Phim Việt đang “mất gốc”?

05/09/2013 - 05:02

PNO - Muốn tìm lại tính cách dân tộc, muốn tìm lại những nét văn hóa đầy bản sắc trong điện ảnh, khán giả sẽ phải lục lại trong những Cánh đồng hoang, Đến hẹn lại lên, Thương nhớ đồng quê, Đất nước đứng lên… Điện ảnh...

edf40wrjww2tblPage:Content

Người lạc quan nhìn vào nền điện ảnh “tư nhân hóa, doanh thu hóa” hiện nay cho rằng, đó là sự phát triển tất yếu. Rằng, nhà nước không thể “nuôi nấng, chăm bẵm” mãi một nền điện ảnh tốn kém. Điện ảnh nhất thiết phải tư nhân hóa, nhất thiết phải lăn lộn tìm kiếm nguồn thu cho mình.

Phim Viet dang “mat goc”?
Cảnh trong phim
Đến hẹn lại lên (đạo diễn Trần Vũ),
phim mở ra không gian văn hóa đậm nét của xứ Kinh Bắc

Người bi quan nhìn vào nền điện ảnh “hài nhảm hóa, dễ dãi hóa” lại cho rằng, nền điện ảnh Việt đang tụt xuống tận đáy với những sản phẩm “thảm họa”, rằng, điện ảnh đang mạo danh nghệ thuật để bán hàng chợ, kiếm tiền. Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh từng bày tỏ quan ngại, nếu chỉ sản xuất phim hài nhảm, điện ảnh Việt sẽ đi về đâu? Sẽ không thể tìm thấy bản sắc của một nền điện ảnh giàu tính dân tộc trong những thước phim hài nhảm.

Điện ảnh và nỗi “thương nhớ đồng quê”

Hội Điện ảnh, Cục Điện ảnh VN đã có những cuộc hội thảo, tọa đàm về tính dân tộc trong điện ảnh Việt. Nhắc lại tính dân tộc, bản sắc dân tộc trong điện ảnh, các nhà nghiên cứu cho rằng, chỉ còn tìm thấy những “chất liệu quý giá” ấy trong những bộ phim xưa.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh cho biết: “Trong những bộ phim xưa, tính dân tộc, văn hóa dân tộc rất rõ nét. Ví dụ, trong bộ phim Cánh đồng hoang của đạo diễn Hồng Sến, cuộc sống sông nước của đồng bào miền Tây hiện lên rất rõ nét. Hình ảnh đôi vợ chồng và đứa con thơ sống trên cánh đồng mênh mông nước đầy màu sắc dân tộc. Tôi cho rằng, khi làm phim, có lẽ đạo diễn Hồng Sến không hề chăm chú vào tính dân tộc về mặt lý thuyết, ông chỉ đưa vào phim của mình những trải nghiệm cuộc sống rất đời thường. Và cuộc sống cứ thế đi vào phim ông đầy màu sắc, hình ảnh cánh đồng ngập nước, hình ảnh chiếc khăn rằn, hình ảnh đôi vợ chồng sống hạnh phúc trên cánh đồng… Đầy tính riêng biệt và cũng đầy tính dân tộc”.

Phim Viet dang “mat goc”?
Cảnh trong phim
Cánh đồng hoang (đạo diễn Hồng Sến)
với không gian văn hóa sông nước miền Tây

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng lấy thêm những ví dụ điển hình của điện ảnh như Bao giờ cho đến tháng 10 (đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh) với hình ảnh cô Duyên tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam với nỗi đau âm thầm, và lặng lẽ với cuộc sống vì đạo nghĩa. Hay như Đến hẹn lại lên là câu chuyện sống động về miền quê Kinh Bắc, những giai điệu quan họ giòn nảy, vấn vương khiến câu chuyện tình yêu lứa đôi đầy cảm xúc…

Cùng quan điểm với bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, GS. Hoàng Chương khẳng định, Việt Nam có nền văn hóa đặc sắc với tính dân tộc thể hiện rõ nét qua bản sắc riêng biệt, độc đáo - nhưng chỉ nhìn thấy những giá trị này trong những thước phim cũ. GS. Hoàng Chương lấy những bộ phim như Đất nước đứng lên làm ví dụ. Bộ phim với mảng màu đậm chất Tây Nguyên, với câu chuyện bi tráng về cuộc sống và sức chiến đấu ngoan cường của người Bana, Ê-đê…

Phim Viet dang “mat goc”?
Vợ chồng A Phủ và cuộc sống đậm chất Tây Bắc

Nhìn lại chặng đường 60 năm phát triển của lịch sử điện ảnh, có thể thấy sự phai nhạt của tính dân tộc trong 10 năm trở lại đây. Điện ảnh Việt từng có thời tự hào với danh xưng “điện ảnh dân tộc” với những thước phim phong phú, đa dạng, đầy màu sắc văn hóa. Một Vợ chồng A Phủ với tiếng hát réo rắt của Tây Bắc, một Cánh đồng hoang tràn ngập sông nước miền Tây, một Đến hẹn lại lên đầy âm sắc quan họ, hay Bao giờ cho đến tháng 10, Thương nhớ đồng quê đậm đà hương vị nông thôn miền Bắc… Những giá trị văn hóa ấy ngày càng vắng bóng trên màn ảnh.

Thiếu vắng tính dân tộc, thiếu vắng bản sắc, điện ảnh Việt khiến khán giả chỉ còn biết nhìn vào những thước phim xưa mà “thương nhớ đồng quê”.

“Điện ảnh đang bán vé trên những thứ văn hóa vay mượn”

Thời của phim tư nhân nở rộ với sức ép thu hồi vốn đã khiến dòng phim giải trí với không ít “thảm họa” và “siêu nhảm” đang lên ngôi. Những bộ phim ra rạp với mục đích bán vé, số đông khán giả ra rạp với mục đích giải trí, “cười rồi về” đã đẩy thị trường của “điện ảnh dân tộc” trở thành thị trường của phim giải trí.

Nhận định về đời sống mới của phim Việt, đạo diễn - NSƯT Vũ Xuân Hưng nhận định: “Thị trường phim Việt giờ đây chủ yếu là phim kinh dị, hài. Những bộ phim được sản xuất với sự vay mượn văn hóa và cách làm phim của nước ngoài, hoàn toàn xa lạ với người Việt. Những phim Việt thuộc thể loại hành động, kinh dị, hài đang sản xuất giống với các phim Hồng Kông, Mỹ đã sản xuất trước đây. Kiểu phim này được nhiều khán giả trẻ yêu thích, số khán giả này lại có khả năng quyết định tới doanh thu của nhà sản xuất, bởi vậy, cũng khó có thể trách được các nhà sản xuất khi họ không thể mạo hiểm với đồng tiền đã bỏ ra làm phim”.

Bên cạnh sức ép doanh thu, đạo diễn Vũ Xuân Hưng cũng khẳng định, “điện ảnh dân tộc” đang mất bóng cũng phần vì những tư liệu lịch sử, những chất liệu văn hóa truyền thống ngày càng khó tìm kiếm. Việc tìm kiếm lại những tư liệu lịch sử là một thách thức với các đạo diễn đương đại. Hơn thế, hiện nhiều đạo diễn Việt kiều tham gia làm phim, vốn sống - vốn hiểu biết về văn hóa dân tộc của các đạo diễn Việt kiều lại càng hạn chế.

Phim Viet dang “mat goc”?
Phim Viet dang “mat goc”?
Điện ảnh thời... bán vé

Đề tài chủ yếu trong các bộ phim giải trí hiện nay là cuộc sống đô thị với “chân dài”, siêu xe, nhà lầu. Không ai muốn làm phim về nông thôn, biên giới, hải đảo… dù đó là những “chất liệu” chứa đựng nhiều màu sắc dân tộc. Thế nên, trên góc nhìn toàn diện với phim Việt, với dòng phim giải trí đang bán vé ồ ạt , các nhà nghiên cứu cho rằng, phim Việt đang mất gốc. Không thể tìm thấy trên những thước phim vay mượn những nét văn hóa đầy tính dân tộc như Cánh đồng hoang, Thương nhớ đồng quê, Vợ chồng A Phủ, Bao giờ cho đến tháng 10, Đến hẹn lại lên… Nói như một nhà nghiên cứu điện ảnh bi quan, những giá trị văn hóa ấy bây giờ không bán được vé. Nói như một nhà nghiên cứu điện ảnh lạc quan, những giá trị ấy không mua được bằng tiền.

Theo HIỀN HƯƠNG
(Dân Trí)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI