Phan Thảo Nguyên: Sự lãng quên vừa bạo lực, vừa nên thơ

14/06/2018 - 06:00

PNO - Luôn tích cực tìm tòi, sáng tạo và cố gắng thể hiện những đổi thay của xã hội qua nghệ thuật, tác phẩm của Phan Thảo Nguyên như một sự kết nối các vệt đứt gãy dù đó không phải là mục đích cô hướng đến.

Trước thềm triển lãm Galeria mùa hạ Thảo Nguyên đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện thân tình.            

Phan Thao Nguyen: Su lang quen  vua bao luc, vua nen tho
 

Không cố gắng kết nối những điều to tát”

* Phóng viên: Loạt tranh màu nước Đắc lộ viễn du và chuỗi điêu khắc Người sau lưng vua là giặc đó của bạn đã từng được triển lãm trong Quên lãng nên thơ. Lần này đưa ra lại, liệu có gì mới hơn không?              

- Phan Thảo Nguyên: Các tác phẩm ấy cũng từng góp mặt ở nhiều triển lãm quốc tế tại Berlin, Bangladesh, Singapore, Trung Quốc… Sau mỗi lần triển lãm, quan sát những cách tiếp cận khác nhau của khán giả, tôi lại nhìn nhận lại tác phẩm. Lần này thay đổi cách sắp xếp, thứ tự, sẽ tạo cách nhìn mới, góc nghĩa mới.

* Trong các triển lãm của bạn đều có sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa cá nhân và cộng đồng. Điều đó mang đến cho bạn những trải nghiệm đặc biệt nào?

- Tôi nghĩ tác phẩm của chúng tôi phản ánh đúng tâm thế của thế hệ “hậu đổi mới” (sinh sau năm 1986) - vừa có tuổi thơ trải qua tàn dư bao cấp, vừa có trải nghiệm của cách mạng 4.0. Tác phẩm của chúng tôi không cố gắng kết nối những vấn đề to tát của quá khứ và hiện tại, cá nhân và cộng đồng. Chúng tôi chỉ thể hiện mối quan tâm của bản thân trước những đổi thay tiêu cực lẫn tích cực của xã hội.

* Nói một chút về Art Labor đi!

- Art Labor hình thành cuối năm 2012, khi cả ba thành viên đang ở ba châu lục khác nhau. Arlette Quỳnh-Anh Trần đang học lịch sử mỹ thuật và triết học tại Berlin, tôi đang học hội họa tại Chicago, còn Trương Công Tùng vừa xong ở khoa Sơn mài, Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Chúng tôi nhận thấy môi trường Việt Nam còn rất thiếu sự tương tác giữa nghệ sĩ thị giác và những tài năng thuộc các lĩnh vực khác.

Chúng tôi mong Art Labor vừa như một phòng thí nghiệm ý tưởng, vừa là nơi lao động, thông qua các tác phẩm nghệ thuật. Mỗi dự án, Art Labor sẽ hợp tác, lấy ý kiến chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau. Trong Niềm tin không điều kiện, chúng tôi học hỏi từ nhà nhân học, bác sĩ nhãn khoa, các bệnh nhi trong bệnh viện mắt… Trong dự án Giọt sương Jrai, chúng tôi học hỏi và làm việc cùng những nghệ nhân điêu khắc tượng nhà mồ Jrai, những nhà nghiên cứu và những tri thức Jrai…

Mỗi dự án của Art Labor đều tiến hành rất chậm, vì mỗi thành viên vẫn tập trung cho những sáng tác riêng. Tuy nhiên, Art Labor chính là nền tảng để chúng tôi cân bằng và tập trung trau dồi cho tác phẩm của cá nhân và của nhóm. Hy vọng sau năm 2018, với các triển lãm ở Thái Lan và Hoa Kỳ, chúng tôi có thể thực hiện một triển lãm cá nhân tại Việt Nam vào năm 2019, để giới thiệu với khán giả trong nước hành trình của Art Labor những năm qua. 

Phan Thao Nguyen: Su lang quen  vua bao luc, vua nen tho
 

* Bạn nghĩ gì về sự lãng quên, khi người ta thản nhiên bước qua những món đồ chuyên chở giá trị mấy trăm năm về một cộng đồng chỉ vì không thể đối thoại với chúng?

- Chúng ta có thể tiếp cận sự lãng quên bằng cả mặt tiêu cực, lẫn tích cực. Đối với tôi, sự lãng quên vừa bạo lực, vừa nên thơ. Cần nhìn nhận một cách trân trọng, công tâm và tỉnh thức về quá khứ để có thể sống một cách nhân văn và phong phú hơn. Tôi nhìn nhận lịch sử bằng cái nhìn phi tuyến tính. Trong từng tạo vật, trong từng tác phẩm nghệ thuật luôn bao gồm cả quá khứ, hiện tại và tương lai.

Việt Nam cho tôi nhiều cảm hứng sáng tạo”

* Phương pháp sáng tạo của bạn là gì?

- Tôi luôn để cho mình thoải mái, thậm chí hơi bản năng. Tôi thích kết hợp nhiều thể loại để thay đổi nhịp làm việc của bản thân, đồng thời mang lại cảm giác mới mẻ cho người xem. Trong nghệ thuật, người xem cũng nên cởi mở, tránh ép mình phải tìm cho ra “thông điệp” của tác phẩm, để có thể thưởng thức tác phẩm đa chiều hơn. Trong chiến tranh và cả thời hậu chiến, thường có nhiều tác phẩm văn chương, điêu khắc, tượng đài hay hội họa được sáng tác với mục đích cổ động, tuyên truyền. Chúng thường bị đánh giá là giáo điều, một số có chất lượng nghệ thuật kém. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc khác, chúng vẫn phản ánh đúng tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa của đất nước trong từng thời kỳ, và vị thế của nghệ sĩ khi đứng trước sự đổi thay của thời cuộc, khi họ phải lựa chọn sáng tác cho ý thức hệ, cho thị trường, hay cho bản thân.

* Nghệ thuật đương đại ở Việt Nam gặp khá nhiều trở ngại, từ khâu kiểm duyệt cho đến thiếu khán giả, thiếu thị trường,  kinh phí… Bạn vượt qua chúng  thế nào?

- Nghệ thuật Việt Nam quả thực có rất nhiều trở ngại mà kiểm duyệt là trở ngại lớn nhất. Nhưng tất cả đều không thể kìm hãm, ngăn trở nghệ sĩ. Trong hoàn cảnh càng khó khăn, những người có đam mê thực sự thường càng làm việc hăng say hơn. Ngoài ra, do sự phát triển của mạng xã hội và sự tự do trong kinh tế, nghệ sĩ ngày càng được đi nhiều hơn, được tham gia những triển lãm ở nước ngoài. Nhà nước đã gỡ bỏ nhiều rào cản về kinh tế thì cũng nên cởi mở hơn với nghệ thuật, để tác phẩm đến với người xem.

Tương lai, tôi hy vọng sẽ xuất hiện những người Việt am hiểu và đam mê sưu tầm nghệ thuật đương đại, để các tác phẩm giá trị không còn bị “chảy máu” ra nước ngoài. Những nhà sưu tập Việt Nam đó cũng sẽ có cơ hội trở thành nhân vật tiên phong trong việc gìn giữ những giá trị văn hóa đương đại.

* Học chuyên ngành hội họa, bạn lại gắn bó và miệt mài với nghệ thuật đương đại?

- Tôi vẫn cảm thấy thoải mái nhất khi được vẽ. Tuy nhiên, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã luôn thắc mắc: tại sao ở trường sinh viên không được vẽ trừu tượng, không được học liên ngành cả sơn dầu, sơn mài và lụa, tại sao không được học những hình thức mới như video, trình diễn, sắp đặt… Tôi luôn cảm thấy có mối liên hệ mật thiết giữa hội họa và kiến trúc, văn chương, lịch sử và triết học, thậm chí các môn khoa học tự nhiên. Khi học thạc sĩ tại Chicago, tôi lại thấy một sự tự do đến mất định hướng, khi tất cả mọi thể loại, cách làm đều được chấp nhận. Sự hà khắc của đào tạo tại Việt Nam và sự tự do của phương Tây đã định hình phong cách sáng tác của tôi. 

Việt Nam - nơi những thay đổi mãnh liệt về kinh tế tạo nên tầng lớp nhà giàu mới, kéo giãn hố sâu giàu nghèo, cùng những ảnh hưởng xấu về môi trường. Một môi trường sống luôn biến đổi, đối với tôi, là nơi có nhiều cảm hứng sáng tác, nhiều trăn trở cần được giải quyết, nhiều cái đẹp cần được cứu rỗi.

* Cảm ơn Thảo Nguyên. 

Tốt nghiệp thạc sĩ mỹ thuật tại Học viện nghệ thuật Chicago, Phan Thảo Nguyên là nghệ sĩ đa phương tiện. Cô sử dụng hình thức tranh vẽ, sắp đặt, video và trình diễn để diễn tả những khái niệm mang tính lịch sử và đương đại. Thông qua văn học, triết học và cuộc sống hằng ngày, cô quan sát và thể hiện lại những điểm mơ hồ trong chuẩn mực xã hội và truyền thống.

Những triển lãm tiêu biểu của Phan Thảo Nguyên gồm: Quên lãng nên thơ (2017), Khái niệm tranh luận ngữ cảnh: Nghệ thuật và tính tập thể ở Đông Nam Á (2015), Ám Ngưỡng: Tâm linh đương đại Đông Nam Á, Tầm Tã (2014), Niềm tin không điều kiện (2011).

Hoàng Linh Lan (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI