Văn học sinh thái: Khoảng trắng có dễ lấp đầy?

03/10/2019 - 13:18

PNO - Có lẽ, chưa lúc nào những thông điệp bảo vệ môi trường, cảnh báo nguy cơ lại cùng cất tiếng, cấp thiết như lúc này. Nhưng, với văn học, mọi thứ vẫn còn nằm trong “vùng trắng” về đề tài sinh thái.

Lục Diệp

Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phát động cuộc thi “Nói không với rác thải nhựa”. Chibooks kêu gọi, khuyến khích bản thảo về đề tài sinh thái. Trong khuôn khổ Hội sách thiếu nhi TP.HCM 2019 cũng vừa có chương trình “Từ yêu cây đến trồng rừng”, với những hoạt động thiết thực, bên cạnh việc giới thiệu hai tác phẩm nổi tiếng của thế giới: Mùa xuân vắng lặngĐời sống bí ẩn của cây.

Có lẽ, chưa lúc nào những thông điệp bảo vệ môi trường, cảnh báo nguy cơ lại cùng cất tiếng, cấp thiết như lúc này. Nhưng, với văn học, mọi thứ vẫn còn nằm trong “vùng trắng” về đề tài sinh thái. 

Rừng khô, suối độc, biển cạn... và văn chương

“Nhà tôi ở Đơn Dương, cách Đà Lạt khoảng ba mươi cây số. Từ bé chúng tôi được hít thở bầu không khí trong lành với xung quanh là rừng. Mỗi sáng đi học qua những đồi thông, những ngày cắm trại trong sơn dã. Gần hai mươi năm sau, trở về quê mình, tôi thấy những cây thông già bị lấy ngo để nhóm lửa…” - chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán các bà mẹ chia sẻ. Đó cũng là lý do hội quán đã quyết định “trồng rừng”, một hoạt động thí điểm tại tỉnh Lâm Đồng.

Van hoc sinh thai: Khoang trang co de lap day?

Saigon Compass, Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học GreenViet, cùng nhiều tổ chức khác vẫn đang cùng nhau thực hiện hoạt động “trồng cây gây rừng”, bảo vệ môi trường theo những quy mô, phương thức riêng. Hàng chục ngàn cây con đã được trồng xuống rừng Lâm Đồng, Cần Giờ, các tỉnh miền Tây… Ưu tư của những người nỗ lực hoạt động vì môi trường trong khuôn khổ chương trình “Từ yêu cây đến trồng rừng” chỉ là một phần rất nhỏ, so với những mất mát, hủy hoại môi trường đang ở mức báo động. 

Chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội vừa vượt ngưỡng, đứng nhất thế giới về mức độ ô nhiễm, trong khi TP.HCM đứng thứ ba. Rừng khô, suối cạn, biển độc… và văn chương - tập tiểu luận phê bình sinh thái của tác giả Nguyễn Thị Tịnh Thy (Đại học Sư phạm Huế), đã gọi đúng bản chất về một môi trường đang bị hủy hoại.

“Khi bạn biết rằng một cái cây cũng biết đau, cũng có ký ức, và cây cha mẹ sống cùng con cái, thì bạn không còn có thể chặt chúng và phá vỡ cuộc sống của chúng bằng những cỗ máy to lớn nữa” - tác giả Peter Wohlleben gửi thông điệp trong tác phẩm Đời sống bí ẩn của cây (Thanh Vy dịch, Phương Nam Books và nhà xuất bản Thế giới vừa phát hành). Đây là một tác phẩm thật sự tuyệt vời, viết về thế giới kỳ diệu và đời sống phức tạp của những khu rừng ôn đới. Tác giả sách cũng là người quản lý rừng, có ba mươi năm chăm sóc và quan sát cây cối. P.Wohlleben không chỉ khẳng định vai trò quan trọng của cây xanh, rừng rậm, mà còn có thể khiến người đọc thay đổi cách nhìn về thế giới thực vật. 

"Các nhà văn ở đâu?"

Giáo sư Huỳnh Như Phương từng chất vấn: “Trong cuộc đấu tranh vì môi trường sống hòa hợp với con người, văn học đã làm được gì? Phải chăng văn học còn bàng quan với chuyện sống còn này? Sự suy thoái sinh thái của một quốc gia không chỉ quy trách nhiệm cho những người quản lý, mà cả cho sự thờ ơ của từng công dân, trong đó có những nhà văn”. 

Van hoc sinh thai: Khoang trang co de lap day?
Rừng khô, suối cạn, biển độc…và văn chương - góc nhìn phê bình sinh thái có giá trị

Từ cổ chí kim, thế giới tự nhiên vẫn là đối tượng miêu tả, phản ánh trong văn chương. Tuy nhiên, văn học sinh thái (ecoliterature) không chỉ là viết về tự nhiên đơn thuần, mà còn có tính cảnh báo những nguy cơ, có trách nhiệm với sinh thái, dám phê phán những mặt trái của văn minh, là tự sự từ tự nhiên đến dân tộc học… Tác phẩm văn học sinh thái kiệt xuất của thế giới Mùa xuân vắng lặng (Silent Spring, của tác giả người Mỹ Rachel Carson, 1962) được xem là tác phẩm mở đầu cho thời kỳ “văn học sinh thái hiện đại”.

R.Carson là nhà sinh vật học, nhà tư tưởng sinh thái có ảnh hưởng của thế kỷ XX. Bà đã viết về mối nguy hại của thuốc nổ TNT, ảnh hưởng của chất hóa học đối với môi trường. Tác phẩm ra đời có ảnh hưởng mạnh mẽ trong xã hội Mỹ, từ cảnh tỉnh đến đề xuất được những chính sách cần thiết bảo vệ môi trường. 

Nhà văn Trần Bảo Định (tác giả nhiều tác phẩm văn học sinh thái về đồng bằng Tây Nam bộ) bỏ ngỏ nỗi ưu tư lo lắng cho những thế hệ sau, khi miền sông nước bây giờ cũng đã mất rất nhiều những sinh vật, cây cối. Đồng khô cỏ cháy, núi trơ đồi trọc, biển, không khí, thực phẩm đều nhiễm độc. Tất cả những hiện thực ấy là vấn đề nổi cộm của thời đại. Nhưng ở góc độ văn chương, dường như đang là sự tĩnh lặng đáng giật mình.

Van hoc sinh thai: Khoang trang co de lap day?
Đời sống bí ẩn của cây - kiệt tác đáng đọc

Những tác phẩm nhỏ lẻ, rời rạc không đủ sức cất lên tiếng nói. Trong buổi giới thiệu tác phẩm Vắt qua những ngàn mây (tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng) mới đây, bà Nguyễn Lệ Chi - Giám đốc Chibooks đã lên tiếng khuyến khích các bản thảo viết về đề tài sinh thái. Chibooks sẵn sàng in, bất kể thể loại nào về đề tài này.

Chờ những đáp từ

“Nhà văn anh ở đâu?” là một câu hỏi nhói buốt trước những hiện thực bị văn chương thờ ơ (hoặc không đủ tầm lực để thao thức cùng những đề tài môi trường). Có nhà văn từng bộc bạch rằng, thời của công nghệ, nhiều người cầm bút “lên mạng” viết đôi ba dòng bức xúc rồi thôi. Có người ý nhị nhắn nhủ bạn văn: “Hãy trau chuốt chữ nghĩa đi”, thay vì dành thời gian ngồi lê đôi mách trên mạng xã hội. Rất nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo về văn chương, những chuyến đi thực tế, những trại sáng tác… Rất nhiều những con số, thống kê về tác hại, cảnh báo hủy hoại môi trường cả trong và ngoài nước. Nhưng rồi, sau tất cả, với văn chương, đề tài về sinh thái, môi trường vẫn như còn nằm ngoài cuộc. 

Van hoc sinh thai: Khoang trang co de lap day?
“Từ yêu cây đến trồng rừng” - một buổi trò chuyện đầy tâm tư, chuyển tải nhiều thông điệp quý giá về bảo vệ môi trường

“Ô nhiễm môi trường đang và sẽ là vấn nạn đối với con người và vạn vật. Rừng khô, suối cạn, biển nhiễm độc, cá chết, lũ lụt, hạn hán… Lắng nghe trái đất, nghiên cứu văn học từ góc nhìn sinh thái là công việc cần làm, phải là của người trong cuộc, thể hiện sự hồi đáp của văn chương đối với tiếng kêu cứu của môi trường sinh thái” - lời của tác giả Nguyễn Thị Tịnh Thy trong tác phẩm Rừng khô, suối cạn, biển độc… và văn chương rất cần những đáp từ. 

Lục Diệp
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI