Vua Lê Huyền Tông và lệnh cấm phụ nữ mặc quần

01/11/2015 - 07:50

PNO - Nhằm bảo vệ văn hóa truyền thống, Hoàng đế thứ 19 của nhà Hậu Lê là Lê Huyền Tông đã ban lệnh cấm phụ nữ mặc quần để “giữ phong tục”.

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, sau khi đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta, đặc biệt là bắt được vua tôi nhà Hậu Trần, quân Minh đẩy mạnh hơn chính sách đồng hóa. Tháng 9 năm Giáp Ngọ (1414) chúng ra lệnh “cấm con trai, con gái không được cắt tóc; đàn bà con gái thì mặc áo ngắn, quần dài, hóa theo phong tục phương Bắc”.

Nỗi thống khổ của người dân mất nước đã được giải thoát vào cuối năm Đinh Mùi (1427), sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi hoàn toàn. Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi vua, lập ra vương triều Hậu Lê, nhờ đó mà “hơn hai chục năm loạn lạc, một sớm dẹp yên. Non sông từ đấy cải quan, đất nước nhờ đấy yên tĩnh” (Việt giám thông khảo tổng luận).

Sử không cho biết cách ăn mặc của nhân dân ta dưới thời Lê Thái Tổ và các triều vua kế tiếp nhưng chắc chắn những tàn tích nô dịch của ngoại bang đã bị xóa bỏ hoàn toàn, văn hóa truyền thống được khôi phục, trong đó có trang phục.

Vua Le Huyen Tong va lenh cam phu nu mac quan
Trang phục của phụ nữ thời xưa (Tranh minh họa)

Đến giai đoạn Lê Trung hưng (thời vua Lê chúa Trịnh) quan hệ bang giao, thương mại giữa Đại Việt được mở rộng, không chỉ với Trung Quốc, Nhật Bản… mà cả với các quốc gia phương Tây như Bồ Đào Nha, Anh, Pháp…

Trong bối cảnh giao lưu kinh tế, văn hóa lúc đó, với việc người ngoại quốc đến nước ta ngày một đông để buôn bán, truyền giáo… đã dẫn tới sự tác động qua lại ít nhiều về văn hóa, phong cách ăn mặc. Mà chủ yếu tại các đô thị lớn, các khu vực kinh tế như Thăng Long, Phố Hiến.

Để chấn chỉnh phong hóa, vào niên hiệu Thịnh Đức năm đầu tức năm Quý Tị (1653), vua Lê Thần Tông định phép ăn mặc cho quan dân. Sử chép: “Mùa hạ, tháng 6, định kiểu y phục trong nước, chiều dài chiều rộng theo thứ bậc khác nhau”.

Trong vấn đề trang phục, đặc biệt là trang phục phụ nữ với cái váy là biểu tượng, triều Hậu Lê coi việc mặc váy là một điều quan trọng trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Để ngăn cảnh ảnh hưởng ngoại lai tác động đến trang phục truyền thống, vào năm Cảnh Trị thứ 2 tức năm Giáp Thìn (1664) đời vua Lê Huyền Tông (1663-1671), nhà vua đã ra sắc dụ cấm đàn bà con gái mặc quần theo kiểu Tàu mà phải trở lại mặc váy theo y phục dân tộc.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Mùa thu, tháng 7, nhắc lại lệnh cấm áo mặc quá mức. Bấy giờ quan viên, dân chúng nhiều người mặc áo không đúng mẫu mực thước công, đến đây nhắc lại lệnh cấm”.

Đây là một trong 47 điều giáo hóa được ban bố, triều đình còn ra lệnh cho “Các ty Thừa chính, Hiết sát các xứ và phủ, huyện, châu, mỗi nha môn phải sao một bản treo ở công đường làm việc.

Ở các làng, thì xã trưởng chép vào một tấm biển treo ở trong đình, cứ ngày hương ẩm, hội hợp già trẻ, trai gái trong làng, rồi đem giáo điều giảng đọc hiệu bảo, khiến mọi người biết mà khuyên răn để tiến lên phong tục tốt đẹp” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục).

Vua Le Huyen Tong va lenh cam phu nu mac quan
Bắt người vi phạm lệnh cấm (Tranh minh họa)

Theo sách Quốc triều chiếu lệnh thiện chính thì một năm sau, vào tháng 10 năm Ất Tị (1665) Lê Huyền Tông lại ban lệnh sau: “Y phục từ khi có quy chế thì y phục của nam, áo có thắt lưng và có quần; phục của nữ thì áo không có thắt lưng và không được mặc quần, từ xưa đến nay đã thành tục lệ.

Từ nay về sau, y phục của phụ nữ không được chế theo kiểu áo có thắt lưng và có quần để chính phong tục. Nếu là đào kép diễn trò thì không trong lệ cấm này. Kẻ nào trái lệnh, trong kinh cho Đề lĩnh, Phủ doãn và ty Xá nhân thể sát; ngoài kinh thì cho Nha môn, Hiến ty thể sát, bắt được quả tang, tịch thu quần áo và phạt 5 quan tiền quý nộp lên”.

Lê Thái Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI