Trang phục dân tộc không nhất thiết phải là áo dài

28/11/2019 - 06:41

PNO - Ở các sân chơi quốc tế, người ta luôn muốn nhìn thấy sự trải rộng văn hóa của mỗi quốc gia qua các trang phục dân tộc, với những lát cắt nhỏ hơn.

Các từ như “dân tộc”, “truyền thống” bó hẹp sự nhìn nhận của một bộ phận công chúng. Trong khi đó, ở các sân chơi quốc tế, người ta luôn muốn nhìn thấy sự trải rộng văn hóa của mỗi quốc gia qua các trang phục dân tộc, với những lát cắt nhỏ hơn.

Mới đây, Hoàng Thùy đã chính thức chọn trang phục dân tộc để đến với Hoa hậu Hoàn vũ 2019. Từ ba mẫu thiết kế cuối cùng, người đẹp đã chọn mẫu Cà phê phin sữa đá của nhà thiết kế Trần Nguyễn Minh Đức. Trang phục lấy ý tưởng từ hình ảnh và văn hóa cà phê phin của Việt Nam. Thiết kế kết hợp giữa bodysuit, boots da cùng những vật dụng đặc trưng dùng để uống cà phê như: phin, muỗng.

Mẫu thiết kế được chọn nhanh chóng trở thành đề tài được dư luận quan tâm. Một bộ phận ủng hộ sự cách tân táo bạo của nó. Nhưng một phần cũng bày tỏ sự e ngại, bởi hai từ “dân tộc”, “truyền thống” không tồn tại trong hình dáng mẫu thiết kế này.

Trang phuc dan toc khong nhat thiet phai la ao dai
Trang phục Cà phê phin sữa đá của Hoàng Thùy sẽ trình diễn tại Hoa hậu Hoàn vũ 2019

Không riêng sự lựa chọn của Hoàng Thùy, mà khoảng ba năm trở lại đây, trang phục dân tộc của các người đẹp Việt đi thi quốc tế đã có nhiều thay đổi. Mở màn cho những đổi mới này có thể kể đến thiết kế Nàng mây của Lệ Hằng tại Hoa hậu Hoàn vũ 2016, Sen vàng của Khả Trang tại Hoa hậu Siêu quốc gia 2016, của Thùy Dung tại Hoa hậu Quốc tế 2017, Chiến binh hoa của Hà Thu tại Hoa hậu Trái đất 2017, Vị thần của trái đất của Phương Khánh tại Hoa hậu Trái đất 2018 hay Bánh mì của H’Hen Niê tại Hoa hậu Hoàn vũ 2018... 

Thay cho chiếc áo dài - trang phục truyền thống đặc trưng của Việt Nam, những thiết kế này phản ánh được sự đa dạng trong văn hóa của người Việt, từ cái ăn, cái mặc cho đến phương thức lao động, sinh hoạt. Điều này đang bám sát tiêu chí của các sân chơi nhan sắc hiện tại.

Nhìn rộng ra bên ngoài, Thái Lan có Chut Thai (trang phục Thái) được xem là trang phục truyền thống của quốc gia này. Tuy nhiên, tại Hoa hậu Hoàn vũ 2015, đại diện xứ sở chùa vàng lại đạt giải Trang phục dân tộc đẹp nhất với thiết kế lấy ý tưởng từ hình ảnh xe Tuk Tuk - một loại phương tiện giao thông đặc trưng của Thái.

Người Myanmar cũng có trang phục truyền thống dành cho nữ giới là Thummy. Nhưng đại diện của quốc gia này lại giành chiến thắng trong phần thi dân tộc tại Hoa hậu Hoàn vũ 2016 với một thiết kế tái hiện nghệ thuật múa rối truyền thống, có kết hợp cả vũ đạo biểu diễn. Hay tại Hoa hậu Hoàn vũ 2018, đại diện Lào đã thắng phần thi trang phục dân tộc với một thiết kế không phải là Sinh (trang phục truyền thống của phụ nữ Lào), mà là một thiết kế lấy ý tưởng từ nhân vật Kinnaly (nửa người, nửa chim) trong các truyện dân gian Lào. 

Trang phuc dan toc khong nhat thiet phai la ao dai
Trang phục dự thi của đại diện Thái Lan năm nay tại Hoa hậu Hoàn vũ 2019 làm từ vật liệu tự chế

Còn với riêng Việt Nam, sự thay đổi trong tư duy cũng gặt hái được nhiều thành công nhất định. Khả Trang từng giành chiến thắng với bộ trang phục Sen vàng tại Hoa hậu Siêu quốc gia 2016, mô tả những họa tiết đặc trưng của văn hóa Âu Lạc xưa của người Việt cổ. Phương Khánh cũng từng thắng huy chương vàng trong phần thi trang phục truyền thống với thiết kế cách điệu bắt mắt. Năm 2018, thiết kế Bánh mì tạo nên những luồng dư luận trái chiều trong nước, nhưng khi ra quốc tế lại nhận được nhiều phản hồi tích cực vì sự độc đáo, mới lạ.

Áo dài vẫn là trang phục truyền thống của người Việt, và luôn là niềm tự hào của người Việt khi bước ra quốc tế. Nhưng ở mỗi sân chơi, chúng ta cần nhập cuộc và theo luật. Có thể thấy, điều mà các cuộc thi và công chúng quốc tế mong muốn nhìn thấy, là sự trải rộng của văn hóa mỗi quốc gia với những lát cắt nhỏ hơn trong phần thi trang phục dân tộc. Trong khi đó, với dư luận trong nước, các từ “dân tộc”, “truyền thống” lại bó hẹp suy nghĩ của một bộ phận.

Nhưng bước tiến này so với các quốc gia khác vẫn là khá muộn. Chẳng hạn như Lào, chỉ mới tham gia các sân chơi nhan sắc khoảng hai năm gần đây, nhưng đã ẵm giải trang phục dân tộc tại Hoa hậu Hoàn vũ. Trong khi đó, Việt Nam đã bước ra các sân chơi nhan sắc thế giới gần hai thập niên, thì ba năm nay mới bắt đầu có sự thay đổi để đáp ứng được tiêu chí của giám khảo quốc tế.

Khi chúng ta đang chỉ ở giai đoạn “có sự thay đổi”, thì nhiều quốc gia khác lại bắt đầu vào một trận chiến mới hơn ở phần thi trang phục dân tộc này. Ngoài ý tưởng độc, lạ xuất phát từ văn hóa quốc gia, các thiết kế gần như đang được gắn với một thông điệp nào đó của thời cuộc. 

Chẳng hạn tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ năm nay, đại diện Puerto Rico mang đến bộ trang phục dân tộc với hình ảnh hoa flor de maga (một loài hoa có họ gần với dâm bụt), được xem là quốc hoa của Puerto Rico. Ngoài ra, phần thân áo tái hiện hình ảnh loài ếch vàng Coqui quý hiếm của quốc gia này, như một thông điệp ngầm về môi trường. 
Hòa nhập nhưng không hòa tan. Có lẽ trong tương lai gần, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài quy luật vận động này. 

Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI