Ti vi 'đua' với điện thoại

13/12/2019 - 15:27

PNO - Trong thời đại số, ti vi truyền thống đang gặp phải “đối thủ cạnh tranh” lớn là internet.

Hội thảo "Sản xuất và phân phối nội dung truyền hình trên môi trường internet" (diễn ra sáng 12/12, trong khuôn khổ Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 39 tại TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) chỉ ra nhiều vấn đề đáng lưu tâm. Trong thời đại số, ti vi truyền thống đang gặp phải “đối thủ cạnh tranh” lớn là internet. Cuộc chạy đua trên nền tảng số không chỉ giữa các đài truyền hình với nhau mà còn bị cạnh tranh với lực lượng youtubers ngày càng đông đảo. 

Lượng khán giả "khổng lồ" trên mạng

Một trong những đơn vị đứng đầu trong việc phát triển các chương trình phát sóng trên nền tảng số hiện nay là Trung tâm tin tức VTV24 - Đài truyền hình Việt Nam. Theo bà Nguyễn Lệ Quyên, phụ trách nhóm Online Media thuộc Trung tâm tin tức VTV24, hiện năm kênh tương tác mạnh mẽ với khán giả trên mạng là: fanpage, YouTube, Facebook, Instagram và Zalo.

Ti vi 'dua' voi dien thoai
Tiếng sét trong mưa - bộ phim tạo dấu ấn sâu đậm một phần nhờ vào hướng tiếp cận hiệu quả với khán giả qua mạng xã hội

Đối với từng kênh kết nối, đơn vị đều xác định đối tượng khán giả riêng và tiềm năng để có hướng phát triển, xây dựng các chương trình phù hợp. Những người thực hiện cũng ứng dụng tối đa các tính năng của mạng xã hội để tăng tính tương tác với khán giả. 

Cùng với việc phát triển đa dạng các chương trình truyền hình, Đài truyền hình Việt Nam cũng phát triển mạnh các nền tảng VTVGo, VTVNews, VTV Travel và VTV Thể thao. Ngoài ra, website VTV Giải trí cung cấp gần như toàn bộ chương trình đã phát sóng trên các kênh của VTV, bao gồm cả phim truyền hình.

“Chúng ta đang đối mặt với những thử thách rất lớn trong thời đại số, khán giả bây giờ chỉ cần khoảng bảy giây lướt qua chương trình trước khi quyết định có xem nó hay không” - nhận định của ông Phạm Minh Chiến, Giám đốc Trung tâm sản xuất và kinh doanh nội dung số, Đài truyền hình Việt Nam VTV Digital. Vì vậy, “cuộc đua” lượt truy cập (views) trên mạng cũng không kém khốc liệt so với rating - từng được xem là thước đo tỷ suất người xem tiêu chuẩn của các nhà đài. 

Thời gian qua, một số đơn vị truyền hình đã làm rất tốt công tác quảng bá chương trình/phim truyền hình trên nền tảng số. Một số phim thành công có thể thấy: Sống chung với mẹ chồng, Về nhà đi con…(VTV), Tiếng sét trong mưa (Đài truyền hình Vĩnh Long), cùng một số phim truyền hình của kênh Today TV, SCTV14.

Công cụ Social Listening - SocialHeat cũng đo được các chương trình thuộc top 5 được thảo luận nhiều nhất trên mạng xã hội trong sáu tháng đầu năm 2019: Chạy đi chờ chi, Quý ông đại chiến, Giọng hát Việt - The Voice 2019, Giọng ải giọng aiNgười ấy là ai. Một chương trình đặc biệt được khán giả mạng xã hội yêu thích là Sao nhập ngũ (của kênh truyền hình QPVN). 

Tuy nhiên, khán giả ngày càng có nhiều lựa chọn nghe nhìn trên thế giới mạng, nên việc thu hút người xem, tạo được hiệu ứng lan tỏa hay không cũng là một thách thức lớn. Hầu hết các đơn vị sản xuất phim truyền hình đều xây dựng fanpage riêng cho phim, nhưng chủ yếu dừng lại ở phần chia sẻ thông tin, hình ảnh, lịch phát sóng… Trong khi theo nhận định của các chuyên gia thì việc hiểu được khán giả, giữ tương tác với khán giả là điều vô cùng quan trọng.  

Ti vi 'dua' voi dien thoai
Về nhà đi con- bộ phim gây sốt với nhiều phương thức quảng bá, tiếp cận khán giả trên môi trường số

Đầu tư ít, hiệu quả cao

Một youtuber chỉ với một chiếc smartphone đã có thể tự sản xuất chương trình, livestream thu hút hàng triệu đến chục triệu lượt xem. Mạng xã hội tạo hiệu ứng lan tỏa hiệu quả nhiều khi còn vượt xa cả những chương trình phát sóng chính thức trên truyền hình. Đội ngũ facebookers, youtubers ngày càng hùng hậu, chính họ cũng đang góp phần làm thay đổi thị phần người xem và sự tăng trưởng của các chương trình trên nền tảng số. 

“Đầu tư kinh phí cho hạ tầng internet ít nhưng mang lại hiệu quả cao. Chúng ta có được lượng khán giả khổng lồ không giới hạn địa lý, cả trong và ngoài nước” - bà Trần Thanh Nhã, đại diện Đài phát thanh truyền hình tỉnh Hậu Giang khẳng định.

Tương tác nhanh, trao đổi trực tiếp, hiệu quả tức thì, thu hút quảng cáo là những mặt tích cực mà nền tảng số mang lại. Tính đến tháng 11/2019, các chương trình của Đài phát thanh truyền hình Hậu Giang thu hút khoảng 16 triệu lượt truy cập/tháng, fanpage thu hút khoảng 2,5 triệu lượt views/phút. Một thống kê chưa phải quá vượt trội, nhưng cho thấy nỗ lực của một đài phát thanh truyền hình tỉnh trong xu hướng tiếp cận khán giả trên internet. 

Theo khảo sát, cứ mười khán giả thì có chín người xem VOD (video theo yêu cầu) ở mọi thể loại, trong đó phim ảnh chiếm 36%. Ở một góc độ khác, có khoảng 6/10 khán giả cảm thấy phiền khi quảng cáo xuất hiện trong các VOD; 53% khán giả nghĩ quảng cáo góp phần cung cấp thông tin hữu ích cho họ về sản phẩm mới. Đó cũng chính là một trong những điều kiện tích cực cho thị trường OTT phát triển nhanh chóng.

Ti vi 'dua' voi dien thoai
Trong thời đại số, ti vi truyền thống đang gặp phải “đối thủ cạnh tranh” lớn là internet. 

Khán giả mạng góp phần rất lớn trong việc cộng hưởng, làm nên “làn sóng” lan tỏa tích cực cho các chương trình, bộ phim hay. Ngược lại, phản ứng của dư luận cũng rất kịp thời, mạnh mẽ trong những trường hợp có yếu tố sai lệch giá trị, phản cảm. Bà Nguyễn Diệu Cầm - Tổng giám đốc công ty truyền thông T&A Ogilvy - cho rằng người tiêu dùng ngày càng khó tính, nên đặt mục tiêu cao nhất về chất lượng và xác định phương pháp tiếp cận nội dung số là vấn đề cần ưu tiên trước nhất. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI