Tìm trong ký ức Hội An...

09/09/2019 - 09:50

PNO - Chợt sợ, đến một lúc nào đó những chiếc mặt nạ thời gian, giếng Bá Lễ, chiếc võng ngô đồng… với thế hệ trẻ hôm nay và sau này, họ sẽ chỉ là những người ngoài cuộc.

Tròn hai mươi năm kể từ ngày tôi đọc truyện ngắn Phố Hoài của Quế Hương. Ngần ấy năm, giếng cổ Bá Lễ, quán lục tào xá, mì Quảng, cao lầu, những mái ngói âm dương uốn lượn, những tường rêu của “thằng Dậu” - nhân vật trong tác phẩm vẫn còn nguyên vẹn đó. Chỉ có điều, phố cổ đã khác xưa nhiều. 

“Ngày xưa phố êm đềm lắm, không hội hè chi cả” - thằng Dậu, con bà gánh nước thuê trong truyện đã nói như thế khi nhìn thấy những đứa trẻ nô nức xúng xính quần áo đẹp hòa mình vào hội phố. Thằng Dậu trở về tìm ký ức Phố Hoài sau bốn mươi năm cứ sợ “du lịch phát triển, phố không còn là phố ngày xưa”.

Phố cổ bây giờ quả thật nườm nượp du khách thập phương. Hội An còn được bình chọn trong top 15 thành phố đẹp nhất thế giới. Đô thị cổ Hội An được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999 (cùng với khu đền tháp Mỹ Sơn). Vậy nhưng, trong sự rộn ràng, đông đúc đến huyên náo của phố cổ vào những mùa du lịch, điểm tựa để du khách tìm về vẫn chính là hồn cốt của phố xưa, là phần ký ức, giá trị được gìn giữ như cội nguồn. 

Đêm xuống, khi những chiếc đèn lồng được thắp lên, sông Hoài lung linh hoa đăng được du khách thả xuống. Đó là vẻ mỹ miều bất khả sánh của phố cổ. Nhưng kỳ lạ thay, niềm vui của tôi ở Hội An không phải hòa mình giữa những náo nhiệt của phố Hội, mà là trong những ngày vắng lặng hơn, được tự do hồn nhiên thả bước chân mình qua những con đường nhỏ. Nghe trăm năm yên lặng náu mình trong hồn phố. Nhìn ngắm tường rêu, hay nghe tiếng mưa nhỏ giọt khẽ khàng từ những mái hiên. Ngồi xuống ăn một chén xí mà phù “đi qua thế kỷ” ở đường Nguyễn Trường Tộ, nhìn ngắm từng viên gạch nơi giếng cổ Bá Lễ, nghĩ về lớp lớp người người đã gìn giữ suốt trăm năm…

Với một vùng đất, khi đôi chân mình đã quen thuộc hết những ngõ ngách, đôi mắt đã mê mải với những tường rêu, mái ngói; đã thưởng thức hết mọi hương vị thì điều khiến người ta vương vấn nhớ thương, và muốn trở lại chính là con người. Như buổi chiều qua làng rau Trà Quế, hít hà bầu không khí thơm lừng mùi của các loại rau thơm, tôi lại thèm cảm giác ngồi xuống trò chuyện với những người nông dân. Mỗi người già của làng là một kho tàng ký ức, họ là chứng nhân của một vùng đất. Hội An có quá nhiều người gìn giữ ký ức, những giá trị truyền thống. Có những công việc khởi từ mưu sinh, nhưng rồi đã trở thành vẻ đẹp của chân thiện mỹ, người trở thành một phần của đất - như một sứ mệnh.

Trong cuốn sách Cá tính Quảng (phát hành tháng 7/2019), có các bài viết rất hay về người gánh nước thuê lâu nhất ở giếng cổ Bá Lễ - cụ Nguyễn Đường (đã xác lập kỷ lục Việt Nam), và người giữ lửa cho làng gốm Thanh Hà qua hai thế kỷ - nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Được. Tôi đọc, như thể thấy hiển hiện trước mắt mình một miền trầm tích vàng son của quá khứ. Giếng Bá Lễ được người Chăm xây dựng từ trước thế kỷ thứ X. Những gánh nước thuê một thời nuôi sống biết bao người nghèo phố cổ, bây giờ trở thành một giá trị văn hóa, gìn giữ cho phố một hồn cốt rất đỗi nhớ thương. 

Ở số 66 đường Lê Lợi (TP.Hội An), là nơi ở của “người vẽ mặt nạ thời gian”- nghệ nhân Bùi Quý Phong. Ông lặng lẽ giữ gìn một nghề truyền thống để chờ một lớp trẻ kế thừa. Xuất hiện trên sân khấu Người bí ẩn tập 15 mới đây, nghệ nhân Bùi Quý Phong đã mang đến cho khán giả một góc tâm hồn của người phố cổ. Ông khiến người khác phải nghiêng mình nể phục với cách mà ông lựa chọn, yêu thương, gìn giữ, đối đãi với một giá trị truyền thống.

“Không gian của tôi gồm có hai trăm chiếc mặt nạ, không trùng lặp. Khách đến mua rồi đi, tôi lại đau đáu với những chiếc mặt nạ khác. Các bạn trẻ đến tham quan, tôi đều yêu cầu họ chụp ảnh. Càng nhiều người trẻ biết đến, tôi càng hạnh phúc” - nghệ nhân Bùi Quý Phong tâm tình. “Phải làm để giữ cho thế hệ trẻ. Tôi mong, những bạn trẻ sau khi nghiên cứu sẽ kết hợp cái họ có, với cái của tôi hôm nay, họ sẽ giỏi hơn tôi”. 

Gần mười năm trước, tôi gặp người cuối cùng đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm - cụ bà Nguyễn Thị Môn. Ngày trở về, đọng lại trong tôi sâu nhất lại là hình ảnh một người già ngồi còng lưng đan võng (bà Môn khi ấy đã hơn tám mươi lăm tuổi). Ngô đồng mọc trên núi, phải biết chọn những nhánh đủ tuổi để có sự dai và bền, đốn xuống rồi kéo về ngâm, sau đó phơi khô, tách vỏ rồi kéo thành từng sợi nhỏ.

Tim trong ky uc Hoi An...
Chiếc võng ngô đồng giờ trở thành biểu tượng của một nghề truyền thống đã dần mai một ở Cù Lao Chàm

Một chiếc võng đan kỳ công có thể mất đến ba, bốn tháng. Chiếc võng thấm đẫm giá trị văn hóa truyền thống, là cội nguồn, là sự chắt chiu nhẫn nại, yêu thương của lớp người đi trước. Năm ngoái trở lại Cù Lao Chàm, tôi lại đi tìm võng ngô đồng. Chiếc võng bây giờ trở thành biểu tượng, được trưng bày giới thiệu với du khách trong Đêm cù lao được tổ chức vào mỗi tối thứ Bảy hằng tuần. Mai này ai sẽ đan võng ngô đồng? Câu trả lời thinh lặng như tiếng nước. 

Những ngày này, phố cổ Hội An đẫm mình trong không gian văn hóa của di sản, của những lễ hội kỷ niệm 20 năm được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Tự dưng tôi lại nhớ đến những người đang gìn giữ ký ức, gìn giữ những giá trị truyền thống của một vùng đất. Chợt sợ, đến một lúc nào đó những chiếc mặt nạ thời gian, giếng Bá Lễ, chiếc võng ngô đồng… với thế hệ trẻ hôm nay và sau này, họ sẽ chỉ là những người ngoài cuộc. 

Bùi Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI