Phim Việt, nhạc Việt đang nghiêng về tái tạo hơn sáng tạo?

01/04/2018 - 08:12

PNO - Cover ca khúc cũ, làm phim remake... đầy rẫy showbiz, khiến cán cân tái tạo - sáng tạo trong môi trường này có dấu hiệu lệch chuẩn.

Phim Việt, nhạc Việt đang nghiêng về tái tạo hơn sáng tạo?

Thời gian gần đây, cụm từ cover (hát lại, làm lại) đang trở nên phổ biến trong làng nhạc Việt. Thời điểm 2016, đầu 2017, dự án See Sing Share của Hà Anh Tuấn khi tái hiện lại những ca khúc cũ với giai điệu, cách thể hiện mới như một đốm lửa sáng cho phong trào cover. Nhưng chỉ đến cuối năm vừa qua, việc các ca sĩ tìm lại những ca khúc cũ để hát, để làm ra sản phẩm mới đã trở nên nhộn nhịp, sôi động hơn bao giờ hết.

Video clip Hà Anh Tuấn hát Trái tim ngục tù, tập mới nhất của See Sing Share 2018:

 

Ca sĩ Quang Vinh cũng có dự án Greatest hits The memories tái hiện lại những ca khúc từng làm nên tên tuổi của anh trong khoảng 10 năm trước, từng một thời được giới trẻ 8X, 9X nằm lòng: Miền cát trắng, Dịu dàng đến từng phút giây, Khúc hát chim trời... 

Khánh Ngọc ra mắt album phòng thu thứ 6 với tên gọi Hạnh phúc nơi nào gồm 10 ca khúc như: Hạnh phúc nơi nàoNgười yêu dấuHỡi người tìnhHận tình trong mưa... Trong đó, có những khúc ca lại gắn liền với nữ ca sĩ Ngọc Lan (thế hệ trước của Khánh Ngọc).

Đường đua cover lại những sáng tác cũ còn có Lam Trường. Anh có dự án thực hiện lại những ca khúc từng làm nên tên tuổi như: Katy Katy, Tình thôi xót xa, Cho bạn cho tôi, Tình đơn phương

Phim Viet, nhac Viet dang nghieng ve tai tao hon sang tao?
Lam Trường, Quang Vinh cũng tham gia vào trào lưu cover

Ca khúc Người ta nói, bản hit một thời của Ưng Hoàng Phúc bỗng trở lại khi bộ phim Cô gái đến từ hôm qua tạo được hiệu ứng khá tốt. Sau 14 năm, Người ta nói mang diện mạo mới với một MV được Ưng Hoàng Phúc thực hiện mang chất cổ điển kết hợp với âm nhạc aucoutics. Không những thế, trong liveshow vào đầu tháng 3 vừa qua, Ưng Hoàng Phúc cũng chọn trình bày lại hàng loạt ca khúc gắn với thời kỳ đỉnh cao trong sự nghiệp của anh.

Thuỷ Tiên, Đăng Khôi, Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Hải Yến… hay thậm chí một số gương mặt trẻ như Soobin Hoàng Sơn, Đông Nhi, Isaac, Khởi My, Erik, Hoà Minzy… cũng góp mặt trong trào lưu này với những sản phẩm được đầu tư chỉn chu hoặc mang tính ngẫu hứng.

Năm 2016, 2017 vừa qua cũng là lúc làng điện ảnh Việt chứng khiến sự lên ngôi của những bộ phim remake (phim được làm lại từ kịch bản của nước ngoài). Trong đó, Em là bà nội của anh được xem là cú hích lớn khi có doanh thu đến hơn 100 tỷ đồng, trở thành một trong những dự án có doanh thu khủng tại Việt Nam. YêuBạn gái tôi là sếpSắc đẹp ngàn cân… cũng là những dự án thuộc dòng phim remake được công chúng chú ý.

Video clip Người ta nói phiên bản mới nhất của Ưng Hoàng Phúc:

 

Hiện tại và trong vài tháng tới đây, điện ảnh Việt đã, đang và sẽ đón nhận them nhiều phim remake như: Tháng năm rực rỡ, Ông ngoại tuổi 30, Mối tình đầu của tôi, Yêu em bất chấp… Có thể nói, thị trường này đang sôi động hẳn.

Sản phẩm tái tạo đầy rẫy showbiz Việt

Đứng trước việc phát triển ồ ạt của trào lưu cover, nhạc sĩ Quang Huy nhận định hiện ngay thời điểm hiện tại, tỉ lệ tái tạo thực sự đang khá lớn khiến nhìn vào tổng quan chung, dư luận dễ đánh đồng chúng không có chiều hướng phát triển. Tuy nhiên, thực tế lại không phải như thế bởi: “Bản thân sự tái tạo cũng là sáng tạo, nếu chúng ta làm mới chúng so với ban đầu. Khi người nghệ sĩ biết họ làm điều đó vì mục đích gì, và đạt được mục đích, thì chẳng thành vấn đề gì. Đáng nói nếu họ làm rập khuôn theo cái cũ, và làm một cách máy móc”.

Thị trường âm nhạc hay nghệ thuật nói chung luôn mang tính thời điểm và xu hướng rất rõ nét. Chính vì thế ở mỗi giai đoạn sẽ có một loại hình, một thể loại hoặc một trào lưu lên ngôi. Quang Huy giải thích thêm: “Chúng ta cần hiểu rõ thị trường như thế nào, đối tượng khán giả là ai để phục vụ cho họ. Ví dụ, với những ca sĩ khi tổ chức các liveshow, đêm diễn thì điều khán giả cần là nghe lại những ca khúc cũ, để được sống trong thời điểm rộn ràng, huy hoàng, chứ không phải đến để nghe giới thiệu một dòng nhạc, sản phẩm mới. Ngay ở thời điểm các liveshow nở rộ nhất cũng là lúc chúng ta sẽ thấy hàng loạt ca khúc cũ được làm lại”.    

Đồng tình với quan điểm này, nhạc sĩ trẻ Phạm Toàn Thắng lại nhìn trào lưu cover thêm ở góc độ của sự đào thải, như một xu thế tất yếu. Theo anh, với âm nhạc, chúng ta đừng nên quá khắt khe, miễn tạo được hiệu ứng tốt và khán giả phản hồi tích cực thế là đủ. Có thời điểm, nhạc disco, phong cách retro cũng phát triển cực thịnh trên thế giới, đó là những trào lưu thuộc về thập niên 70, 80 của thế kỷ 20. Như thế, đâu có nghĩa là nhạc Việt không phát triển khi các nghệ sĩ nỗ lực làm mới dựa trên lớp nền đã có sẵn.    

"Âm nhạc hay nghệ thuật nói chung luôn có tính đào thải rất mạnh. Nếu đi đúng guồng, bắt được tâm lý khán giả thì sẽ tồn tại. Một khi qua thời, qua đoạn hoặc không còn được yêu thích nữa thì chúng sẽ tự động mất dần. Riêng tôi, tôi cảm nhận rõ làng nhạc Việt đang chuyển biến, vận động không ngừng, quan trọng là cần thời điểm để những sáng tác mới bùng nổ”, Phạm Toàn Thắng nói.

Tuy nhiên, không khó để thấy so với một sáng tác mới, tính sáng tạo trong sản phẩm làm lại có liều lượng không nhiều. Thực chất, Đây là cách để các ca sĩ "hớt váng" lại lớp khán giả của ngày xưa, bằng những hồi ức của chính khán giả đó, chứ không phải là một sáng tạo để nhằm chinh phục khán giả mới. Với hàng ngàn bình luận được đăng tải dưới sản phẩm thuộc dự án See Sing Share của Hà Anh Tuấn là những dòng hoài niệm: "Nhớ thời trẻ của mình quá", "Tự nhiên giật mình nhớ lại ngày xưa"...

Điều đó cũng diễn ra tương tự với các sản phẩm, liveshow của ưng Hoàng Phúc mới đây, hầu hết khán giả thưởng thức các sản phẩm này đều có mong muốn và vui mừng khi như tìm lại mình của nhiều năm trước. Còn lại, với những khán giả không thuộc lớp "ngày xưa", hầu như thờ ơ với các sản phẩm này. 

Phim Viet, nhac Viet dang nghieng ve tai tao hon sang tao?
Phương Vy Idol, một giọng ca đầy nội lực cũng có hẳn một dự án nhỏ cover lại các ca khúc

Ở lĩnh vực phim remake, sự sáng tạo cũng khó để nói rằng hoàn toàn là như một tác phẩm nguyên bản. Khi làm phim remake, nghĩa là đã có khung sườn sẵn, đạo diễn chỉ làm sao cho thật tốt trên khung đó. Việc biến đổi các tình tiết cho phù hợp văn hoá bản địa, tạo lời thoại mới hay chọn diễn viên... là sáng tạo, Em là bà nội của anh, gần đây là Tháng năm rực rỡ hay xa hơn ở phạm vi phim truyền hình là Người phán xử, những bộ phim remake thành công khi mang đậm dấu ấn Việt Nam, đồng nghĩa có yếu tố sáng tạo, làm mới. Trong khi đó, Sắc đẹp ngàn cân, một bộ phim được đánh giá không khác kịch bản gốc đã nhận lấy một thất bại khá ê chề dù phim quy tụ một số gương mặt hot của điện ảnh Việt. 

Nhưng, so với tác phẩm nguyên bản, sức sạng tạo ấy là bao? Dĩ nhiên, tái tạo và sáng tạo là 2 yếu tố tồn tại không chỉ với showbiz Việt, mà cả Hollywood, Hàn Quốc, Trung Quốc... cũng không vắng mặt phim remake, cái khác chăng là liều lượng tái tạo ấy so với sáng tạo giữ một tỷ lệ rất thấp, chỉ là điểm thêm cho bức tranh sáng tạo mà thôi. 

Đạo diễn Võ Thanh Hoà - người đang có bộ phim Ông ngoại tuổi 30 (được làm lại từ kịch bản Hàn Quốc cùng tên) ra rạp cũng cho biết bản thân anh không hề cổ xuý cho phim remake nhưng “mỗi nền điện ảnh trong giai đoạn phát triển đều cần có sự chuyển mình, dù có thể hơi đau đớn một chút”. 

Điều quan trọng nhất trong sự tồn tại của 2 loại hình này nên được giới hạn ở một chừng mực nhất định để tránh cán cân sáng tạo, tái tạo bị lệch chuẩn. Đạo diễn Đức Thịnh chia sẻ, nếu 30 phim Việt ra mắt trong 1 năm thì tốt nhất chỉ 6, 7 phim remake (khoảng 20%). Nền điện ảnh chúng ta đang phát triển, thực sự cần sản phẩm thuần Việt để tạo dấu ấn. 

Thuỵ Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI