Ở đâu có nghệ thuật và tài năng ở đó không có cô đơn

10/09/2014 - 01:43

PNO - PNO - Hình ảnh người nghệ sĩ luôn sáng lung linh dưới ánh đèn sân khấu. Nhưng khi hào quang của danh vọng và vinh quang đã lùi vào dĩ vãng, người nghệ sĩ bỗng trở nên cô độc hơn bao giờ hết.

edf40wrjww2tblPage:Content

Trọn một đời đã làm kiếp tằm nhả tơ, có lẽ điều duy nhất có thể giúp người nghệ sĩ vượt qua mọi nghịch cảnh và sự nghiệt ngã của số phận chính là lòng đam mê, là khát khao được vắt kiệt sức mình nơi thánh đường nghệ thuật.

O dau co nghe thuat va tai nang o do khong co co don

Đêm thiên nga, vở diễn do Hoàng Thái Thanh chuyển thể từ tác phẩm Khúc hát thiên nga của Anton Chekhov từng được dàn dựng cách đây 15 năm với tên Bóng thiên nga. Được làm lại với phiên bản mới lần này, Đêm thiên nga dường như đã chuyên chở tất cả nỗi niềm, tâm trạng và cả ước mơ của hai nghệ sĩ tham gia vở: NSƯT Thành Hội, Ái Như.

Ở đó có nỗi buồn của người nghệ sĩ phải long đong chạy tìm nhà hát; cảm giác xót xa đến thắt lòng khi nhìn những thánh đường nghệ thuật một thời lần lượt được phá bỏ để xây dựng những công trình mang tính thời thượng hơn, thu hút đông đảo công chúng hơn. Câu chuyện về cuộc đời những nghệ sĩ nổi tiếng ở tuổi xế chiều có lẽ cũng không còn quá lạ lẫm. Nhưng ở Đêm thiên nga, tất cả lại một lần nữa được phác họa sống động đến từng chi tiết.

Thời trẻ, thánh đường nghệ thuật, những vai diễn, ánh đèn sân khấu… là những điều thiêng liêng nhất với Pierre. Pierre chấp nhận đánh đổi tình yêu đôi lứa để được sống trọn vẹn với đam mê sân khấu. Thời gian trôi qua, mọi thứ có thể trở nên cũ kỹ, hoang tàn, từ nhà hát đến vóc dáng, sức khỏe… nhưng thời gian dường như lại bất lực trước niềm đam mê, khát vọng được sống với từng vai diễn của Pierre.

Vở diễn chỉ có hai nhân vật: Pierre (NSƯT Thành Hội ) và Boris (NS Ái Như). Chuyện kịch diễn ra ở chỉ một không gian, thời gian nhưng vẫn đủ sức dẫn dắt khán giả đến nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau trong suốt 90 phút. Có lẽ không cần phải bàn đến tài năng diễn xuất, sự phối hợp tung hứng ăn ý và bản lĩnh làm chủ sân khấu của hai gương mặt nghệ sĩ kỳ cựu ở SK kịch TP.

Chỉ hai người với phông màn, cảnh trí nhưng có lúc sàn diễn chỉ là tàn tích còn sót lại của một nhà hát đổ nát, hoang phế. Có lúc nơi đó lại trở thành một thánh đường lung linh ánh sáng với những nghệ sĩ đang cháy hết mình cho nghệ thuật… Nhưng sức hút của vở diễn không chỉ có vậy . Điều tạo nên sự khác biệt, mang dấu ấn rất riêng của Hoàng Thái Thanh còn là cách gửi gắm thông điệp nhẹ nhàng nhưng len rất sâu vào trái tim khán giả của tác giả, đạo diễn (ĐD).

Câu chuyện kịch vốn rất buồn về cuộc đời của người nghệ sĩ được Hoàng Thái Thanh và ĐD Ái Như kể bằng giọng pha chút dí dỏm, hài hước. Nhưng phía sau những tiếng cười, người xem vẫn nghe lòng mình rưng rưng và càng thêm yêu quý, trân trọng những nghệ sĩ như Pierre, như người nhắc tuồng Boris - những người suốt cuộc đời chỉ có một khát khao: được sống với sân khấu, với vai diễn đến hơi thở cuối cùng.

O dau co nghe thuat va tai nang o do khong co co don

Sống trong nhà hát nổi tiếng một thời giờ đã là phế tích, quanh năm chỉ có lũ chuột già chạy quanh; ngủ trong chiếc rương đựng phục trang cũ kỹ… nhưng ở nơi đó có những thứ không bao giờ cũ với Pierre. Đó là lòng đam mê sân khấu đến kỳ lạ của của cả Pierre lẫn Boris. Mấy chục năm, nhà hát đã đóng cửa, nhưng Pierre vẫn cứ giật mình thon thót với nỗi ám ảnh bị trễ xuất diễn. Đã mấy chục năm Pierre không còn được bước lên sân khấu, nhưng những bộ phục trang của Pierre vẫn được đôi bạn già Pierre, Boris nâng niu, trân trọng.

Đều đặn hàng tuần, hàng tháng, Boris lại đến nhà hát giặt ủi những bộ phục trang cho thật phẳng phiu, thật thơm tho dù giặt ủi xong chỉ để cất lại vào kho… Tất cả những điều ấy được lý giải chỉ bằng một lý do duy nhất: với Pierre và Boris, tất cả những gì thuộc về nghệ thuật đều thiêng liêng và phải được trân trọng nâng niu. Bởi nhà hát là một thánh đường, nơi mà trước khi bước vào ai cũng phải đặt đôi giày bẩn của mình phía ngoài cửa.

Ngoài nỗi buồn, niềm vui của người nghệ sĩ, Đêm thiên nga còn là câu chuyện xúc động về tình cảm gắn bó sâu đậm của hai người bạn. Dù ở những vị trí khác nhau, dù giữa họ vẫn thường xuyên xảy ra những cuộc cãi cọ nảy lửa, dù từng có lần Boris ước cho Pierre “biến mất” để mình được thế vai… nhưng Pierre và Boris vẫn không thể rời nhau, từ khi Pierre còn là một nghệ sĩ lừng danh và Boris cũng là một người nhắc tuồng số 1 cho đến lúc cả hai phải trải qua cuộc sống khó khăn của tuổi già, không người thân, không nhà cửa, không tiền bạc…

Những cuộc cãi nhau “chí chóe” vẫn không dứt nhưng giữa họ là thứ tình cảm thiêng liêng khó diễn tả bằng lời. Có lẽ do cùng niềm đam mê, cùng khát khao được cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho nghệ thuật nên họ thực sự thấu hiểu được từng ngóc ngách trong tâm hồn của nhau để trở thành hai người bạn tri âm, tri kỷ. Dù sức tàn lực kiệt, dù đau đớn về thể xác, Pierre vẫn gắng gượng vắt kiệt sức mình để người bạn thân yêu nhất một lần được sống trọn vẹn với ước mơ trở thành nghệ sĩ.

Câu chuyện về hai người bạn Pierre và Boris nhanh chóng cho người xem liên tưởng đến sự gắn bó của NSƯT Thành Hội và NS Ái Như. Gần 30 năm cùng đồng hành trên con đường nghệ thuật, họ đã có 25 năm cùng sáng tác kịch bản với bút danh Hoàng Thái Thanh. Vượt qua mọi khó khăn, thử thách và cả những “điều ong tiếng ve” trong dư luận, đôi bạn nghề ấy vẫn song hành cùng nhau, vẫn đồng cam, cộng khổ dấn thân để cùng động viên nhau không bao giờ được bỏ cuộc giữa đường.

Đêm thiên nga sẽ có xuất diễn tiếp theo lúc 20g ngày 12/9 tại địa chỉ mới của sân khấu Hoàng Thái Thanh: Nhà thiếu nhi Q.10 (139 Bắc Hải,P.14, Q.10).

Bài, ảnh: THẢO VÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI