Tìm về nguồn cội trăm năm

24/06/2019 - 13:29

PNO - Lần đầu thử sức với sân khấu cải lương, NSƯT Việt Anh (vai Hội đồng Thăng) đã có sự phối hợp rất đẹp với các nghệ sĩ cải lương, đặc biệt là NSND Bạch Tuyết (vai cô Lựu).

Trong khung cảnh làng quê mộc mạc, câu hát “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời… Tiếng nước tôi, tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi…” vang lên, rồi tiếp đó là nhịp song lang cùng câu hát Dạ cổ hoài lang, chợt thấy lòng dâng lên những cảm xúc rất lạ. Ở vùng đất Nam bộ này, từ bao đời nay, cải lương như tiếng lòng dân tộc, tiếng hồn quê hương. Những giai điệu đã nuôi lớn tâm hồn của biết bao thế hệ, từ khi còn nằm trong bụng mẹ, để khi khôn lớn, dẫu có đi bao xa, chỉ cần nghe một giai điệu đờn ca tài tử, một thanh âm của tiếng đờn kìm, lại thấy nhớ quê nhà da diết…

Tim ve nguon coi tram nam
Trích đoạn kinh điển Đời cô Lựu đã có một phiên bản rất mới, đa chiều và đong đầy cảm xúc

Sự kết hợp của ca khúc Tình ca (Phạm Duy) và bản Dạ cổ hoài lang (Cao Văn Lầu) trong tiết mục mở màn chương trình Cải lương - Trăm năm nguồn cội (tác giả và đạo diễn: Quang Thảo) như dẫn dắt cảm xúc người xem ngược dòng thời gian, tìm về nguồn cội cải lương cách đây hơn một thế kỷ, với lời khẳng định: trải qua hành trình 100 năm, với nhiều biến cố thăng trầm, cải lương vẫn là tinh hoa của văn hóa truyền thống Việt Nam.

Cải lương trong góc nhìn của hôm nay

Vẫn đầy khát khao làm mới cải lương, nhưng lời dạy của NSND Phùng Há dành cho NSND Bạch Tuyết đã được nhắc lại như ánh đèn dẫn lối cho ê-kíp thực hiện: “Con không thể diễn cô Lựu như má, mà phải thể hiện cô Lựu bằng chính cảm xúc và cách nhìn riêng của con, ở thời đại của con”. Từ lời dạy đó, ê-kíp Cải lương - Trăm năm nguồn cội đã chọn cách làm theo góc nhìn, cảm nhận của con người hôm nay.

Chuyện “làm mới cải lương” đã được nhắc rất nhiều trên hành trình cải lương tìm lại khán giả, giữa sự cạnh tranh khốc liệt với nhiều loại hình nghệ thuật “thời thượng”. Nhưng làm mới như thế nào để đáp ứng nhu cầu của khán giả mà vẫn không đánh mất những đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của cải lương? Đó vẫn là câu hỏi đến bây giờ giới làm nghề vẫn chưa thể trả lời chính xác.

Bên cạnh sự kết hợp giữa Tình caDạ cổ hoài lang, có lẽ đây là lần đầu khán giả yêu bản Dạ cổ hoài lang được nghe bản chuẩn của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, do UBND tỉnh Bạc Liêu công bố. Giọng ca da diết của nghệ sĩ Ngọc Đợi - người được chọn thu âm bài ca chuẩn để lưu giữ tại bảo tàng Cao Văn Lầu (Bạc Liêu) - hòa quyện trong tiếng đờn kìm điêu luyện và đầy cảm xúc của nghệ sĩ đờn kìm đang theo học thạc sĩ, Khoa Âm nhạc dân tộc (Nhạc viện TP.HCM), trong vai cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu là một trong những dấu ấn đẹp của Cải lương - Trăm năm nguồn cội.

Điểm nhấn đặc biệt nhất của chương trình là hai trích đoạn: Đời cô Lựu (soạn giả Trần Hữu Trang) và Xử án Thượng Dương (tuồng Câu thơ yên ngựa, tác giả: NSND Thanh Tòng). Những trích đoạn tưởng đã rất quen thuộc, khi được đưa lên sân khấu bằng cảm nhận, góc nhìn của những con người ở thế kỷ XXI đã rất khác biệt. Không còn giữ mô-típ nhân vật người tốt - kẻ xấu một màu, các nhân vật ở Đời cô LựuXử án Thượng Dương hôm nay, dù chỉ gói gọn trong trích đoạn, vẫn được xây dựng đa chiều, tâm lý dày hơn, với những góc khuất, ẩn ức riêng.

Lần đầu thử sức với sân khấu cải lương, NSƯT Việt Anh (vai Hội đồng Thăng) đã có sự phối hợp rất đẹp với các nghệ sĩ cải lương, đặc biệt là NSND Bạch Tuyết (vai cô Lựu). Có lẽ đây cũng là lần đầu, kể từ khi ra mắt, nhân vật Hội đồng Thăng đã làm khán giả phải rơi nước mắt. Tiếng khóc đớn đau của Hội đồng Thăng và cô Lựu ở cảnh kết đầy ám ảnh đối với khán giả. 

Về làm vợ Hội đồng Thăng suốt 20 năm, cô Lựu sống mà như chết, nhưng Hội đồng Thăng cũng chẳng sung sướng gì hơn! 20 năm, người vợ ông từng si mê, tìm mọi cách chiếm đoạt, chưa hề nở một nụ cười với ông, chưa bao giờ nhìn thẳng vào mặt ông, thậm chí khi ngủ, bà cũng quay mặt vô vách.

Hội đồng Thăng gào lên: “Mười chín, hai mươi năm rồi, bà còn chờ cái gì, còn đợi cái gì?”. Ông phẫn nộ với vợ hay là cơn bão lòng đang gào thét trong ông? Hội đồng Thăng của NSƯT Việt Anh vẫn cay nghiệt, vẫn độc đoán, nhưng người xem thấy thương cho vỏ bọc làm chồng trong ông, thay vì chỉ căm ghét. 

Xử án Thượng Dương - sự kết hợp của thế hệ thứ năm ở gia tộc Bầu Thắng - Minh Tơ: NSƯT Quế Trân, NSƯT Tú Sương và nghệ sĩ Điền Trung (cháu rể) cũng gây nhiều bất ngờ thú vị. Không chỉ chú trọng vũ đạo và phần ca, từng tình huống trong trích đoạn đã được xử lý khá tinh tế, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ thể hiện tối đa khả năng diễn xuất. Chùng lòng với nỗi day dứt của Lý Đạo Thành khi phải chọn lựa giữa tình thân và phép nước, chợt thấy thương hơn thân phận của những người phụ nữ chốn hoàng cung. Với cách lý giải mới, Thượng Dương Hoàng Hậu cũng có những nỗi đau đớn, oan khiên của người phụ nữ thua cuộc trong một trận chiến chốn thâm cung.

Tim ve nguon coi tram nam
Xử án Thượng Dương đầy sức sống mới với các nghệ sĩ thuộc thế hệ thứ năm của gia tộc Bầu Thắng - Minh Tơ

Trên bản dựng mới, gia tộc Bầu Thắng - Minh Tơ còn có thêm một niềm vui khác: với nội lực, đam mê và quyết tâm của NSƯT Quế Trân, sân khấu cải lương hy vọng sẽ có thêm một cô đào với khả năng độc diễn đủ sức lôi cuốn người xem.

“Chuyện lạ” ở Cải lương - Trăm năm nguồn cội

Ngay từ khi có những thông tin đầu tiên, Cải lương - Trăm năm nguồn cội đã gây chú ý. Cả nhà sản xuất (Công ty Green Horizon) và tác giả, đạo diễn Quang Thảo đều là “người lạ” của sân khấu cải lương. Thắc mắc với Quang Thảo, anh cho biết: “Thế mạnh của tôi là viết kịch bản, không có nhiều kiến thức về cải lương; nhưng tôi may mắn được làm việc với những nghệ sĩ rất giỏi ở lĩnh vực cải lương. Tôi còn có sự hỗ trợ của cố vấn chương trình - NSND Bạch Tuyết và giám đốc âm nhạc - NSƯT Huỳnh Khải. Tôi chỉ phải làm thật tốt vai trò kết nối những sáng tạo của các nghệ sĩ và cả ê-kíp”.

Những buổi tập của Cải lương - Trăm năm nguồn cội cũng rất… lạ. Những nghệ sĩ gạo cội như NSND Bạch Tuyết, NSƯT Việt Anh luôn sẵn lòng lắng nghe ý kiến, ý tưởng của người vừa lạ, vừa trẻ Quang Thảo; để cùng bàn bạc, chọn ra một cách thể hiện, cách lý giải tốt nhất. Khi ngồi ở ghế khán giả xem đạo diễn làm việc, các nghệ sĩ lại thành những khán giả khó tính của đạo diễn. Nhiều lần, ánh mắt Quang Thảo sáng bừng khi đón nhận lời góp ý của các nghệ sĩ tiền bối.

Việc gia đình cố NSND Thanh Tòng cho phép Quang Thảo viết thêm lớp diễn cho trích đoạn được xem là kinh điển, mẫu mực cũng là điều không nhiều tác giả hoặc gia đình các tác giả có những tác phẩm kinh điển sẵn lòng thực hiện. Có xem những buổi tập, theo dõi hết hành trình để có được buổi ra mắt Cải lương - Trăm năm nguồn cội “tròn trịa”, chỉn chu, mới hiểu hết những gì Quang Thảo nói: “Chương trình là công trình của cả tập thể - những người luôn mê đắm với cải lương, với niềm tin cải lương chưa bao giờ mất đi sức hút”.

Sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc những “người lạ” khác cũng góp phần không nhỏ giúp nghệ sĩ và khán giả thăng hoa cảm xúc: ban nhạc cổ của NSƯT Huỳnh Khải. Các tay đờn còn trẻ măng, nhưng tiếng đờn đủ làm mê hoặc lòng người. Khi cải lương đang khan hiếm nhạc công thì dàn nhạc gồm các sinh viên đã và sắp tốt nghiệp Nhạc viện TP.HCM như một giấc mơ có thật.

Cải lương - Trăm năm nguồn cội sẽ chính thức ra mắt khán giả tại Nhà hát Bến Thành, từ ngày 7/7. 

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI