Thẩm mỹ âm nhạc lệch lạc

22/06/2013 - 13:12

PNO - PN - “Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều có ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Nếu chọn những thứ âm nhạc hoang dã, thì sẽ chỉ sản sinh ra một xã hội hoang dã mà thôi”.

Tham my am nhac lech lac
Đinh Mạnh Ninh cho biết sẽ làm album nhạc xưa

Chắc chắn không chỉ mình NSND Trung Kiên lo như thế, mà bất kỳ ai đang quan tâm đến sự phát triển lành mạnh của âm nhạc cũng đều thấy sự bất ổn hiện nay của âm nhạc giải trí.

Âm nhạc chuyên nghiệp hiện đang bị lấn át hoàn toàn bởi âm nhạc giải trí, các chương trình đậm chất giải trí chiếm sóng truyền hình quá nhiều. Sự dư thừa những kênh cung ứng âm nhạc, từ truyền hình đến nhạc mạng đã làm thay đổi mạnh thói quen thưởng thức của khán giả.

Người ta giờ nghe nhạc để giải trí hơn là để thưởng thức một thứ nghệ thuật. Điều này khiến những sản phẩm âm nhạc mang tính sáng tạo, khám phá hoặc có concept tốt cứ thưa vắng dần. Các liveshow ca nhạc chất lượng cao cũng đang rất chật vật. Dư âm của những chuỗi liveshow âm nhạc chất lượng cao như Không gian âm nhạc, Tiêu điểm âm nhạc, Hòa nhạc Việt Nam… đã lịm dần.

Sự “xuống cấp” này bắt nguồn từ việc chúng ta đang “ăn đong” tài năng. Các gương mặt đáng giá của làng nhạc gần 20 năm qua vẫn vậy. Thị trường rộng mở hơn, nhưng lại thiếu sự đầu tư cho chiều sâu. Sở dĩ nhạc Việt có những “làn gió mát” vào những năm cuối thập niên 90, đầu năm 2000 là nhờ hàng loạt tên tuổi được đào tạo bài bản ở Âu Mỹ, mang theo những xu hướng âm nhạc thịnh hành về nước.

Nếu không có sự chuyển biến kịp thời thì chỉ năm-mười năm nữa, người có trình độ thực thụ như lớp “rường cột” của nền nhạc nhẹ hiện nay, những Quốc Trung, Huy Tuấn, Anh Quân, Võ Thiện Thanh, Đức Trí… rồi cũng qua đi. Lớp trẻ thiếu đào tạo và thiếu cả những cơ hội làm nghề nghiêm túc sẽ trở nên thiếu niềm tin vào sự nghiệp. Như vậy, nền âm nhạc hiện đại của Việt Nam sẽ còn lại gì?

Một mối lo lớn nữa là âm nhạc chuyên nghiệp đang trở nên mất vị thế trong đời sống xã hội. Mối nguy này đe dọa rất lớn đến con đường phát triển lâu dài của âm nhạc Việt Nam. Nguy cơ lệch lạc thẩm mỹ âm nhạc trong công chúng sẽ rất lớn khi giới trẻ chỉ được tiếp xúc duy nhất với nhạc nhẹ, mà đa phần là những sản phẩm âm nhạc thị trường, thiếu tính nghệ thuật và thẩm mỹ.

Tất nhiên, nghệ thuật giải trí không xấu, nhưng sự lệch lạc trong thẩm mỹ âm nhạc sẽ sản sinh ra những thế hệ khán giả thiếu trình độ thẩm mỹ âm nhạc. Từ đó, tự khắc nền âm nhạc nói chung và âm nhạc giải trí nói riêng sẽ bị kéo tụt lại.

Khi không có nhu cầu phát triển nội tại, tức là nhu cầu đòi hỏi từ khán giả phải được thưởng thức những sản phẩm âm nhạc hay và chuyên nghiệp, nền âm nhạc giải trí sẽ không có động lực phát triển.

Bằng chứng rõ nhất là sự xưa cũ nhuốm màu thời gian trong lối suy nghĩ của các ca sĩ hiện nay.

Mới đây, ca sĩ Đinh Mạnh Ninh vừa cho biết anh cũng sẽ làm album nhạc xưa. 8X đời chót, sinh năm 1989, được dìu dắt bởi những tên tuổi cây đa, cây đề như Anh Quân, Huy Tuấn mà còn nghĩ vậy; trách gì những Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, cứ hái ra tiền nhờ làm “ông vua”, “bà hoàng” nhạc sến. Và bảo sao nhạc Việt mãi không có được diện mạo hiện đại hơn!

 M.I.N.H

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI