Tháo gỡ khó khăn cho sân khấu truyền thống và kịch nói

20/01/2019 - 06:00

PNO - Với sân khấu cải lương, thành phố có kế hoạch ủng hộ cho những sân khấu, những vở diễn lớn biểu diễn phục vụ khán giả một quý một lần. Kinh phí sẽ vận động thêm từ nguồn xã hội hóa.

Buổi họp mặt văn nghệ sĩ để trao đổi về chủ đề "TP.HCM bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống, tìm hướng đi mới cho nghệ thuật kịch nói trong xu thế hội nhập và phát triển” diễn ra trong không khí thân tình, cởi mở vào sáng 19/1 tại UBND TP.HCM.     

Thao go kho khan cho san khau truyen thong va kich noi
Cùng ngồi lại để tháo gỡ khó khăn.

Bên cạnh những lợi thế của sân khấu kịch nói và sân khấu truyền thống, nhiều khó khăn cũng được Sở Văn hoá Thể thao TP.HCM nhìn nhận cụ thể như: Khuynh hướng thương mại hóa nghệ thuật biểu diễn, coi nhẹ diễn xuất của một bộ phận diễn viên; Khủng hoảng trong lĩnh vực sáng tác, thiếu những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao; Công tác đào tạo gặp nhiều khó khăn ở cả khâu tuyển sinh lẫn đội ngũ giảng dạy; Thiếu cơ sơ vật chất, điểm diễn cho cả sân khấu kịch nói lẫn cải lương… 

Nhiều ý kiến đáng chú ý của các văn nghệ sĩ được đặt ra trong buổi gặp mặt. Nhà báo Liên Chi rất thẳng thắng nhìn nhận: “TP.HCM chưa chú ý đào tạo cán bộ quản lý văn hoá, văn học nghệ thuật. Cán bộ quản lý văn hoá không có sự am tường về lĩnh vực sẽ khó có những tham mưu cho lãnh đạo TP để có những chính sách phù hợp với thực tế” ,

Diễn viên-MC Thanh Bạch cho rằng sân khấu có đội ngũ đạo diễn giỏi, nghệ sĩ, diễn viên có tài nhưng lại không có tác phẩm hay, chưa có thông điệp đủ sức lay động lòng người. Nhiều tác giả trẻ chỉ biết tạo tiếng cười hiệu quả, bất chấp thông điệp”.

Thao go kho khan cho san khau truyen thong va kich noi
Nghệ sĩ Hồng Nga: "Khán giả không bỏ cải lương, chỉ có nghệ sĩ chưa chạm được vào trái tim của khán giả". 

Soạn giả Hoàng Song Việt lý giải thêm cho sự thiếu vắng đội ngũ tác giả: “Tác giả sân khấu hiện không sống được bằng nghề nên dù có yêu nghề đến mấy họ cũng phải chuyển sang làm những công việc khác. Nên chăng mỗi năm tổ chức một cuộc thi sáng tác với công  tác nghiệm thu sát sao, do hội đồng thẩm định có tay nghề thực hiện. Những tác phẩm đoạt giải sẽ được nhận mức thưởng tương xứng. Cách làm này có thể sẽ kích thích đội ngũ sáng tác và góp phần tìm kiếm những kịch bản hay cho sân khấu”.

Vấn đề khá mới, cập nhật sát sườn đời sống biểu diễn của sân khấu cũng được đạo diễn Hoàng Song Việt đặt ra, đó là công tác quản lý tổ chức biểu diễn. Thành phố đang hình thành những sân khấu không chuyên, là nơi để những người trẻ thỏa mãn đam mê và tình yêu với nghệ thuật, sân khấu. Nhưng cách quản lý lại không có sự tách bạch giữa sân khấu chuyên và không chuyên.

Có những đêm diễn bán vé nhưng là chương trình của các em yêu mến nghệ thuật, cùng nhau tập, cùng nhau hát, không có sự đầu tư chỉn chu về nghệ thuật. Việc bán vé khiến khán giả không phân biệt đâu là chuyên nghiệp, đâu là không chuyên. Sân khấu chuyên nghiệp “bị oan” khi bị khán giả nhận định diện mạo của mình bằng chất lượng của những nhóm không chuyên.

“Khuyến khích các bạn trẻ trong sinh hoạt nghệ thuật nhưng phải phân biệt một đơn vị sân khấu chuyên nghiệp và nhóm các bạn trẻ yêu nghệ thuật”, soạn giả Hoàng Song Việt khẳng định.

Thao go kho khan cho san khau truyen thong va kich noi
NSƯT Lê Thiện: "Tôi đã khóc khi hoàn thành Nhà hát Trần Hữu Trang và không quay trở lại".

Cơ sở vật chất, địa điểm biểu diễn vẫn là nỗi bức xúc của nhiều văn nghệ sĩ. Hoạ sĩ Lê Văn Định đặt câu hỏi: "Với TP.HCM văn minh hiện đại, bao giờ chúng ta có những nhà hát hiện đại, tiện nghi cho các loại hình nghệ thuật?". 

Và, nhà hát được xây mới trên nền rạp Hưng Đạo cũ một lần nữa lại được đặt ra với nhiều nỗi niềm. “Rạp hát cũ dù không hiện đại thì nghệ sĩ vẫn có nơi ra vào để làm những điều mình mong muốn. Thời còn làm công tác quản lý Nhà hát Trần Hữu Trang, ban giám đốc chúng tôi từng ước vọng và suy nghĩ đến việc xây mới ngôi nhà của mình. Ngôi nhà mới đó không chỉ dành cho cải lương mà còn san sẻ với ca múa, kịch nói… Dự lễ động thổ, khi thắp nhanh cho các bậc tiền bối, tôi đã khóc vì ước mơ của mình giờ đã được thực hiện. Tôi đã khóc khi nhìn thấy rạp hoàn thành và không quay trở lại…”, NSƯT Lê Thiện phát biểu.

NSƯT Kim Xuân băn khoăn: “Hà Nội có các nhà hát đẹp, hiện đại nhưng không có khán giả. Ngược lại, TP.HCM có khán giả nhưng lại không đủ cơ sở vật chất để đáp ứng. Sân khấu cần những nhà hát đúng chuẩn thay thế cho những khán phòng nhỏ hẹp, thiếu thốn vật chất, vẫn đang là điểm diễn của các sân khấu xã hội hóa. Sân khấu phải thuê mướn mặt bằng, lệ thuộc nơi thuê mướn nên rất khó thay đổi hoặc ứng dụng kỹ thuật để phục vụ biểu diễn. Cơ sở vật chất quan trọng không kém so với quản lý và kịch bản”.

Thao go kho khan cho san khau truyen thong va kich noi
NSƯT Ca Lê Hồng: "Mỗi sân khấu xã hội hóa cần xây dựng được cho mình một phong cách riêng".

Cùng với những trăn trở về cơ sở vật chất, đội ngũ tác giả… NSƯT Ca Lê Hồng cũng đặt vấn đề về công tác quảng bá và những hỗ trợ cho các đơn vị xã hội hóa để sân khấu có được những sáng tạo mới, hiện đại, hấp dẫn công chúng, Riêng mỗi sân khấu xã hội hóa cũng cần xác định cho mình một phong cách riêng để thu hút và gầy dựng khán giả riêng cho sân khấu của mình.

NSƯT Kim Tử Long đặt vấn đề về công tác đào tạo: “Thời gian gần đây Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM chưa thể đào tạo những nghệ sĩ giỏi nghề để trở thành nghệ sĩ của công chúng. Đội ngũ đào tạo diễn viên cải lương của nhà trường có những người không có kinh nghiệm, không giỏi nghề mà chỉ có bằng cấp. Có những diễn viên mới ra trường 2-3 năm đã làm thầy dù chưa biết diễn. Cách đào tạo này giết chết cải lương từ trong trứng”.

Ông Huỳnh Anh Tuấn – Giám đốc sân khấu Idecaf vẫn nhìn nhận sân khấu bằng ánh mắt khá lạc quan. Ông cho rằng dù sân khấu đang rất khó khăn nhưng không phải không có cách tháo gỡ. Tuy nhiên cần có những buổi làm việc, trao đổi về những chuyên đề sâu và chi tiết theo từng lĩnh vực. Cùng với ý kiến đề xuất, lãnh đạo sẽ có những định hướng và trả lời trực tiếp, cụ thể.  Không khó khăn nào không thể tháo gỡ, vấn đề quan trọng không phải là tiền mà là yếu tố con người.

“Tôi khẳng định không có loại hình nghệ thuật nào chết mà chỉ có sàn diễn chết. Chúng ta cần thời gian và sự bàn bạc cụ thể. UBND TP phải nhào vô cuộc “nóng lòng với anh em” để giải quyết cơ chế và quá khứ. Tất cả phải hết sức khoa học và bài bản. Sự phát triển của các phương tiện truyền thông thu hẹp thị phần, thu hẹp khán giả. Nếu không đổi mới, vài năm nữa kịch nói cũng sẽ chết. Tôi cho rằng tình hình vẫn lạc quan, chỉ cần chúng ta nhìn cho kỹ và phán quyết”, ông Tuấn nói.

Thao go kho khan cho san khau truyen thong va kich noi
NSƯT Kim Tử Long: "Diễn viên mới tốt nghiệp 2-3 năm, chưa có kinh nghiệm biểu diễn đã làm thầy. Cách đào tạo đó giết chết cải lương từ trong trứng nước".

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đề nghị Sở VH-TT TP.HCM rà soát lại những cơ ngơi sử dụng không hiệu quả để điều tiết, bố trí lại những địa điểm không sử dụng. Nếu khai thác không hiệu quả phải thu hồi lại. Cố gắng để các đơn vị nghệ thuật không quá lo lắng về điểm diễn. Sở VH-TT cũng cần nghiên cứu, đề xuất những giải pháp để những vở diễn truyền thống, những tác phẩm tốt có thể biểu diễn ở nhà hát mà không phải trả phí.

Ông Trần Vĩnh Tuyến cũng cho biết, với cải lương, TP có kế hoạch ủng hộ cho những sân khấu, những vở diễn lớn biểu diễn phục vụ khán giả một quý một lần. Kinh phí sẽ vận động thêm từ nguồn xã hội hoá.

Bài: Thảo Vân
 Ảnh: Mai Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI