Thời của sách truyền cảm hứng?

09/09/2018 - 20:42

PNO - Những biến chuyển trên thị trường sách cho thấy, dòng “tản văn thất tình” đã có phần hạ nhiệt.

Thay vào đó, nhiều đơn vị làm sách chú trọng đầu tư in sách truyền cảm hứng, chia sẻ trải nghiệm tích cực. Thể loại này đang trở thành trào lưu mới, nhưng nhiều quá lại… thường.

Thoi cua sach truyen cam hung?
Sách truyền cảm hứng của người viết trẻ đang làm chủ thị trường sách trẻ

Sách "thả trôi phiền muộn" bán chạy

Phi Tuyết là cái tên khá mới của làng sách. Thế nhưng, cuốn sách đầu tay - Sống như ngày mai sẽ chết (nhà xuất bản Thế Giới) - đã bốn lần tái bản, với số lượng bản in đến 23.000 bản. Tác giả sinh năm 1990 này vừa cho ra mắt cuốn Tại sao chúng ta không hạnh phúc? (nằm trong tủ sách Sống - sách của tác giả Việt, Alphabooks).

Không chỉ có lượng bạn đọc theo dõi đông đảo trên trang cá nhân, Phi Tuyết còn có những buổi diễn thuyết lôi cuốn, thuyết phục bằng trải nghiệm và vốn kiến thức sâu rộng. Tác giả đã lý giải khởi nguồn hạnh phúc và giá trị con người qua những góc nhìn phổ quát từ cách mạng công nghiệp, giáo dục, tự nhiên, khoa học, lịch sử loài người, chủ nghĩa tiêu dùng… Đây chính là sự khác biệt làm nên sức hấp dẫn trong những cuốn sách truyền cảm hứng của Phi Tuyết.

Người trẻ truyền cảm hứng cho nhau bằng những cuốn sách chia sẻ trải nghiệm, quá trình tự nhận diện và trưởng thành. Họ chạm đến được nhu cầu và nỗi hoang mang chung của người trẻ đô thị, nhờ thế mà sách luôn bán chạy. Mới đây, tác giả La Di cũng giới thiệu cuốn Đừng lo lắng, hãy hạnh phúc (nhà xuất bản Văn hóa - Văn Nghệ) - một sự trải lòng để “chữa lành”, thể hiện qua hơn 30 bài viết: Hạnh phúc trong nỗi đau, Ngồi đây để sưởi ấm đi em, Độc thân bình tĩnh, Nỗi cô đơn rất đẹp... Từng trang sách như những lời động viên chân tình, dành cho những ai cùng hoàn cảnh, tâm trạng.

“Tôi đã mất hai năm để tìm thấy ngọn nguồn hạnh phúc trong lòng mình, chính là bằng phương pháp Writing therapy (viết lách trị liệu) và tôi muốn chia sẻ để những người đi sau có thể làm nhanh hơn tôi. Hãy viết để chữa lành tâm hồn bạn” - thông điệp của cây bút trẻ Phiên Nghiên (sinh năm 1987), góp thêm vào tâm tư chung của những người trẻ cùng thời.

Tinh thần này cũng được truyền qua những cuốn sách bestseller như: Tuổi 20 tôi đã sống như một bông hoa dại (Trang Xtd), Đến Nhật Bản học về cuộc đời (Lê Nguyễn Nhật Linh), Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? (Rosie Nguyễn), Cứ cười thôi, mặc kệ đời! (Gari Nguyễn), Tạm biệt em ổn (Tờ Pi)… Đây cũng là thể loại sách được nhiều đơn vị xuất bản chủ động tìm kiếm và mời, đặt hàng tác giả viết. Không riêng cá nhân, nhiều nhóm tác giả cũng làm sách truyền cảm hứng: Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới, 1987, Có chuyến đi dài có chuyện chúng ta, sắp tới là dự án Người bình thường tử tế

Lý giải vì sao dòng sách “thả trôi phiền muộn” ngày càng trở thành trào lưu, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên - người chịu trách nhiệm khai thác bản thảo của Phanbook - cho rằng, thể loại này mang đến niềm an ủi cho người đọc giữa “cuộc sống hỗn loạn như hiện nay”.

Thoi cua sach truyen cam hung?

Nhiều quá, hóa nhàm

MC Lê Đỗ Quỳnh Hương bắt đầu in sách từ cuốn An nhiên mà sống (nhà xuất bản Trẻ), đến nay đã qua chín lần tái bản. Hai cuốn tiếp theo: Chuyện nhỏ nhà QuỳnhLuật hấp dẫn của nụ cười của chị cũng bán rất chạy. Là người nổi tiếng viết sách, MC Quỳnh Hương càng có sức ảnh hưởng lớn với công chúng.

“Tôi xác định không viết điều gì lớn lao, chỉ chia sẻ những chuyện nhỏ bé hằng ngày, mong mọi người có thể rút ra được điều gì đó có ý nghĩa, tích cực cho bản thân” - chị tâm sự. Đến nay, MC Quỳnh Hương vẫn giữ được vị trí bestseller và sự yêu mến của bạn đọc, dù các tựa sách sau đã có phần giảm nhiệt so với trước. Nhưng không phải tác giả nào cũng được như vậy.

Khi làng sách xuất hiện ngày càng nhiều những cây bút mới, nhiều tên tuổi từng rất "hot" chìm dần, chất lượng tác phẩm cũng không còn được đánh giá cao. Điển hình là Phan Ý Yên. Khởi đầu với những cuốn sách được bạn trẻ yêu mến, một số tựa sách sau này của Ý Yên đã bị độc giả chê nhạt. Nếu so với Em là để yêu, Người lớn cô đơn thì Khi phụ nữ uống trà đàn ông nên cẩn thận, Tình yêu là không ai muốn bỏ đi in sau này, bút lực của Phan Ý Yên giảm rõ rệt. Rosie Nguyễn, sau “cơn bão” Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?, cuốn Mình nói gì khi nói về hạnh phúc? có vị trí hết sức khiêm tốn bên cạnh loạt sách mới xuất bản của những người viết trẻ.

Nếu so với những tác phẩm truyền cảm hứng nổi tiếng của thế giới, sách của các thiền sư, những tựa sách của người viết trẻ mới là những dấu chấm mờ, xuất hiện ồ ạt nhưng khó trụ vững trên những thang giá trị. Họ viết bằng trải nghiệm, suy nghĩ và quá trình “tự giác ngộ” của bản thân nên vẫn còn những giới hạn nhất định trong nhận thức và kinh nghiệm sống, dễ sa đà vào tủn mủn cá nhân. Nhiều quá lại dễ gây chán, nhạt, hay dở lẫn lộn. Việc in sách ngày càng dễ. Người trẻ chủ động hơn trong việc phát hành, quảng bá tác phẩm. Nhưng cũng cần có những quãng nghỉ để trau dồi, học hỏi, nghiêm túc hơn trong sáng tạo mới mong đủ sức nâng tầm ngòi bút.

Người trẻ có sách của người trẻ, mẹ “bỉm sữa” cũng có sách của các tác giả làm mẹ. Độc giả nữ nhiều độ tuổi cũng có thể tìm đến sách của những tác giả nữ truyền cảm hứng sống tích cực và yêu thương bản thân. Chưa lúc nào mà dòng sách này lại phát triển mạnh mẽ, đa diện như bây giờ.

Diệp Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI