Phía sau sự 'đầu hàng' của những chương trình tử tế

11/04/2019 - 06:30

PNO - ‘Thay lời muốn nói’ do MC Quỳnh Hương gầy dựng sau 19 năm phải nói lời tạm biệt khán giả. Trước đó, ‘Vượt lên chính mình’ cũng chia tay sau 14 năm phát sóng…

 Những lời chia tay đầy tiếc nuối

Tối 14/4 tới, MC Quỳnh Hương - người khởi xướng và là “linh hồn” của chương trình Thay lời muốn nói sẽ chính thức nói lời chia tay khán giả chương trình sau 19 năm chương trình lên sóng. Ra đời vào tháng 4/2000, đến nay Thay lời muốn nói là chương trình ca nhạc trên truyền hình có sức sống lâu đời nhất tại Việt Nam dù rất nhiều chương trình ca nhạc khác mọc lên rồi “chết” đi, dù internet phát triển, mạng xã hội ra đời.            

Phia sau su 'dau hang' cua nhung chuong trinh tu te
MC Quỳnh Hương- người gầy dựng Thay lời muốn nói 

Từng hứa sẽ "giữ" chương trình ít nhất 20 năm nên sự chia tay khán giả này đối với MC Quỳnh Hương là một nỗi đau không nhỏ.   

Không riêng Thay lời muốn nói, nhiều chương trình truyền hình mang tính nhân văn, có sức sống lâu dài khác như: Ngôi nhà mơ ước (HTV7, 11 năm), Lục lạc vàng (VTV2, 7 năm) hay Vượt lên chính mình (HTV7, 14 năm), Bếp yêu thương (4 năm, chương trình hỗ trợ các bếp ăn từ thiện), Đèn đom đóm (chương trình xây trường cho trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa)… cũng tạm biệt khán giả sau nhiều năm lên sóng, dù được yêu mến, nhận được nhiều giải thưởng.

Phia sau su 'dau hang' cua nhung chuong trinh tu te
Sự thú vị của Vượt lên chính mình nằm ở chính mỗi thử thách chương trình dành cho người chơi vì nó liên quan đến nghề nghiệp của họ. Nét lạ của chương trình còn nằm ở tinh thần lạc quan mà MC Quyền Linh đã thổi hồn.

Đây đều là những chương trình được nhà sản xuất làm bằng nhiệt tâm, thay vì dùng chiêu trò để câu kéo khán giả. Đặc biệt nhất có lẽ phải kể đến Vượt lên chính mìnhLục lạc vàng. Hai chương trình không chỉ mang đến để “cho” mà còn kèm theo thử thách thi thố bằng chính cái nghề đang nuôi sống người chơi, nhưng không phải với người khác mà là với chính bản thân người thi. Sau đó, chương trình tiến hành xóa nợ ngân hàng, cấp vốn làm ăn hoặc trao tặng con bò vàng - chiếc “cần câu” để người chơi vươn lên từ chính khả năng của họ.

Trước câu hỏi liệu có phải vì khó tìm được nhà tài trợ nên chương trình không thể tiếp tục lên sóng, ông Mai Quốc Chính - Phó giám đốc Công ty Lasta - nhà sản xuất (NSX) các chương trình Vượt lên chính mình, Lục lạc vàng, Nhịp cầu ước mơ cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn không khó tìm tài trợ bởi khát khao của các doanh nghiệp là luôn được đồng hành, sẻ chia với người nghèo. Có những nhà tài trợ đã đi cùng chúng tôi từ những ngày mới bắt đầu cho đến lúc chương trình tạm dừng sản xuất. Tuy nhiên, cái vướng ở đây là chương trình phát sóng vào giờ vàng mà lượt người xem giảm thì đài truyền hình bắt buộc phải chọn lựa chương trình để thay thế”.

Phia sau su 'dau hang' cua nhung chuong trinh tu te
Sau 7 năm, hàng nghìn con bò của Lục lạc vàng đã được trao tận tay người nông dân, giúp họ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Theo tìm hiểu, Vượt lên chính mình ở những thời điểm vàng, con số rating là 35-40%, nhưng trong vài năm gần đây chỉ còn khoảng 1,1 - 1,2%. Trong khi đó, chi phí để sản xuất một chương trình an sinh xã hội đắt hơn nhiều lần so với gameshow giải trí. Với tỷ suất xem như vậy thì nhà đài và cả nhà tài trợ không mấy mặn mà cũng là lẽ đương nhiên.

Đợi chờ một sự tái sinh

Dù tâm huyết với những chương trình vì cộng đồng, nhưng ông Mai Quốc Chính đánh giá việc các chương trình giải trí vượt mặt, thậm chí lấn át các chương trình truyền hình nhân ái là quy luật tất yếu. Đây là những chương trình không có chiêu trò thu hút người xem, không tạo kịch tính, xung đột nhằm gây tranh cãi... để rồi chính vì điều đó mà bị gameshow đẩy lùi.

MC Quyền Linh, người gắn liền với nhiều chương trình truyền hình nhân ái từng bày tỏ suy nghĩ trước thực trạng gameshow giải trí áp đảo: “Đôi khi tôi cũng thấy buồn, nhưng khó trách các công ty truyền thông. Bây giờ người xem đang thích những chương trình hài, những xì-căng-đan, trai xinh gái đẹp... Mà chương trình phải có người xem, có quảng cáo mới có tiền để sản xuất tiếp”.

“Nhưng nếu vì tỷ suất người xem mà làm để câu nước mắt, rẻ tiền thì chúng tôi không làm được. Làm vì người nghèo chứ không phải làm “cho” người nghèo. Chương trình phải sạch sẽ, đàng hoàng, chỉn chu”- ông Mai Quốc Chính nhấn mạnh.

Phia sau su 'dau hang' cua nhung chuong trinh tu te
Ngôi nhà mơ ước - một trong những chương trình sẻ chia với người nghèo đầy cảm động.

Trong tương lai, đổi mới như thế nào để chương trình hút người xem là điều các nhà sản xuất vẫn đang đau đầu suy nghĩ. Có lẽ, sẽ rất ít trường hợp như chương trình Như chia hề có cuộc chia ly, sau 6 tháng tạm xa khán giả đã có thể quay lại dưới hình thức, tâm thế mới mẻ hơn.

Lê Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI