Ốc bươu, con người và đô thị, ai mới là nạn nhân?

16/11/2019 - 17:42

PNO - Ốc bươu bị đô thị hóa tận diệt, con người trở thành nạn nhân của quá trình phát triển đô thị không ngừng. Hay chính con người đang trở thành nạn nhân của chính họ mà không hề hay biết?


Thật bất ngờ khi biết mới 23 tuổi, Đặng Thùy Anh đã sở hữu kha khá triển lãm đương đại. Như nhiều người trẻ khác sinh ra và lớn lên trong thế giới đang từng ngày bị bức tử, khi thông điệp về môi trường liên tục được nhắc đến, quan tâm của Thùy Anh xoay quanh mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên, những mô-típ thị giác bị đóng khung và chịu ảnh hưởng từ định kiến xã hội.

Oc buou, con nguoi va do thi,  ai moi la nan nhan?
Hai mẫu trong tác phẩm Chờ chụp trực diện

Lặng yên san sát, triển lãm mới nhất của Thùy Anh cũng không nằm ngoài chủ đề đó. Xuyên suốt triển lãm, Thùy Anh sử dụng ốc bươu (dạng sinh vật sống và tái hiện) làm chất liệu chính, để tạo nên những sắp đặt biệt vị, điêu khắc, hình ảnh, video. Tất cả được bài trí theo cấu trúc hình học vuông vức với diện tích dao động từ rất nhỏ đến nhỏ - khiến triển lãm trở thành một ngôi nhà nhân tạo cho những sinh vật nhuyễn thể, từ khi sinh ra đến khi trưởng thành, cư ngụ cho đến lúc chết.

Mượn ốc bươu, hay đúng hơn là đặc tính sống dễ thích nghi, luôn thay hình đổi dạng của loài vật này, Thùy Anh phóng chiếu những suy tư của cô về tốc độ phát triển không ngừng và khó lường của quá trình đô thị hóa, về sức ảnh hưởng của đô thị hóa lên đời sống con người.

Là người trẻ sinh ra và lớn lên ở đô thị, từ câu chuyện có thật về ngôi nhà trong khu tập thể của gia đình đang phấp phỏng trên bờ vực giải tỏa, Thùy Anh tìm thấy những tương đồng bất ngờ giữa ốc bươu và đô thị, trong không gian và thời gian. Ám ảnh nhất có lẽ là tác phẩm sắp đặt 3D Ngày dọc gồm những ô vuông, những con ốc bươu xếp chồng lên nhau.

Con người, trong quá trình phát triển, hệt như loài ốc bươu vàng.Vì chú tâm vào hai chữ phát triển, con người sẵn sàng bỏ qua/cố tình không biết đến “tác dụng phụ” sau đó. Tương tự thời điểm những năm 80 của thế kỷ XX, khi ốc bươu vàng được đưa vào Việt Nam để làm thức ăn cho gia súc mà phớt lờ đặc tính sinh trưởng của nó. Hệ quả tốt chưa kịp thụ hưởng, ốc bươu vàng nhanh chóng trở thành nỗi ám ảnh của người nông dân, là hiểm họa của ngành nông nghiệp. Chúng phá hoại mùa màng, làm biến đổi hệ sinh thái.

Oc buou, con nguoi va do thi,  ai moi la nan nhan?
Không gian triển lãm với tác phẩm Chờ - Ảnh: The Factory

Không cách gì có thể tiêu diệt được chúng, ngoài việc chấp nhận “sống chung với… ốc bươu”. Sự phiến diện và sai lầm của mong muốn phát triển đến mức mù quáng ấy ngỡ đã là lời cảnh tỉnh sâu sắc, là bài học không thể quên cho ngành nông nghiệp nói riêng và loài người nói chung. Ấy vậy mà, cách đây ba, bốn năm, người nông dân thêm một lần chống chọi với rùa tai đỏ. “Lịch sử” đầy kinh nghiệm xấu được lặp lại một cách bi phẫn và ai oán!

Con người trong quá trình đô thị hóa đã bức tử thiên nhiên, bức tử môi trường. Những cánh đồng, những ngôi nhà nép mình bên bờ sông dần biến mất, nhường chỗ cho những tòa nhà san sát. Những buổi sáng mù khói bụi, những lớp khẩu trang dày sụ, những đứa trẻ bị đóng kín trong không gian nhỏ hẹp, chật chội, luôn đề phòng và nơm nớp lo sợ. Chúng chẳng biết gì đến bầu trời xanh cao rộng ngoài kia, tiếng chim hót, hương thơm trong lành của một buổi sáng đầy sương sớm. Chúng chỉ biết đến những khối vuông dày đặc trong thành phố với bề mặt kính y hệt nhau, được làm từ các chất liệu như bê tông, kính, thép… trong một công thức: nhanh, gọn, tiện dụng, giá thành chấp nhận được.

Và mỗi ngày, nhiệm vụ của chúng, của cha mẹ chúng, là đi từ khối vuông này đến khối vuông khác, bằng xe, bằng thang máy. Chúng có đời sống y hệt nhau, chạy đua với thời gian, chạy đua với người lớn, giờ tan học ngồi sau xe, tay cầm hộp sữa vội vàng đến lớp học thêm. Thùy Anh khéo léo hòa trộn đặc tính và ý niệm này khi đông cứng trứng ốc trong những khối vuông nhựa đặt rải rác trên sàn nhà trưng bày có tên Chờ.

Ốc bươu - con người, từ vai trò chủ động chuyển sang bị động. Ốc bươu bị đô thị hóa tận diệt, con người trở thành nạn nhân của quá trình phát triển đô thị không ngừng. Hay chính con người đang trở thành nạn nhân của chính họ mà không hề hay biết? 

Đặng Thùy Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, chuyên ngành thiết kế đồ họa. Cô bắt đầu đến với nghệ thuật bằng các thực hành trình diễn từ năm 2017, sau đó tiếp tục khám phá và thể nghiệm với nghệ thuật sắp đặt, nhiếp ảnh, các phương pháp thực hành nghệ thuật mang tính vị niệm. Thùy Anh thường sử dụng các cá thể sống, bản thân cô cũng như những lưu trữ cá nhân làm chất liệu trong thực hành nghệ thuật. Một số triển lãm tiêu biểu của Thùy Anh: Tháng thực hành nghệ thuật (Heritage Space, Hà Nội, 2018); Mở xưởng I, II và III (Á Space, Hà Nội, 2018); Emerging Artists 6 (Nhà Sàn Collective, Hà Nội, 2018); Liên hoan trình diễn quốc tế NIPAF/IN:ACT (Nhà Sàn Collective, Hà Nội, 2017 và 2019)

Lê Phan

(*) Bài viết có sử dụng một số tư liệu từ The Factory.

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI