Thấp thỏm 'thẻ đỏ' hậu vinh danh

22/06/2018 - 09:47

PNO - Việt Nam hiện có 24 di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới, nhưng công tác bảo vệ, quản lý di sản lại đang có rất nhiều vấn đề.

24 di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận gồm nhiều loại.

Ba di sản thiên nhiên là vịnh Hạ Long, cao nguyên đá Đồng Văn, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Năm di sản văn hóa vật thể gồm quần thể di tích cố đô Huế, phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn, khu di tích Hoàng thành Thăng Long, thành nhà Hồ. Bốn di sản tư liệu: mộc bản triều Nguyễn, bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm, châu bản triều Nguyễn.

Một di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới là quần thể danh thắng Tràng An.

Thap thom 'the do' hau vinh danh
Vịnh Hạ Long từng đứng trước nguy cơ bị tước bỏ danh hiệu

11 di sản văn hóa phi vật thể: Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, không gian văn hóa quan họ Bắc Ninh, ca trù, hội Gióng ở Phù Đổng và đền Sóc, hát xoan của tỉnh Phú Thọ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, đờn ca tài tử Nam bộ, dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, nghi thức kéo co và tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ.

Ngoài những di sản được vinh danh, một danh sách dài đang xếp hàng chờ được xét duyệt để công nhận là di sản thế giới như: chùa Hương, vườn quốc gia Cúc Phương, cố đô Hoa Lư, bãi đá cổ Sa Pa, hang Con Moong, vườn quốc gia Hoàng Liên, nhà tù Côn Đảo, nhà thờ Phát Diệm, quần thể di tích núi Yên Tử, di chỉ khảo cổ Óc Eo, vườn quốc gia Cát Bà, đàn bầu, nghệ thuật hát then của dân tộc Tày, xòe Thái Tây Bắc, nghệ thuật bài chòi (Bình Định), lễ quá tang (cấp sắc) của dân tộc Dao (Yên Bái)...

Thap thom 'the do' hau vinh danh
Hoàng thành Thăng Long

Cùng với việc định hướng khai thác để trở thành các khu, điểm du lịch có ý nghĩa quốc gia và quốc tế, làm động lực cho sự phát triển du lịch nói chung, các di sản đang đứng trước nguy cơ bị bức tử, nhạt dần về bản sắc, môi trường - cảnh quan bị ô nhiễm, gây tổn hại cho di sản, bị đặt vào nguy cơ bị tước danh hiệu.

Ban quản lý di sản vịnh Hạ Long từng phải gửi UNESCO bản báo cáo giải trình về tác động của nhà máy xi măng Cẩm Phả tới cảnh quan môi trường tại hội nghị Di sản thế giới vào năm 2006. Năm 2014, Hoàng thành Thăng Long cũng đứng trước nguy cơ bị cảnh báo tước danh hiệu vì xuống cấp, ngập nước, cỏ mọc cao.

Cố đô Huế - “một ví dụ nổi bật về kinh đô phong kiến phương Đông” - cũng từng nằm trong danh sách nguy cơ khi công tác quản lý và phát triển đô thị gây ảnh hưởng đến di sản.

Thap thom 'the do' hau vinh danh
Di sản hát xoan đang trong danh sách cần được bảo vệ khẩn cấp

Hát xoan, ca trù đang nằm trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp do lớp nghệ nhân cũ đã già và thiếu thế hệ kế cận. Nếu không có phương án khắc phục, nguy cơ các di sản này bị tước danh hiệu không phải là chuyện đùa.

Mới đây, quần thể Tràng An cũng khiến nhiều chuyên gia và người dân thót tim vì những sai phạm nghiêm trọng ngay vùng lõi di sản, đặt khu vực này trước nguy cơ bị đe dọa, thậm chí tước danh hiệu.

UNESCO có quyền công nhận, cũng có quyền tước danh hiệu mình trao. Khi chúng ta không tuân thủ nguyên tắc bảo tồn theo chuẩn quốc tế, sự vinh danh chỉ mang tính tạm bợ.

Cần biết rằng, năm 2007, khu bảo tồn Arabian Oryx của Oman đã bị tước danh hiệu khi để tình trạng khai thác dầu mỏ, săn bắn trộm và nạn ô nhiễm môi trường khiến các loài vật quý hiếm ở đây suy giảm mạnh. Năm 2009, UNESCO đưa thung lũng Elbe của Đức ra khỏi danh sách di sản thế giới do các dự án xây dựng làm ảnh hưởng đến cảnh quan vốn có của thung lũng. 

 Cốc Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI