'Vườn xuân Bắc Trung Nam' hư hỏng: Công tác bảo tồn giản đơn, thiếu trách nhiệm

09/05/2019 - 06:30

PNO - Đã đến lúc phải kiểm đếm, có biện pháp ứng xử, bảo quản một cách phù hợp với các công trình, hiện vật tiêu biểu, đặc biệt với các di tích quốc gia, bảo vật quốc gia đặc biệt.

Xung quanh vụ việc bảo vật quốc gia - tác phẩm Vườn xuân Bắc Trung Nam của danh họa Nguyễn Gia Trí đang gây xôn xao dư luận, đặc biệt trong giới mộ họa, PV Báo Phụ nữ TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (VH, GD, TN, TN &NĐ) về vấn đề này.

Phóng viên: Từ vụ việc bức tranh Vườn xuân Bắc Trung Nam của họa sĩ Nguyễn Gia Trí bị hư hỏng nặng, không thể phục chế nguyên bản, ông đánh giá như thế nào về công tác bảo tồn di sản vật thể hiện nay của Việt Nam?

Ông Phạm Tất Thắng: Vụ việc bức tranh Vườn xuân Bắc Trung Nam của họa sĩ Nguyễn Gia Trí bị hư hỏng nghiêm trọng, cơ quan chuyên môn lên tiếng không thể phục dựng bức tranh như nguyên bản được - là điều rất đau xót. Bởi đây là một trong những bảo vật quốc gia được công nhận, một bức tranh sơn mài đặc biệt được sáng tác trong thời gian lâu nhất – lên tới hơn 20 năm và là bức tranh có kích thước lớn nhất.

Xuất phát từ ý nguyện của danh họa Nguyễn Gia Trí, TP.HCM đã mua lại bức tranh này. Nói như vậy để thấy đây là bức tranh đặc biệt, tiêu biểu của hội họa hiện đại Việt Nam.

'Vuon xuan Bac Trung Nam' hu hong: Cong tac bao ton gian don, thieu trach nhiem
Bức tranh Vườn xuân Bắc Trung Nam sau khi được vệ sinh không đúng cách (ảnh dưới) đã xuống cấp nghiêm trọng.

Sự việc vừa qua cho thấy sự giản đơn trong bảo tồn hiện vật, thậm chí thiếu trách nhiệm trong việc bảo tồn bức tranh này. Việc bảo tồn di sản hiện nay, dù có các cơ quan chuyên môn nhưng vẫn còn nhiều khoảng trống, không chỉ riêng vụ bức tranh Vườn xuân Bắc Trung Nam.

Trong thực tế nhiều di sản văn hóa khác, đặc biệt là di sản văn hóa vật thể liên quan tới kiến trúc như các điểm thờ tự, công trình tôn giáo, các đền, chùa, nhà thờ… có hiện tượng trùng tu theo kiểu “hỏng rồi mới tu sửa”. Công tác bảo tồn, chăm nom bảo tồn, bảo trì di tích không được xem trọng.

Hoặc khi di sản hư hỏng thì kinh phí nhà nước đầu tư cho việc bảo quản, phục dựng hầu như không đủ để sửa chữa lại cho tốt. Còn nếu theo hướng xã hội hóa thì nhiều di tích lại bị biến dạng. Ví dụ như nhiều công trình kiến trúc bị đập đi làm mới, xây cho to, rộng hơn, thậm chí là biến dạng di tích. Đã có câu chuyện một số bức tượng cổ lại được phục dựng bằng... sơn công nghiệp.

* Để xảy ra những hậu quả đáng tiếc như bức tranh của danh họa Nguyễn Gia Trí hay với những di tích bị “biến dạng”, trách nhiệm thuộc về ai? Rõ ràng không thể đổ lỗi cho thời gian, hay chỉ do tay nghề phục dựng chưa đủ khả năng?

- Chúng ta có luật, có cơ quan chức năng để thực hiện công tác bảo tồn, tu sửa các di sản, di sản vật thể nhưng điều này chưa được quan tâm đúng mức. Phải đặt vấn đề trách nhiệm để hạn chế những sai phạm, những hậu quả như thế. Trước tiên, trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý trực tiếp. Ví dụ như vụ hư hỏng bức tranh Vườn xuân Bắc Trung Nam, rõ ràng trách nhiệm là của Bảo tàng TP.HCM, lớn hơn là của ngành văn hóa.

'Vuon xuan Bac Trung Nam' hu hong: Cong tac bao ton gian don, thieu trach nhiem
Ông Phạm Tất Thắng khẳng định, công tác bảo tồn di sản vật thể chưa được quan tâm đúng mức.

* Trước thực trạng nhiều di sản vật thể đang xuống cấp, công tác bảo tồn thường xuyên không quan tâm đúng mức, theo ông, Bộ VH-TT-DL có nên tổ chức một cuộc tổng rà soát, trước hết là đối với các tác phẩm hội họa tại các bảo tàng?

- Có lẽ tới thời điểm này, việc bảo vật quốc gia Vườn xuân Bắc Trung Nam bị hư hỏng là hồi chuông để ngành VH-TT-DL xem lại công tác này. Có thể, ngành có rất nhiều việc, bản thân việc bảo quản, tôn tạo di tích, đặc biệt là di tích cấp quốc gia, bảo vật quốc gia... cũng rất nhiều do số lượng không nhỏ. Tuy nhiên, đây là việc phải làm.

Những di sản của chúng ta vô cùng quý giá, nếu không có biện pháp bảo quản, giữ gìn thì sẽ mai một. Đến lúc những tác phẩm này hư hỏng nghiêm trọng, chúng ta mới phục dựng lại thì vừa tốn kinh phí lại vừa tốn công sức. Nhiều khi không phục dựng được toàn bộ hồn cốt, nguyên bản của tác phẩm.

Đã đến lúc phải kiểm đếm, có biện pháp ứng xử, bảo quản một cách phù hợp với các công trình, hiện vật tiêu biểu, đặc biệt với các di tích quốc gia, bảo vật quốc gia đặc biệt.

* Nhiều ý kiến cho rằng, trước vấn đề cấp thiết của việc tu bổ, bảo tồn di sản, di sản vật thể, có lẽ Ủy ban VH, GD, TN, TN&NĐ của Quốc hội nên tổ chức một chuyên đề giám sát vấn đề này?

- Việc giám sát, bảo tồn di tích là công việc hàng ngày thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành văn hóa, thể thao, du lịch. Do đó, trước tiên, ngành này phải thực hiện trách nhiệm của mình.

Ủy ban VH, GD, TN, TN &NĐ có thể sẽ có chuyên đề giám sát nếu đến thời điểm như đánh giá lại Luật Di sản, xem xét sửa đổi luật hoặc có hàng loạt vụ việc bảo quản trùng tu di tích gây xôn xao dư luận.

Tuy nhiên, thực hiện một chuyên đề giám sát cũng đòi hỏi phải có quy trình. Trong khi việc khảo sát, giám sát hàng năm theo quy định của Luật có giới hạn thì lĩnh vực hoạt động của ủy ban khá rộng và nhiều vấn đề phải thực hiện. Ủy ban cũng phải ưu tiên các công việc của Quốc hội như thẩm tra các dự án luật được đưa ra và thông qua tại các kỳ họp. Các vấn đề khác phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Do đó không thể có bất cứ một vấn đề gì cũng có thể tiến hành giám sát được mà phải có quy trình và kế hoạch.

* Xin cảm ơn ông.

H.Anh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI