Trong dòng chảy văn học Tây Nam: Viết như để trả nợ

05/08/2019 - 07:16

PNO - Nếu không có những trang viết này, những người lính ngã xuống có lẽ chỉ còn chung tên gọi: liệt sĩ và tấm bằng Tổ quốc ghi công.

Trong dòng chảy văn học Tây Nam

“Kính tặng những cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia và những người dân Khmer yêu dấu”, “Kính tặng đồng đội tôi, những người đã chết và những người còn sống”... Đó là những dòng đề từ trên các tựa sách viết về chiến trường K, vừa được nhà xuất bản Trẻ giới thiệu. 

Họ, những người lính tình nguyện năm xưa, may mắn được trở về, như nhận lãnh sứ mạng của lịch sử, của văn chương, để viết về những năm tháng không thể nào quên. Văn học Tây Nam - cách gọi những tác phẩm viết về cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam (1979-1989) - qua ngòi bút của họ hết sức chân thật, khốc liệt và cao cả.

Hồi ức chiến binh Mùa chinh chiến ấy (Đoàn Tuấn), tiểu thuyết Mùa xa nhà (Nguyễn Thành Nhân) đã được tái bản lần thứ ba. Nhà xuất bản Trẻ cũng vừa in Mùa linh cảm, Một trăm ngày trước tuổi hai mươi (Đoàn Tuấn) và hồi ký Rừng khộp mùa thay lá (Nguyễn Vũ Điền). Những tác phẩm văn học Tây Nam cứ ngày một dày thêm…

Có một tuổi trẻ như thế

“Tại sao mình đánh nhau ở đây? Sao mình không để bộ đội K tự lo lấy chuyện của họ?”. Nhân vật Huy trong Mùa xa nhà đã hỏi như thế. Huy cũng chính là hóa thân của tác giả Nguyễn Thành Nhân, với phần thực tế trong tâm hồn của một người lính trẻ. Câu trả lời của nhân vật Quân là trọn vẹn cho phần lý tưởng của đội quân tình nguyện.

Trong dong chay van hoc Tay Nam: Viet nhu de tra no

Nhà văn Nguyễn Thành Nhân bây giờ vừa viết văn, làm thơ, vẽ tranh, viết nhạc. Nhưng trong 3 năm (1985-1987) anh là lính thuộc tiểu đoàn 3, trung đoàn 4, sư đoàn 5, mặt trận 479 tại Campuchia. “Tôi đã viết Mùa xa nhà bằng tất cả trăn trở, nung nấu, tôi muốn viết cho đồng đội mình. Sư đoàn 5 hy sinh rất nhiều. Tôi vẫn nhớ rõ trận đánh ngày 29/11/1986, đồng đội tôi 39 người đã ngã xuống. Hằng năm, các cựu chiến binh chúng tôi vẫn tổ chức ngày tưởng niệm. Chọn tiểu thuyết để thể hiện, tôi muốn hình tượng hóa hình ảnh người lính, để đồng đội tôi, bất kỳ ai đọc cũng có thể thấy mình trong đó” - nhà văn Nguyễn Thành Nhân chia sẻ.

Tháng 8/1979, hàng ngàn thanh niên Hà Nội nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện tân binh (giai đoạn này, nhà văn Đoàn Tuấn đã viết thành cuốn sách Một trăm ngày trước tuổi hai mươi), các chiến sĩ trẻ được đưa vào Nam, sang chiến trường K. Họ là những học sinh, sinh viên, xếp bút nghiên lên đường nhận nhiệm vụ quốc tế, không hẹn được ngày về. Vật bất ly thân của mỗi người là lọ penicillin dành ghi tên tuổi, quê quán, năm nhập ngũ, đơn vị, ngày hy sinh… khi mất sẽ chôn cùng thân xác, để còn xác nhận được danh tính. Chết đâu chôn đó, rồi đoàn quân lại đi…

Nhà văn Nguyễn Vũ Điền ví chiến trường K như một lò nướng thịt, mà “miếng này được gắp ra, miếng khác lại được bổ sung vào”. Những chiến sĩ ngã xuống, chiến trường sẽ được bổ sung lực lượng ngay lập tức. Những người lính hy sinh vì bị tập kích, sốt sét, rắn cắn, lạc rừng, có khi là chết vì khát giữa mùa khô cháy… Trong hồi ức của Đoàn Tuấn, có lúc anh đã phải uống cả nước tiểu của mình vì quá khát, nhưng rồi lại ngất lịm giữa rừng, may có đồng đội đến cứu. Đoàn Tuấn kể, có đến 3 lần anh được đồng đội cứu sống hoặc số phận dường như đã chọn họ chết thay anh.

“Cái nợ với đồng đội lớn quá. Những người nằm xuống là những người con ưu tú của đất nước, những tài năng đã ra đi khi còn quá trẻ. Chúng tôi, nếu có viết, cũng chỉ là những trang viết rời rạc của những người may mắn còn sống sót. Nếu tôi còn viết tiếp, vẫn sẽ là viết cho đồng đội mình” - nhà thơ Phạm Sỹ Sáu bộc bạch.

Trong dong chay van hoc Tay Nam: Viet nhu de tra no
 

"Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh"

Nếu so với đoàn quân Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng, sự hy sinh của người lính ở biên giới Tây Nam còn xót xa hơn. Họ nằm lại ở chốn rừng thiêng nước độc của Kratié, Kampong Cham, Kampong Thom, Sisophon, Anlong Veng, Stung Treng… 40 năm nay, những cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ vẫn tiếp tục. Hàng ngàn hài cốt vô danh.

“Ngày tôi trở về, đi thăm gia đình đồng đội, những người mẹ ôm lấy tôi, khóc hỏi sao tôi còn sống mà con trai họ đã chết. Có người vợ hỏi tôi biết Pol Pot đem cái đầu của chồng chị đi đâu không” - nhà văn Đoàn Tuấn bùi ngùi. Anh Lê Mạnh Hùng - Tiểu đoàn trưởng D8 - đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, bị địch cắt đầu mang đi. Trong cuộc đối đầu với bọn Para ở “ngã tư xương máu”, biên giới Thái Lan, hai đại đội bị xóa sổ vì cuộc chiến không cân sức. Địch chặt xác chiến sĩ ta, ném khắp nơi trong rừng.

Cuộc tái hiện của các nhà văn tỏa rộng qua các cung đường hành quân ở đất bạn Campuchia. Ở đó, chân dung người lính từ cấp chỉ huy đến cấp thấp nhất đều được miêu tả chân thực. Nếu không có những trang viết này, những người lính ngã xuống có lẽ chỉ còn chung tên gọi: liệt sĩ và tấm bằng Tổ quốc ghi công.

“Một ám ảnh lớn với tôi là hình ảnh anh Mộc - người đồng đội chỉ có ước mơ được về nhà… chửi hai đứa con. Anh hy sinh, thân xác không toàn vẹn. Khi lấy lá thư và bức ảnh trong túi áo anh, đồng đội phải nâng cả phần nội tạng anh đang che phần ngực. Tôi đang viết tác phẩm tiếp theo, viết như đang trả nợ chính mình” - nhà văn Nguyễn Vũ Điền tâm sự. Nhà văn Đoàn Tuấn, khi bắt đầu và lúc hoàn thành tác phẩm Mùa chinh chiến ấy, ông đều thắp nhang cho đồng đội, như thầm nói: “Đồng đội ơi, tôi đã viết xong rồi”. 

 Ngày trở về của những người lính 

Ngày đưa liệt sĩ về nước, nhà văn Đoàn Tuấn đã không thể ngủ được trên giường. Anh ra nằm bên dòng sông Côn, nghe nước chảy mà nhớ đồng đội vẫn đang đối diện với sinh tử. Anh tìm đường trở về đơn vị, cho đến khi được cấp trên cho về Việt Nam, tiếp tục theo học Trường đại học Tổng hợp Hà Nội.

“Chúng tôi về, thấy nhà chật quá, không ở được. Không biết đi xe đạp, vì trong rừng toàn đi bộ. Đi đường thì sợ vấp mìn. Bạn tôi, đêm ngủ còn như nghe tiếng súng, giật mình té xuống đất” - Đoàn Tuấn kể. Còn nhà văn Nguyễn Thành Nhân, cuối năm 1988 lại tình nguyện đi thanh niên xung phong lên Đắk Nông vì… nhớ rừng, vai vẫn mang chiếc ba-lô đầy vết đạn từ chiến trường K.

Tình đồng đội là điều thiêng liêng còn mãi, như bài thơ Điểm danh đồng đội của Phạm Sỹ Sáu, viết cách đây 38 năm từ chiến trường K: “Hãy sắp hàng vào cho tau điểm danh/ Những thằng lính ở miền xa rất trẻ/ Hãy sắp hàng vào để nghe tau kể/ Chuyện đánh nhau và chuyện yêu nhau/ A! Có thằng nào còn mang băng trắng trên đầu/ Hãy tiến một bước nếu thấy còn chỗ trống/ Đừng băn khoăn nếu có thằng hy sinh và thằng chạy trốn/ Còn lại tụi mình thì hãy cứ thương nhau…”.

Bùi Tiểu Quyên


Kỳ sau: Chiếc võng đầy thơ giữa rừng khộp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI