'Song lang': Tiếng nhạc buồn cho những khao khát dở dang

17/08/2018 - 12:00

PNO - Tình chỉ đẹp khi mộng chưa thành. Điều đó khiến người xem không khỏi day dứt, tiếc nuối cho đến những phút cuối cùng của 'Song lang' của đạo diễn Leon Quang Lê.

Song lang trong ký ức của nhiều người dân miền Nam là những âm thanh đanh, gãy gọn nhưng vang vọng từ buổi đờn ca dân dã miệt vườn cho đến những tuồng cải lương hoành tráng, lộng lẫy trên sân khấu. Qua 100 năm hình thành, phát triển và tồn tại của cải lương, song lang vẫn còn đó như một người tình thủy chung, son sắt, như một nhân chứng cho thời kỳ hoàng kim đã qua.

100 năm cải lương, song lang từ sân khấu, trong hoài niệm, được mang lên màn ảnh rộng với bộ phim cùng tên của Leon Quang Lê. Nhưng đó không chỉ là chuyện nghề hát, chuyện của cải lương thuần tuý, bác học. Song lang từ sân khấu bước ra đời thực với những rung động nhẹ nhàng, tinh tế của tình yêu, tình người. Sau thanh âm gọn gàng, mực thước đó là nỗi buồn mênh mang, vô tận cho những mơ ước dở dang.

'Song lang': Tieng nhac buon cho nhung khao khat do dang
100 năm cải lương, song lang từ sân khấu bước lên màn ảnh rộng qua bộ phim của Leon Quang Lê

Trailer Song lang:

 

Song lang, ngoài chỉ một loại nhạc cụ còn mang hàm nghĩa về hai người đàn ông. Đó là Linh Phụng (Isaac thủ vai) - chàng kép chánh của đoàn cải lương Thiên Lý, sớm đam mê nghề hát, lòng tự trọng cao và có những chiêm nghiệm về đời, về người nhẹ nhàng, sâu lắng, đầy tính nghệ sĩ.

Người còn lại là Dũng Thiên Lôi (Liên Bỉnh Phát thủ vai), có cha là thầy đờn, mẹ là đào chánh. Mái ấm gia đình không tròn vẹn, cái chết của người cha cùng những đưa đẩy của thế thái, nhân tình khiến Dũng từ con nhà nòi nghệ sĩ lại trở thành một kẻ đòi nợ thuê. Cuộc sống của Dũng luôn chìm trong máu, nước mắt và những tiếng kêu gào của con nợ. Cũng từ đó, những rung động của người nghệ sĩ chết dần trong anh.

'Song lang': Tieng nhac buon cho nhung khao khat do dang
Linh Phụng (phải) và Dũng Thiên Lôi (trái) - 2 nhân vật chính trong phim Song lang

Hai số phận, hai cuộc đời quá đỗi khác biệt, nhưng lại thuộc về nhau, trong giây phút nào đó, nhờ tiếng đàn sầu não, bi ai cùng những thanh âm gãy gọn, vang vọng của song lang trong một đêm Sài Gòn thập niên 1980 tĩnh mịch. Họ đến với nhau khi nỗi lòng được trút cạn, được nhìn thấy tận tâm hồn nhau, trong những giờ phút không còn ồn ào của cuộc sống xung quanh.

Một kẻ chưa từng yêu bắt đầu rung động, mơ về hạnh phúc. Một kẻ đấu tranh để trở thành người lương thiện. Nhưng cuối cùng, những khao khát tưởng chừng dung dị, rất đời, rất người ấy lại trở nên xa tầm với khi quá khứ chưa ngủ yên, sự thù hận vẫn còn. Tiếng song lang cuối cùng vang lên, chất chứa hy vọng nhưng vọng lại là những nỗi đau khó tả thành lời.

Tình chỉ đẹp khi còn dang dở. Lấy yếu tố đam mỹ đang rất thịnh trên phim ảnh, nhưng Leon Quang Lê đã không vẽ một bức tranh màu hồng về hạnh phúc để chiều lòng số đông khán giả. Anh chọn những day dứt, tiếc nuối, xót thương, khiến người xem phải chùn lại, như một sự suy ngẫm về tình đời, tình người.

'Song lang': Tieng nhac buon cho nhung khao khat do dang
Cuộc gặp gỡ định mệnh giữa hai nhân vật chính trong phim

Với sự hiểu biết sâu rộng và tình yêu đặc biệt dành cho cải lương, Leon Quang Lê đã mang đến một tác phẩm khá tròn trịa. Ở đó có nhịp sống của cải lương thời thập niên 1980 với khán giả đông nghẹt rạp, sân khấu sáng đèn hàng đêm, có những đại gia trót mê anh kép chánh, những trăn trở, lo toan của nghệ sĩ sau bức màn nhung về nợ nần, cuộc sống... Từng lát cắt nhỏ đan xen tạo nên một bức tranh lúc mơ hồ, lúc rõ nét. Nhưng chúng đều được truyền tải bằng sự hiểu biết khá tường tận, tròn vẹn.

Song lang không thể ôm trọn Sài Gòn của thập niên 1980, nhưng cho khán giả sống lại trong quá khứ với những ô đèn vàng hiu hắt của phố về đêm, căn chung cư cũ kỹ, ngột ngạt, nhưng cũng lắm chất thơ trong những sớm mai. Đó là tô hủ tíu nam vang bốc khói nghi ngút giữa một góc Sài Gòn tĩnh mịch, là những bài hát của Hà Nội vang vọng ban ngày, là nhạc boléro da diết, nỉ non khi màn đêm buông xuống, là tiếng phim chưởng Hồng Kông từng rất thịnh hành...

Sài Gòn của những ngày còn khó khăn, nhưng trong hồi ức lại vô cùng đẹp đẽ, lãng mạn. Nhưng dẫu có là bình minh sớm mai, là những màu sắc lấp lánh, rực rỡ của mũ mão, áo quần nơi sân khấu thì tất cả đều nhuốm một màu u tối, như báo hiệu trước cho những niềm hy vọng có đó rồi chợt tắt đó.

'Song lang': Tieng nhac buon cho nhung khao khat do dang
Bộ phim được bao trùm bởi tông màu xưa cũ và những khoảng tối

Isaac cho thấy sự nỗ lực trong việc lĩnh hội cải lương cùng sự tiến bộ trong diễn xuất. Tuy nhiên, cách thể hiện của nam ca sĩ trong một vài câu thoại vẫn chưa thực sự tốt. Liên Bỉnh Phát là điểm sáng của tác phẩm này. Xóa bỏ những hoài nghi về một “tay ngang”, chàng diễn viên đã tạo nên một Dũng Thiên Lôi hoàn hảo từ diện mạo đến tính cách.

Song lang sẽ là niềm hy vọng của điện ảnh Việt trong những ngày tháng Tám bởi sự chỉn chu, mực thước từ hình ảnh đến âm thanh. Tuy nhiên, sẽ có rào cản giữa tác phẩm này đối với lớp khán giả trẻ khi cải lương trong họ vẫn là khái niệm mơ hồ. Trong khi đó, Leon Quang Lê lại khá tập trung vào những chi tiết nhỏ, đòi hỏi sự cảm nhận tinh tế để có thể lĩnh hội trọn vẹn. Nhưng trong những thử thách, giá trị của vàng thật mới được phân định rõ ràng.

Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI