Sản phẩm ăn theo thần tượng: Đất vàng còn bỏ trống trong V-biz

11/06/2019 - 07:25

PNO - Tại những quốc gia lân cận có nền giải trí phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc, doanh thu từ những sản phẩm này không hề nhỏ.

Những con số khủng từ làng giải trí Hàn, Trung

Bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 4/2019 nhưng tại buổi gặp gỡ người hâm mộ cách đây không lâu được tổ chức ở Vũ Hán, nhóm thần tượng nam UNINE đã khiến không ít người phải bất ngờ. Toàn bộ không gian sân khấu được phủ bởi sắc xanh hút mắt của những chiếc lightstick (đèn cầm tay cổ vũ). 

Được biết, giá bán của mỗi chiếc lightstick này là 259 NDT (khoảng 880.000 VND). Trong ngày gặp gỡ này đã có khoảng 2.000 chiếc đèn như thế được bán ra, ước tính doanh thu khoảng 518.000 NDT (tương đương 1,75 tỷ VND). Suốt gần nửa tháng mở bán mặt hàng này, nhà đầu tư đã thu về 1,5 triệu NDT với hơn 6.000 lượt mua. 

San pham an theo than tuong: Dat vang con bo trong trong V-biz
Không gian buổi gặp mặt của nhóm UNINE được phủ xanh bởi những chiếc đèn cầm tay.

Đây chỉ là một trong những tín hiệu cho thấy thị trường sản phẩm có nguồn gốc từ thần tượng (lightstick, áo thun...) đang phát triển tại thị trường Trung Quốc trong thời gian qua. Sự phát triển của các đại gia đình thần tượng như TF Family (nhóm TF Boys), SNH48, NEX7... cũng trở thành điều kiện lý tưởng để những vật dụng này có nhiều cơ hội bước ra thị trường. Mới đây, đồng phục, gối hoạt hình, ô... của NEX7 cũng được lên ý tưởng cụ thể và chuẩn bị tung ra.

Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, những sản phẩm được tạo ra từ văn hoá thần tượng đang là mảnh đất ăn nên làm ra hiệu quả trong nhiều năm qua. Theo số liệu thống kê từ Cục quản lý sáng tạo nội dung Hàn Quốc, tổng doanh thu của thị trường này năm 2018 là 150 tỷ won (khoảng 3.000 tỷ VND). Chúng đã có bước đệm từ những năm cuối thập niên 90, khi một số ban nhạc nổi đình nổi đám của Hàn Quốc xuất hiện như: H.O.T (SM Entertainment, tồn tại trong 5 năm từ 1996 đến 2001), Crystal Boys...

Việc sử dụng những sản phẩm này ban đầu xuất phát từ nhu cầu của người hâm mộ để tạo nên màu sắc riêng cho cộng đồng mình, nhằm phân biệt với cộng đồng người hâm mộ của nghệ sĩ khác thông qua những chiếc áo thun đơn giản. Nhưng dần dà khi bước sang thế hệ Idol thứ hai của làng giải trí Hàn Quốc, các công ty dịch vụ đã nhanh chóng nhận ra tiềm năng của thị trường này. Từ áo đến đèn cầm tay, gậy ánh sáng, poster... và nhiều vật dụng khác có hình ảnh của nghệ sĩ. Sau khi phát triển ổn định tại Hàn Quốc, một số công ty còn nhượng quyền thương hiệu ở nước ngoài để tiếp tục thu lời từ thị trường này. 

San pham an theo than tuong: Dat vang con bo trong trong V-biz
Đèn cổ vũ phát sáng đầy thu hút trong một show diễn của SNSD.

Tại Nhật Bản, nơi khái niệm dùng hàng “chính hãng” luôn được đề cao thì các công ty sản xuất sản phẩm từ văn hoá thần tượng lại càng có cơ hội kinh doanh dễ dàng hơn. Jenes, một khán giả nữ cho biết ngoài CD, DVD, mỗi năm cô phải dành ít nhất khoảng 3,4 triệu VND để mua các sản phẩm như đèn, áo thun, áo sơ mi... có hình thần tượng. Thậm chí, các thần tượng, các công ty quản lý cũng sẽ kết hợp với các đơn vị sản xuất để cùng kinh doanh.

Đầu năm nay, Mattel, một công ty đồ chơi nổi tiếng của Mỹ cho biết sẽ hợp tác với công ty giải trí Hàn Quốc - Big Hit để cùng ra mắt búp bê, bộ đồ chơi... về nhóm BTS. 12 tháng trước đó, giá cổ phiếu của Mattel đã giảm 32,3% và tin tức về việc sản xuất búp bê BTS đã giúp cổ phiếu đơn vị này tăng gần 8% so với chỉ một ngày trước khi công bố thông tin.

San pham an theo than tuong: Dat vang con bo trong trong V-biz
Thành công rực rỡ của BTS cũng trở thành nguồn lợi được một số công ty sản xuất sản phẩm phái sinh chú ý.

Thị trường tại Việt Nam còn bỏ ngỏ

Thị trường giải trí Việt đang trên đà phát triển, bắt nhịp được với một số nét văn hoá thần tượng từ những nước lân cận như Hàn, Nhật. Vài năm trở lại đây (đặc biệt từ 2017 trở đi), những sản phẩm như đề cập ở trên cũng bắt đầu xuất hiện, ngày một dày hơn.

Năm 2015, trong liveshow đầu tiên trong sự nghiệp của Sơn Tùng, người hâm mộ đã cùng giơ cao lightsitck màu xanh theo đúng tên gọi của fanclub. Tóc Tiên cũng nhanh chóng có lightstick màu đỏ với thiết kế đơn giản, cách điệu từ chữ T. Khán giả của Noo Phước Thịnh cũng thích thú được cầm trên tay lightstick màu xanh ra mắt vào cuối 2017. 

San pham an theo than tuong: Dat vang con bo trong trong V-biz
Sơn Tùng là ca sĩ đầu tiên có lightstick ở Việt Nam.

Giữa năm 2017, Vũ Cát Tường cũng thông báo cho ra mắt áo, nón, cờ, lightstick với chữ V làm biểu tượng, có thiết kế đơn giản nhưng khá trẻ trung, bắt mắt. Hoà Minzy, Đông Nhi, Puka cũng nối dài danh sách này với những mẫu đèn cầm tay cổ vũ ra mắt hồi năm 2018. Trong liveshow kỷ niệm 10 năm ca hát của Đông Nhi cuối năm 2018, biển đèn màu từ phía khán giả đã tạo nên một không gian vô cùng ấn tượng, đẹp mắt. 

Dẫu vậy, sản phẩm ăn theo thần tượng tại Việt Nam vẫn chưa thể tạo thành thị trường. Hiện đa số vẫn do cộng đồng fan của nghệ sĩ tự thoả thuận với nhau để thực hiện hoặc được nghệ sĩ bao thầu, hỗ trợ. Cũng chưa có công ty nào trong lĩnh vực giải trí tập trung đầu tư phát triển mảng này. 

San pham an theo than tuong: Dat vang con bo trong trong V-biz
Ánh đèn màu hồng phát sáng khắp khuôn viên sân vận động trong liveshow của Đông Nhi hồi cuối năm 2018.

Lightstick, áo đồng phục của Noo Phước Thịnh hồi cuối năm 2017 được ê-kíp của nam ca sĩ sản xuất để tặng chứ không bán. Lightstick đầu tiên của Đông Nhi cũng là sản phẩm được tặng kèm trong CD chứ không bán riêng. 4 tháng sau liveshow, nữ ca sĩ mới cho ra mắt lightstick mới, bán với giá 250.000 đồng/cái. Với diễn viên Puka, lightstick cũng do người hâm mộ tự đứng ra làm và cân đo chi phí với nhau.

Phía ca sĩ Hoà Minzy cho biết dù năm 2018 có tung ra bán lightstick với giá 175.000 đồng/cái nhưng mức này là chi phí hỗ trợ người hâm mộ có thể sở hữu để làm kỷ niệm, cùng chung vui với nữ ca sĩ trong những show diễn chứ không thể thu lời từ việc này. 

Anh Châu Nhật Nguyên, quản lý của Hoà Minzy cho biết: “Thực tế tại Việt Nam khó thể phát triển thành thị trường bán các sản phẩm này bởi lượng người hâm mộ tuy đông nhưng chưa đủ lớn để đảm bảo lợi nhuận sản xuất. Hơn nữa, nhu cầu của khán giả đối với các sản phẩm này chưa thực sự cao. Một điều nữa, với các khán giả trẻ, việc bỏ ra khoảng vài trăm nghìn là con số không hề nhỏ”.

Điều này trùng khớp với nhận định của tờ QQ: “Để có thị trường và hoạt động đủ mạnh, nó phải được xây dựng dựa trên số lượng người hâm mộ đủ lớn. Và đầu tiên, chúng ta phải tạo ra những thần tượng có độ phổ biến cao”.

San pham an theo than tuong: Dat vang con bo trong trong V-biz
Vũ Cát Tường cầm cờ có ký hiệu chữ V tượng trưng cho khán giả của mình.

Đồng tình với quan điểm này nhưng ông Phan Anh (CEO Hi Entertainment, quản lý ca sĩ Erik) còn chỉ ra sự khác biệt về cách thức hoạt động giữa thị trường Việt Nam và Hàn Quốc về việc sản phẩm ăn theo thần tượng chưa thực sự có cơ hội tốt để phát triển. Theo đó, các nhóm nhạc Hàn Quốc thường tổ chức fansign - là những sự kiện mà trong đó thần tượng sẽ dành thời gian ký tặng, chụp hình, trò chuyện cùng người hâm mộ. Khi tổ chức fansign, họ sẽ bán kèm các sản phẩm đi cùng như áo, lightstick, nón… Các công ty quản lý thực hiện điều này rất chặt chẽ, nói không với hàng nhái, hàng giả.

Kế hoạch phát triển này được các công ty quản lý định hướng ngay từ đầu. Ông Phan Anh cho biết từng làm việc với một đối tác Hàn Quốc, khi nhóm nhạc chưa ra mắt họ đã tính đến các phương án cho ra nón, áo, vớ, thậm chí còn sản xuất cả một bộ dán móng tay.

“Nghệ sĩ ở Việt Nam đa phần hoạt động với tư cách cá nhân, không trực thuộc công ty quản lý, vì thế không thể ôm đồm tính nhiều thứ hơn. Để có hoạt động kinh doanh phái sinh như thế, nghệ sĩ cần có một đơn vị, công ty quản lý hoạch định rõ ràng để xây dựng mọi thứ. Có lẽ, chúng ta phải đợi 5-7 năm nữa để thấy thị trường này”, ông Phan Anh nhận định.

Thuỵ Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI