Tréo ngoe ở nhà thờ Bùi Chu

03/05/2019 - 07:04

PNO - Chúng ta đang ở cảm trạng bất lực “chùm”; ngoài việc cất lên tiếng kêu cứu yếu ớt, nỗ lực trong tuyệt vọng, ta chỉ có thể nhìn trân trân, đầy tiếc nuối vào khối di sản của cha ông để lại ngày một phôi phai, đổ nát.

“Di sản nào cũng là một phần máu thịt của văn hóa, không riêng ở đâu và của riêng ai; nhưng nhà thờ dường như vẫn là một lãnh địa... riêng. Nhiều nhà thờ đủ tiêu chí để xếp hạng, nhưng họ cũng không mặn mà với việc trở thành di sản văn hóa. Không nằm trong danh mục di tích lịch sử văn hóa, không xếp hạng thì Nhà nước khó mà chạm tay vào được. Xét cho cùng, nguyên nhân cũng vì… thiếu tin tưởng”. Chia sẻ của nhà nghiên cứu Nguyễn Sử có lẽ đã giải thích cho hàng loạt tréo ngoe trong vấn đề quản lý di sản văn hóa ở nước ta, mà sự kiện Bùi Chu (Nam Định) là một ví dụ.

Lời kêu cứu cho nhà thờ Bùi Chu

Sau khi có thông tin nhà thờ chính tòa Bùi Chu sẽ được/bị hạ giải để xây mới vào ngày 13/5 tới, hơn 20 kiến trúc sư, nhà bảo tồn di sản đã cùng nhau soạn “đơn đề nghị cứu xét”, kiến nghị tạm dừng phá dỡ, gửi tới Thủ tướng, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định. Chỉ sau một ngày, bản kiến nghị này đã nhận được chữ ký của gần 1.500 người và con số đang ngày một tăng.

Treo ngoe o nha tho Bui Chu
Nếu không có gì thay đổi, nhà thờ Bùi Chu sẽ được hạ giải vào ngày 13/5 tới

Thế nhưng, nhìn đi nhìn lại, những chỉ trích, lên án liên quan tới Bùi Chu mà dư luận đọc được trong mấy ngày qua, phần đa đều đến từ những người ngoài Công giáo. Họ không phải là chủ thể văn hóa ấy, không trực tiếp tham gia thờ phượng tại không gian văn hóa ấy. Còn những người trong cuộc thì sao? Chẳng lẽ họ không mong muốn giữ lại công trình này? Tất nhiên là có, thậm chí hơn ai hết, họ rất muốn giữ lại và được biết, để đi đến quyết định hạ giải này không phải ngày một ngày hai. Được xây dựng từ năm 1885, nhà thờ Bùi Chu không chỉ là trung tâm sinh hoạt tôn giáo lớn của giáo phận, mà dưới nền nhà thờ còn là nơi an nghỉ của nhiều vị giám mục đã coi sóc giáo phận này; nên khi phán xét họ là những kẻ tội đồ - bắn đại bác vào quá khứ, e rằng chúng ta có phần hơi cực đoan.

Trong thư ngỏ do Giám mục giáo phận Bùi Chu - Thomas Vũ Đình Hiệu ký ngày 11/3 có nói, lý do phải hạ giải nhà thờ: “Trải qua thời gian trên 130 năm, do ảnh hưởng của khí hậu vùng nhiệt đới, nhất là phải chống chọi với cơn bão hằng năm, nhà thờ xuống cấp nghiêm trọng. Tường nhà thờ đã bị nứt nẻ nhiều chỗ, vôi vữa và gạch mái nhà thờ bị rớt xuống, ảnh hưởng không chỉ tới việc thờ phượng mà còn gây nguy hiểm tới tính mạng của giáo dân tham dự phụng vụ”. 

Ngoài ra, theo tìm hiểu, với chiều dài 68m, chiều rộng 16m và chiều cao 15m, không gian nhà thờ 134 tuổi này đang ngày càng trở nên chật hẹp, không đáp ứng đủ nhu cầu tín ngưỡng của số lượng giáo dân ngày càng tăng. Vì thế, sớm hay muộn, cũng phải trùng tu, cơi nới và đó là nhu cầu chính đáng của người dân. Chưa kể, về mặt quản lý nhà nước, họ đã làm đúng thủ tục. Hồ sơ xin cấp phép xây dựng đã được Sở Xây dựng tỉnh Nam Định thông qua. Nhà thờ không nằm trong danh mục xếp hạng di sản. Quyết định đó lại được giáo dân ủng hộ. Nghĩa là mọi thứ đều… đúng quy trình.

Treo ngoe o nha tho Bui Chu
Hơn 20 kiến trúc sư, nhà bảo tồn di sản đã cùng nhau soạn “đơn đề nghị cứu xét”, kiến nghị tạm dừng phá dỡ nhà thờ Bùi Chu, gửi tới các cấp lãnh đạo, quản lý.

Thế nhưng, đặt trong bối cảnh văn hóa có quá nhiều “xói lở”, thiếu bền vững, việc có thêm một công trình văn hóa có giá trị bị phá bỏ, lại khiến giới nghiên cứu và những người quan tâm tới văn hóa phải lắc đầu ngao ngán. Ngao ngán vì dường như, chúng ta đang ở cảm trạng bất lực “chùm”; ngoài việc cất lên những tiếng kêu cứu yếu ớt và những nỗ lực trong tuyệt vọng, ta chỉ có thể nhìn trân trân, đầy tiếc nuối vào khối di sản của cha ông để lại ngày một phôi phai, đổ nát. Trong khi đó, những người làm công tác văn hóa, ban bệ đủ đầy từ trung ương xuống địa phương, lẽ ra là những người “thức tỉnh” nhất về vấn đề di sản và văn hóa, thì ở đây, dường như lại “bàng quan” một cách khó hiểu. Đến nỗi, có một vị phó giáo sư - tiến sĩ già nua, còm cõi, hơn chục năm qua, suốt ngày đi kêu cứu cho di sản khắp nơi, cũng phải thốt lên: “Ai muốn phá thì phá. Hình như họ không xem đó là việc của mình”. Từ Bùi Chu, nhìn lại nhà thờ Trà Cổ (Quảng Ninh), hay nhiều vụ việc khác, rõ ràng, đó là một sự mất mát cực lớn, nếu chúng ta không giữ lại.

Cần một ứng xử phù hợp

Câu chuyện Bùi Chu đặt ra nhiều vấn đề về quản lý di sản văn hóa ở nước ta hiện nay. Không ít vụ xâm hại di sản xảy ra, đều bắt nguồn từ lý do: di sản đó không nằm trong danh mục xếp hạng cấp quốc gia hoặc tỉnh. Không xếp hạng đồng nghĩa với việc không được bảo vệ và với diễn tiến ấy, việc nay công trình này bị xóa sổ, mai công trình kia bị xâm hại, chỉ là vấn đề thời gian. Khi dư luận lên tiếng, ngành văn hóa thường đưa ra lập luận (có vẻ) vững chắc rằng/thì/mà/là các công trình đó chưa được xếp hạng nên ngành văn hóa… xin phép được đứng ngoài một cách hồn nhiên và ráo hoảnh. Điều đó có thể đúng với nguyên tắc, nhưng thực tiễn đời sống thay đổi không ngừng, ở vị trí tham mưu, quản lý, điều tiết hoạt động văn hóa, sự chủ động cũng quan trọng không kém.

Treo ngoe o nha tho Bui Chu
Nhà thờ Bùi Chu

Theo quy định của Luật Di sản, những công trình, hiện vật có tuổi thọ trên 100 tuổi, được xếp vào di sản. So với số lượng di sản đã được xếp hạng, số di sản chưa được xếp hạng hiện còn rất nhiều. Kể cả khi thuộc danh mục kiểm kê, các di sản vẫn đang chịu nhiều sức ép lớn từ đời sống, chịu sự xâm hại, bỏ rơi và “cô đơn”. Không đơn thuần là dấu ấn của lịch sử, nhiều di sản còn mang trong mình chức năng tâm linh rất rõ. Theo thời gian, di sản ngày càng xuống cấp, nếu không cải tạo, trùng tu thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của người dân, mà câu chuyện Bùi Chu ở Nam Định và Trà Cổ ở Quảng Ninh là hai ví dụ điển hình. Nhưng cải tạo, trùng tu những di tích chưa được xếp hạng ra sao, cũng là một vấn đề lớn. Ðó không phải là chuyện cá nhân đóng góp kinh phí hoặc xã hội hóa là xong, mà cần sự quan tâm nhiều hơn về mặt quản lý nhà nước.

Đặc biệt, có không ít di sản thuộc sở hữu tư nhân, như hàng loạt biệt thự, lăng mộ cổ ở TP.HCM hoặc những di sản nằm ngoài quốc doanh như nhà thờ Bùi Chu, để đáp ứng nhu cầu người dân, buộc phải phá hoặc trùng tu nhưng Nhà nước không thể áp đặt là di sản văn hóa. Nguyên do cũng bởi chủ thể văn hóa đó chẳng mặn mà gì với việc xếp hạng danh hiệu. Họ không đăng ký, bởi họ biết, một khi được xếp hạng cũng đồng nghĩa với việc sẽ bị Luật Di sản văn hóa ràng buộc đủ bề.

Nhiều trường hợp di sản được xếp hạng “sống dở chết dở” trong chiếc vòng kim cô của Luật Di sản, gặp khó khăn trong việc trùng tu, sửa chữa, như nhà thờ họ Nguyễn Khả Trạc ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) - xin nâng nền di tích, nhưng không được chấp nhận hoặc nhiều người dân Ðường Lâm ở thị xã Sơn Tây của Hà Nội... xin trả danh hiệu di tích quốc gia là những bài học quá đắt. Chưa kể có những di sản, khi thuộc quản lý của Nhà nước, bị hư hỏng hoặc trùng tu không đúng cách, dẫn đến méo lệch di sản, làm mất niềm tin của người dân đối với ngành văn hóa.

Treo ngoe o nha tho Bui Chu
Nhà thờ Trà Cổ (Quảng Ninh) trước và khi bị đập ra để xây mới

Rõ ràng, để tránh “chảy máu” di sản, cần một cơ chế đặc thù, dân chủ, tạo ra những cuộc đối thoại giữa chủ sở hữu di sản với chính quyền. Có thế mới tránh được những mâu thuẫn giữa chủ thể văn hóa và công tác bảo tồn di tích vốn đã kéo dài trong nhiều năm qua. Trong những trường hợp này, không thể đưa luật ra để áp chế mà cần những ứng xử khéo léo, tinh tế, vừa hợp tình hợp lý, từ phía những người làm văn hóa.

Trong một chia sẻ của mình, giáo sư - tiến sĩ - kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính có nói về tính đối kháng trong bảo tồn và phát triển. Ông cho rằng, những gì mà thế hệ trước tạo ra, thế hệ sau có thể thấy không phù hợp nữa, nên chúng có nguy cơ bị đào thải. Sự đào thải chính là dòng chủ đạo trong quá trình kiến tạo vật chất loài người. Cho nên, nhu cầu níu giữ lại những gì mà thế hệ trước tạo ra cho hôm nay và mai sau là nhu cầu đi ngược lại dòng chảy lịch sử của đào thải, hủy diệt, mất mát. Về cơ bản, bảo tồn - phát triển luôn luôn ở thế đối kháng là vì thế.

Việc lội ngược dòng nước để giữ lại những gì còn sót lại từ dĩ vãng đương nhiên bị đặt trước câu hỏi “giữ lại để làm gì?”. Chúng ta sẽ phải trả lời những câu hỏi rất cốt tử: liệu chúng ta có giữ được không? Sự níu giữ ấy có khả thi không? Liệu nó có cản trở cuộc sống hôm nay không? Trong khi đó, di tích, di sản đều là những mảng trầm tích lâu đời, nếu đập đi là mất vĩnh viễn. Hễ chúng ta làm nghèo chúng đi, vơi đi hoặc làm chúng “trẻ” lại, đều là đi ngược bản chất của công việc bảo tồn.

Vậy thì ở nút thắt đối kháng này, cần vai trò của những người làm công tác tham mưu, quản lý văn hóa cấp cao vào cuộc. Luật Di sản văn hóa cũng quy định, ngoài bảo vệ, còn phải phát huy giá trị di sản. Nhìn lại, không những không bảo vệ được nhiều công trình, dường như, ở vế sau, cũng là một trạng thái… chơi vơi và trơ ra đó cái tâm cũng như cái tầm có hạn của nhà quản lý văn hóa. Với đà này, mai này, có lẽ, chúng ta chẳng còn gì cho tương lai cả. 

Du Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI