Thấy gì từ việc Spotify đến Việt Nam?

14/03/2018 - 11:02

PNO - Ngày 13/3, Spotify chính thức có mặt tại Việt Nam, đánh dấu sự phân chia lại thị phần nhạc trực tuyến vốn đang sôi động và cũng không kém phức tạp.

Spotify là dịch vụ nghe nhạc trực tuyến cực lớn với kho dữ liệu khoảng 35 triệu bài hát quốc tế và Việt Nam, hơn 159 triệu người dùng trên thế giới (trong đó gần 60 triệu thuê bao trả phí. Thế mạnh của Spotify nằm ở giao diện thân thiện, khả năng học hỏi theo thói quen người dùng và đưa ra các gợi ý theo ngữ cảnh (theo thời gian/sở thích/giới tính...), tự tạo playlist, chia sẻ các playlist giữa người dùng, tạo ra tới hơn hai tỷ playlist trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, dịch vụ này vẫn duy trì phiên bản miễn phí và bản tính phí, tương tự các thị trường khác. Mức giá áp dụng với thị trường Việt Nam là 59.000 đồng/tháng hoặc 708.000 đồng/năm, tương đương mức 3 USD/tháng của Apple Music.

Thay gi tu viec Spotify den Viet Nam?

Mỹ Tâm, một trong những ca sĩ kiên quyết trong chuyện bản quyền nhạc trực tuyến đã đồng ý phát hành nhạc của cô trên Spotify

Với sự gia nhập của Spotify, thị trường nhạc số Việt Nam đã định dạng lại: các trang dịch vụ trực tuyến của nước ngoài (Spotify, Apple Music) đối đầu các trang trong nước như Zing MP3, Nhaccuatui… Không ít người dùng đã bày tỏ sự thích thú với sự có mặt của Spotify, vì sẽ có nhiều lựa chọn hơn về hình thức nghe nhạc trực tuyến.

Ở một góc độ khác, xu hướng nghe nhạc trực tuyến liên quan chặt chẽ đến câu chuyện bản quyền đang rất phức tạp. Ngày càng nhiều nghệ sĩ có sức ảnh hưởng như Mỹ Tâm, Hồng Nhung, Đức Tuấn, Mỹ Linh, Hà Trần… quay lưng với các trang nhạc trực tuyến trong nước.

Ca sĩ Đức Tuấn, trong buổi giới thiệu album 36 - Tuấn hát Quỳnh hồi tháng 1/2017 đã thẳng thắn chia sẻ, không chỉ riêng anh mà rất nhiều đồng nghiệp dần không đưa sản phẩm âm nhạc lên các trang nhạc miễn phí. Anh hy vọng động thái này sẽ góp phần thay đổi thói quen nghe nhạc của người dùng, cũng như các trang nhạc miễn phí sẽ mất dần. Đức Tuấn cho biết thêm, kể từ album 36, anh sẽ chỉ phát hành trên các hệ thống nhạc trực tuyến nước ngoài tại Việt Nam.

Trước đó, ông Võ Đỗ Minh Hoàng, đại diện ca sĩ Hồng Nhung, cũng bày tỏ quan điểm tương tự trong buổi ra mắt album Phố à phố ơi. Mỹ Tâm, một trong những ca sĩ đi đầu trong việc nói không với phát hành ca khúc miễn phí, cũng đã đồng ý đưa nhạc của cô lên Spotify.

“Tôi hy vọng vào cách tiếp cận của người nghe nhạc trực tuyến bởi tôi tin đối tượng mà Spotify hướng đến là giới trẻ, đặc biệt ở lứa 9X trở về sau. Đây là thế hệ ý thức được chuyện bản quyền và ý thức được việc phải trả tiền để nghe nhạc” - một nhà sản xuất âm nhạc cho biết.

Thay gi tu viec Spotify den Viet Nam?
Ca sĩ Đức Tuấn từ lâu đã không đưa nhạc của mình lên các trang nghe nhạc miễn phí

“Khi có sự đối sánh về chất lượng âm nhạc giữa các trang khác nhau, khán giả sẽ sẵn sàng chi trả để nghe nhạc chất lượng. Xét ở mẫu số chung, tỷ lệ này có vẻ chưa khả quan lắm, bởi thói quen nghe nhạc, tải nhạc trả phí còn là vấn đề thế hệ. Tuy nhiên, nếu Spotify trụ lâu dài ở Việt Nam và có chiến lược tốt, cùng với sự ủng hộ của nghệ sĩ, tôi tin họ sẽ làm nên chuyện, kể cả thay đổi thói quen của người dùng” - nhạc sĩ Mew Amazing chia sẻ. 

Lê Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI