Với thói quen 'xài chùa', bao giờ khán giả Việt mới 'lớn'?

23/11/2019 - 06:30

PNO - Đưa ra yêu cầu, thậm chí chửi rủa chỉ vì bị chèn quảng cáo khi nghe nhạc miễn phí, một bộ phận người trẻ đang xem việc “nghe chùa” là điều hiển nhiên.

Ứng dụng nghe nhạc trực tuyến Spotify đang nhận “một lô” đánh giá chất lượng dịch vụ một sao - mức thấp nhất từ người nghe nhạc Việt.

Trên hệ thống App Store, hầu hết những đánh giá này đều đi kèm nhận xét “phải mất phí mới nghe được bài mình thích”, “ứng dụng không dành cho dân nghe nhạc “chùa”...

Trên fanpage và những nền tảng mạng xã hội khác, nếu có mục đánh giá chất lượng ứng dụng, Spotify đều nhận nhiều điểm số thấp, mà oan uổng thay, số điểm ấy không vì chất lượng, chúng đến từ những “sự bất tiện” mà lượng người dùng gói miễn phí đang gặp phải.

Voi thoi quen 'xai chua',  bao gio khan gia Viet moi 'lon'?
Ứng dụng Spotify bị đánh 1* chỉ vì thu phí với các sản phẩm chất lượng cao, hoặc chèn quảng cáo với các sản phẩm miễn phí

Spotify hiện có 2 gói dành cho người dùng, gồm miễn phí và có phí. Nếu chọn đóng phí 59.000 đồng/tháng, người nghe nhạc không bị can thiệp bởi quảng cáo và được sử dụng tất cả chức năng của ứng dụng.

Ngược lại, nếu dùng miễn phí, khi nghe nhạc, khán giả sẽ phải nghe thêm quảng cáo và không được tự ý chuyển bài.

Đây là một sự sòng phẳng mà không chỉ Spotify, nhiều ứng dụng nghe nhạc trực tuyến khác cũng đưa ra yêu cầu tương tự.

Những nhận xét có phần “lồi lõm” trong nhận thức, yêu sách từ người nghe nhạc Việt không phải mới xuất hiện khi Spotify có mặt tại thị trường Việt Nam.

Trước đó, tư duy ăn sẵn, “xài chùa” đã hình thành khi nhiều ứng dụng nghe/tải nhạc cho người dùng hoạt động miễn phí.

Chỉ khi muốn thưởng thức âm nhạc chất lượng hơn, người nghe mới phải trả tiền mà với đại đa số người nghe Việt Nam, chỉ cần chất lượng ở mức tương đối, là đã thuyết phục được họ.

Voi thoi quen 'xai chua',  bao gio khan gia Viet moi 'lon'?
Nếu đóng tiền, Sportify không chèn quảng cáo cũng như cung cấp chức năng tốt nhất cho người sử dụng

Hành động chỉ trích từ người nghe dành cho cách vận hành của Spotify, không cần phân tích nhiều, đó là biểu hiện của tư duy kệch cỡm, thói quen “xài chùa” đã tồn tại từ lâu. Tuy nhiên, vẫn phải xét ở khía cạnh, chính nghệ sĩ đã “tập” cho người nghe thói quen xấu xí đó.

Khán giả Việt đang vừa ở thế bị động, vừa ở thế chủ động. Họ trở thành thượng đế khi những ca sĩ nhắm vào lượng xem, top thịnh hành, vị trí top 1 trending của YouTube làm thước đo thành công.

Khán giả không cần bỏ tiền vẫn được nghe/xem nhạc chất lượng, mà còn được trao quyền quyết định sản phẩm nào đang thịnh hành nhất. Còn ở trường hợp bị động, người nghe nhạc chỉ chờ để được phục vụ.

Cho nên từ thượng vàng đến hạ cám, các sản phẩm dù phi nghệ thuật, phi văn hóa vẫn tồn tại tràn lan mà người dùng thụ động trong cách tiếp nhận, không có cơ chế tự bảo vệ.

Hiện tại, nhiều nghệ sĩ Việt đã quan tâm nhiều hơn đến việc thay đổi thói quen nghe nhạc của khán giả. Trước đó, ca sĩ Mỹ Tâm tuyên bố không phát hành sản phẩm âm nhạc trên các ứng dụng nghe nhạc trực tuyến nếu không thỏa thuận được phí tác quyền.

Quyết định của Mỹ Tâm ban đầu được xem là hành động lạ, như nước đổ lá khoai, vì với thị trường âm nhạc hiện tại, khó để đề cập đến chuyện tác quyền, đến nghe/tải nhạc phải trả phí. Nhưng, nữ ca sĩ đã bắt đầu. 

Cộng đồng người nghe nhạc văn minh cũng đã đáp trả trước các bình luận kệch cỡm từ bộ phận có thói quen “nghe chùa”, nhưng số lượng này không nhiều. Và để thay đổi, cần có sự mạnh tay từ nghệ sĩ, từ các ứng dụng nghe nhạc trực tuyến. 

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI