Tranh cãi chuyện Taylor Swift dùng công nghệ bí mật giám sát khán giả

13/12/2018 - 17:00

PNO - Các khán giả dự đêm diễn của Taylor Swift tại Rose Bowl thời điểm 18/5 bị chụp hình lại khuôn mặt khi ghé mắt xem những clip tập dợt của cô phát trên màn hình đặt trong một kios. Bí mật này vừa được phanh phui.

Vốn là nạn nhân thường xuyên của những kẻ đeo bám, nữ ca sĩ Taylor Swift đã kín đáo nhờ đến công nghệ cao để đảm bảo an toàn cho bản thân. Cụ thể, trong đêm nhạc của tour diễn Reputation Stadium Tour thực hiện tại sân vận động Rose Bowl, Los Angeles, bang California ngày 18/5, Taylor Swift đã bí mật dùng công nghệ giám sát khuôn mặt để nhận diện kịp thời những kẻ có trong danh sách “đen” luôn đeo bám cô.

Một kios được bố trí trong sân vận động có trang bị màn hình chiếu những clip tập dợt của cô, những ai đi ngang kios ghé mắt xem đều bị một camera giấu kín chụp hình lại gương mặt. Hình ảnh của họ sẽ được chuyển đến một trung tâm xử lý đặt tại Nashville, bang Tennessee để so sánh đối chiếu với dữ liệu hình ảnh của cả trăm kẻ vốn đeo bám Taylor Swift.

Tranh cai chuyen Taylor Swift dung cong nghe bi mat giam sat khan gia
Taylor Swift diễn ở sân vận động Rose Bowl.

Theo tạp chí Rolling Stone, bí mật này vừa được Mike Downing, giám đốc an ninh của Oak View Group, người được công ty chế tạo kios giám sát mời đến xem bản demo phần mềm giám sát kể trên, tiết lộ. Tuy nhiên Mike Downing không cho biết tên công ty chế tạo kios. Hiện phía Taylor Swift lẫn sân vận động Rose Bowl đều chưa đưa ra phản hồi gì về thông tin này.

Bí mật vừa được Mike Downing bật mí lập tức dấy lên những tranh cãi, băn khoăn về việc sử dụng công nghệ giám sát kỹ thuật cao để theo dõi khán giả. Cụ thể ở trường hợp đêm diễn của Taylor Swift thời điểm ngày 18/5 có bao nhiêu người trong số 60.000 khán giả đêm diễn đó bị bí mật chụp lại khuôn mặt, ai sở hữu những file ảnh chụp lén trên, các file này được lưu trữ trong bao lâu, có bao nhiêu kẻ đeo bám đã bị nhận diện, những kẻ xấu này đã bị xử lý như thế nào…

Tranh cai chuyen Taylor Swift dung cong nghe bi mat giam sat khan gia
Mohammed Jaffa (trái), fan cuồng vừa bị phạt 6 tháng tù giam vì đột nhập gia cư bất hợp pháp và đeo bám hăm dọa Taylor Swift.

Việc đảm bảo an ninh cho các đêm diễn ca nhạc là mối quan tâm chính của bất kỳ đơn vị tổ chức sự kiện nào bởi nhiều năm qua từng xảy ra các vụ đánh bom, nổ súng ở những đêm nhạc đông người. Nỗi lo an ninh cũng là yếu tố ảnh hưởng quyết định có mua vé vào xem hay không của khán giả. Vì vậy việc sử dụng công cụ giám sát kỹ thuật cao tại những nơi đông người là nhu cầu cần thiết, phục vụ lợi ích cộng đồng.

Tuy nhiên điều gì cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực. Khía cạnh tiêu cực của việc dùng camera giám sát, nhất là công nghệ nhận diện khuôn mặt, là xâm phạm quyền riêng tư của con người và nguy cơ bị hacker hoặc kẻ thù nước ngoài lạm dụng để thực hiện sai mục đích. Vụ việc ầm ĩ gần đây nhất liên quan đến công nghệ nhận dạng khuôn mặt là việc các nhân viên của Amazon viết thư cho ông chủ Jeff Besoz phản đối công ty bán phần mềm nhận diện khuôn mặt Rekognition cho chính phủ Mỹ vì nỗi lo vi phạm quyền riêng tư.

Tranh cai chuyen Taylor Swift dung cong nghe bi mat giam sat khan gia
Tài năng, xinh đẹp, giàu có nên Taylor Swift luôn khổ sở vì bị fan cuồng đeo bám.

Hiện cơ quan mật vụ Mỹ đang thử nghiệm hệ thống nhận diện khuôn mặt ở bên trong và xung quanh Nhà Trắng để nâng cấp an ninh cho địa điểm này. Hệ thống được lắp đặt tại một số khu vực nhất định của Nhà Trắng và chỉ theo dõi những người tình nguyện tham gia chương trình thử nghiệm.

Toàn bộ dữ liệu hình ảnh khuôn mặt sẽ được xóa trước ngày 30/8/2019 khi chương trình thử nghiệm kết thúc. Tuy vậy không có cách nào để tách hình ảnh tình nguyện viên với người đi bộ ngang qua trước Nhà Trắng. Do đó, nếu không muốn hình ảnh của mình bị hệ thống lưu lại, người đi đường được khuyên nên tránh xa khu vực này.

Quang Huy (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI