Nữ võ sư Năm Hạnh đau đáu nghiệp truyền...

24/08/2019 - 11:30

PNO - Cứ mỗi chiều về, sân luyện võ nhà 'cô Năm' lại rào rào những động tác tay chân theo đòn thế, giòn giã tiếng hô một, hai cho đến khi mặt trời lặn về phía cánh đồng xa…

Bọn trẻ làm rộn cả một góc làng bên cạnh dòng sông quê. Chúng tíu tít gọi: “Cô Năm ơi, cô Năm ơi, con đánh vầy có đúng thế không?”. “Chưa được. Phải vầy nè, vầy nè”. Người phụ nữ tóc đã hai màu, vừa nói vừa tỉ mỉ chỉnh từng động tác.

Người dân vùng An Thái (xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) từ lâu đã quen với những hoạt cảnh ấy tại lớp dạy võ của “cô Năm”. Cứ mỗi chiều về, sân luyện võ nhà “cô Năm” lại rào rào những động tác tay chân theo đòn thế, giòn giã tiếng hô một, hai cho đến khi mặt trời lặn về phía cánh đồng xa…

Nu vo su Nam Hanh dau dau nghiep truyen...
Nữ võ sư thị phạm bài võ Tứ linh đao

1. “Cô Năm” là cách các võ sinh và bà con ở An Thái gọi bà, còn tên thật của bà là Lâm Thị Hồng Hạnh - con gái của đại lão võ sư Lâm Ngọc Phú trứ danh một thời. An Thái từ bao đời đã nổi danh với câu “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái”, như một ấn chứng về võ thuật.

Nói đến võ cổ truyền Bình Định, làm sao có thể bỏ qua làng võ xứ An Thái. Đây từng là nơi thầy giáo Hiến quyết định ở lại lập nghiệp, dạy cả văn lẫn võ cho người dân địa phương. Rồi anh em nhà Tây Sơn cũng xuôi dòng sông Kôn đến xin nhập học và được ông thu nhận.

Về sau, vùng An Thái trù phú, được nhiều người ví như một đô thị trong làng quê, cũng trở thành cái nôi võ thuật, nuôi dưỡng võ đạo và trao truyền lại cho bao lớp con cháu. Vùng đất này có nhiều lò võ như Hải Sơn, Quách Cang (phái Tàu Sáu), Hồ Hoành… nức tiếng. Trong đó, võ phái Bình Sơn xuất hiện từ rất sớm - đầu thế kỷ XX. Đứng đầu môn phái là võ sư Lâm Hữu Phong (sinh năm 1855, tại thôn Thắng Công, xã Nhơn Phúc).

Trước khi qua đời, ông đã truyền lại mọi tuyệt học cho con là võ sư Lâm Đình Thọ, tức Hương Kiểm Lài. Nối nghiệp cha, Hương Kiểm Lài cũng truyền võ lại cho hai người con là võ sư Lâm Ngọc Lài và Lâm Ngọc Phú. Các con của ông Lâm Ngọc Phú là Lâm Ngọc Ánh và Lâm Thị Hồng Hạnh lại tiếp bước ông cha, mở trường dạy võ ngay trên mảnh đất quê hương.

Năm Hạnh cùng các anh chị em trong nhà được cha dạy võ từ thuở bé. “Con gái luyện võ có nhiều hạn chế lắm, nhất là về mặt thể lực, nhưng vì mộ, nên mình cố công theo học” - nữ võ sư nhớ lại. Nhưng rồi cuộc áo cơm đã đưa bà lang bạt nhiều nơi. Có giai đoạn, bà vô Sài Gòn làm nghề may gần chục năm mới trở về bản xứ.

Bà bảo, không biết lui cui thế nào, mình lại về với nghề xưa - vẫn rạ rơm đồng chiều, vẫn hàng quán nhỏ cạnh dòng sông này. Bà về lại quê hương, vẫn ở vậy chăm cha mẹ tuổi bóng xế. Việc dạy võ đã có cha và anh - võ sư Lâm Ngọc Ánh đảm nhận.

Mười năm trước, võ sư Lâm Ngọc Phú qua đời. Chẳng còn nhớ đã bao nhiêu lần, bà ngồi bên quán tạp hóa, nhìn dải đất trước sân - nơi cha hay luyện tập cho môn đồ - mà lòng bà trống rỗng, thấy nhớ nhớ thương thương. Rồi một bận về chùa Nhơn Từ (huyện An Nhơn), mấy phật tử trẻ biết bà giỏi võ nên nằn nì xin theo học, bà nhận lời.

Vậy là mỗi chiều, bên căn nhà nhỏ, ngay khoảng sân trống còn lưu lại tường gạch đá ong ấy, từng đường quyền, thế võ xua đi cái trống vắng của những ngày đầu lão võ sư Lâm Ngọc Phú mất. Cũng từ ngày đó đến nay, học trò lai rai, lúc ít lúc nhiều, bà cứ túc tắc dạy. Thời gian còn lại, bà bán hàng tạp hóa, làm sào ruộng và chăm mẹ già nay đã ngoài 80 tuổi. Thời gian cứ thế trôi…

Bà Năm Hạnh nay cũng đã 55 tuổi, vẫn ở vậy, dẫu bao đám tới ngỏ lời. Mẹ bà thỏ thẻ: “Nó là đứa có nhan sắc. Hồi xưa, có mấy đám đến ngỏ, mà chẳng hiểu sao nó toàn lắc đầu, ai nói cũng không vô. Tính nó ngang như đàn ông vậy”. Tôi nhìn nét mặt sáng của “cô Năm” trên bức ảnh bà mặc áo dài đâu chừng gần 30 năm trước. Một vẻ đẹp sắc sảo. Có lẽ, bà đợi chờ một người “đàn ông” hơn mình, mà quên rằng, con gái có thì.

“Gần mươi năm rồi chớ ít gì”. Câu nói của bà Năm như cắt dòng suy nghĩ vơ vẩn của tôi. Bà vừa nói vừa chỉ vào tấm bảng chiêu sinh bằng gỗ, đặt trang trọng giữa ngôi nhà nhỏ, trên còn khắc dòng chữ: “Võ đường Bình - Sơn: Võ sư Lâm Ngọc Phú đảm trách huấn luyện các bộ môn quyền anh, quyền tự do, võ Bình Định”. “Nay học trò nhiều không, cô?” - tôi hỏi. “Cũng gần 30 đứa, nhưng chủ yếu mấy đứa nhỏ nhỏ, từ lớp Chín trở xuống, còn tụi lớn nó đi học với làm ăn xa cả rồi”.

2. Tôi lại nhớ, lúc chiều đến nhà bà, một dàn võ sinh đến tập, đứa lớn nhất đang học lớp Chín, đứa nhỏ nhất vừa vô lớp Hai. Trên sân tập, cô bé Trần Thị Thúy Hà, quê ở Mỹ Thạnh, Nhơn Phúc, đang học lớp Hai Trường tiểu học Nhơn Phúc, đi những đường quyền dứt khoát và đẹp mắt. Cô bé tỏ ra thích thú với những thế võ học được. Hỏi ra mới hay, Thúy Hà chỉ mới tập được ba tháng nay.

Nu vo su Nam Hanh dau dau nghiep truyen...
Nữ võ sư ân cần tỉ mỉ với học trò, xem học trò như con của mình

Đôi lúc, để thị phạm cho học viên, võ sư Năm Hạnh bước ra giữa khoảng sân, đi những bài võ quen thuộc như Liên hoàn thập lục thủ, Hổ hạ sơn, Thần đồng... Động tác lúc hùng tráng cương mãnh, khi uyển chuyển linh hoạt, vô cùng hút mắt. Tụi nhỏ có đứa reo lên: “Hay quá! Khi nào con mới tập được bài này”. Bà Năm cười, nói: “Ráng luyện đi. Hè năm sau Năm dạy”.

Vì không có con cái, bà Năm xem bọn trẻ như con ruột của mình. Vừa nghiêm khắc chỉ dạy, bà vừa ân cần tỉ mỉ. Lúc tụi trẻ đã ra về hết, Năm cười thiệt hiền: “Nhiều khi thấy mình như bảo mẫu của tụi nó vậy. Cũng mệt với tụi nhỏ lắm, nhưng có tụi nó, thấy cũng ấm lòng. Ít hôm nữa, tụi nó đi học hết trơn rồi…”.

Bà Năm dõi mắt về phía bức tường gạch đối diện nhà, nhìn như đóng đinh: “Được cái, mùa hè, tụi nhỏ đến đông, chớ lúc vô học, vắng chẳng có đứa nào. Mà qua năm tháng, học viên cũng thưa vắng dần, ít người mặn mà với võ truyền thống rồi”. Rồi bà kể, hồi xưa ở đây cũng có một nữ võ sư về truyền dạy võ thuật.

Đó là bà Diệp Lệ Bích - cháu nội của đại lão võ sư Diệp Trường Phát. Bà về An Thái, mở võ đường Bình Thái Đạo, tâm huyết lắm, nhưng học trò thưa vắng, được đâu đó gần một năm, cũng đành thôi. Ngay hiện tại, theo lời bà, ở An Thái vẫn còn nhiều người giỏi võ lắm, nhưng họ cũng không mở lớp, chỉ còn võ đường Bình Sơn còn hoạt động, nhưng cũng cầm chừng, sấp ngửa lay lắt…

Phụ nữ học võ đến nơi đến chốn đã ít. Dạy võ tâm huyết gắn bó càng hiếm. Như bà, là nữ võ sư lớn tuổi nhất Bình Định còn truyền dạy võ cổ truyền. Để tìm người thứ hai ở Bình Định này, đỏ mắt không ra. Câu chuyện truyền nghề, cứ làm bà đau đáu mãi: “Cách đây mấy năm, anh em tui đến các trường THCS đề cập chuyện dạy võ cổ truyền cho học sinh, nhưng cũng chẳng đâu vào đâu. Các lò võ chủ yếu tự bơi. Chúng tôi đang bơi, bơi trên dòng sông cạn…”.

Ấm trà đã thay mấy lần nước mà câu chuyện của chúng tôi chưa dừng lại. Nghĩ về nghiệp võ cổ truyền hôm nay, bỗng dưng chạnh lòng. Hành trình lưu giữ và phát huy tinh hoa võ cổ truyền còn lắm gian nan. Đó không phải là nhiệm vụ của riêng ai. Năm Hạnh đang dốc lòng, nhưng biết sao giờ, sức người có hạn, giá mà… Chia tay nữ võ sư, tôi cứ bị ánh mắt xa xăm khi ngồi trước quán tạp hóa của bà ám ảnh. Nó vừa khắc khoải, vừa trông đợi một điều gì đó, mơ hồ lắm… 

Giọng nữ võ sư Năm Hạnh như chùng lại khi nói đến chuyện truyền thụ võ nghệ hôm nay. Bà trăn trở: “Học trò giờ học võ mà ít khổ luyện quá. Cha mẹ thấy các con so găng, tập đối kháng thì tỏ ra hết sức lo lắng, nên chỉ giữ chừng mực, nhiều khi tập cứ như tập thể dục, dưỡng sinh vậy. 

Mấy dịp lễ, chương trình gì đó, địa phương đến nhờ, bọn nhỏ lại múa máy mấy đường cho vui, chứ thiệt sự học võ, phải trui rèn nhiều nữa. Mình mộ, lại muốn truyền lại thế roi, đường quyền của cha ông, nên dạy. Học phí lúc có lúc không. Tiền công đôi khi là mấy bịch trà… nhiều nhặn gì đâu. Anh em tui chẳng ai sống được nhờ học phí. Nhưng muốn giữ, muốn trao truyền võ cổ truyền cho hậu bối, nên vẫn ráng dạy suốt bấy năm nay”.

Văn Phi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI