một ví dụ.

Nhiều phi công Việt và Mỹ, thông qua cuốn sách, đã tìm gặp nhau. Trường hợp của Charlie Plumb cũng vậy. Ông kể lại với tác giả cuốn sách rằng, vào ngày 24/4/1967, ở vùng trời đó, ông đã đụng độ ba chiếc MIG 17, trong đó, một chiếc màu tối và hai chiếc màu sáng. Có cách gì tìm được danh tánh của những người đó không?

Và Charlie Plumb đã có mặt tại Sa Đéc, Đồng Tháp vào ngày 13/7/2015, theo lời mời của cựu đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy, người lái một trong ba chiếc MIG 17 mà viên cựu sĩ quan Mỹ mong mỏi được gặp.

Sau 42 năm, ông Plumb mới có dịp trở lại VN để tận mắt gặp đối phương trên trời của mình ngày nào. Nếu Plumb, sau khi về hưu trở thành một nhà diễn thuyết, là tác giả của hai cuốn sách I’m no hero (Tôi không phải anh hùng) và The last Domino (Quân cờ cuối cùng), thì anh hùng huyền thoại Nguyễn Văn Bảy của VN trở về với ruộng đồng, làm nông dân “Bảy Lúa”, trồng cây, nuôi cá, sống cuộc đời giản dị.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI