NSƯT Triệu Trung Kiên: 'Tôi mong nghệ sĩ cải lương hai miền cùng hợp lực'

20/03/2018 - 08:24

PNO - Sau hơn một năm chuẩn bị, vở cải lương 'Thầy Ba Đợi' chính thức lên sàn với sự góp mặt của khoảng 60 nghệ sĩ cải lương hai miền Nam-Bắc. Đây là công trình kỷ niệm 100 năm nghệ thuật cải lương Việt Nam.

Sự hội ngộ đặc biệt này càng mang nhiều ý nghĩa hơn bởi đây là công trình kỷ niệm 100 năm nghệ thuật cải lương Việt Nam. Nhân dịp này, phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM có cuộc trò chuyện với NSƯT Triệu Trung Kiên – Phó giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam, đạo diễn Thầy Ba Đợi.

* Ý tưởng về sự kết hợp của nghệ sĩ cải lương hai miền Nam - Bắc bắt đầu đâu, thưa anh?

- Từ rất lâu tôi vẫn ước mơ một cơ hội để các nghệ sĩ cải lương hai miền cùng đứng chung một sàn diễn. Kỷ niệm 100 năm nghệ thuật cải lương Việt Nam có lẽ là điều kiện tốt nhất để hiện thực hoá ước mơ của tôi.

NSUT Trieu Trung Kien: 'Toi mong nghe si cai luong hai mien cung hop luc'

Các nghệ sĩ hai miền trên sàn tập

Rất may mắn tôi đã nhận được sự ủng hộ của các nghệ sĩ TP.HCM ngay khi vừa ngỏ lời. May mắn hơn, tôi có trong tay “chất liệu” tuyệt vời cho sự kết hợp này, đó là kịch bản về cuộc đời và đóng góp của nhạc sư Nguyễn Quang Đại, người được xem là hậu Tổ của đờn ca tài tử và cải lương Việt Nam. Chúng tôi đã dành hơn một năm để chuẩn bị cho ngày công diễn sắp tới.

* Việc chọn lựa nghệ sĩ hai miền tham gia vở diễn dựa trên tiêu chí nào, thưa anh?

- Cũng như tất cả những tác phẩm sân khấu khác, điều quan trọng nhất là phải hợp vai. Các nghệ sĩ miền Bắc gồm NSND Vương Hà, NSƯT Xuân Vinh, NSƯT Thu Trang, Quang Khải, Thanh Tuấn, Văn Đáng… Các nghệ sĩ của TP.HCM là NSƯT Hùng Minh, NSƯT Quế Trân, NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Hữu Quốc, NSƯT Quỳnh Hương, NSƯT Lê Tứ, Võ Minh Lâm, Điền Trung, Trọng Nghĩa…

* Nghệ sĩ miền Bắc thường có lối ca diễn thiên về học thuật, bài bản, trong khi nghệ sĩ miền Nam đa phần có xu hướng ca diễn bằng cảm xúc và sự ngẫu hứng...

- Tôi không nghĩ đây là điều có thể ảnh hưởng đến sự kết hợp của các nghệ sĩ. Dù có sự khác biệt nhưng trong quá trình tập luyện, với bản lĩnh, kinh nghiệm nghề nghiệp, các nghệ sĩ sẽ biết cách điều chỉnh để phối hợp nhịp nhàng và xoá nhoà mọi sự khác biệt. Tôi có niềm tin chắc chắn vào điều đó bởi ngay trong buổi tập đầu tiên, tôi đã nhìn thấy sự tác động lẫn nhau của nghệ sĩ hai miền Nam – Bắc.

NSUT Trieu Trung Kien: 'Toi mong nghe si cai luong hai mien cung hop luc'

Sự hội ngộ của nghệ sĩ hai miền nam Bắc đang được đặt nhiều kỳ vọng cho một tương lai lâu dài

* 60 nghệ sĩ hai miền cùng tham gia một vở diễn, việc tập luyện không đơn giản?

- Ở thời điểm này chúng tôi chưa thể tập trung toàn bộ nghệ sĩ mà phải tập riêng từng lớp, từng cảnh ở hai nơi. Sau đó, từng nhóm nghệ sĩ Hà Nội sẽ vào TP.HCM phối hợp với các nghệ sĩ ở đây. Cho đến khoảng giữa tháng Tư sẽ có một đợt tập trung tất cả các nghệ sĩ để hoàn thành vở diễn. Dự kiến Thầy Ba Đợi sẽ ra mắt khán giả TP.HCM trong hai ngày 28-29/4. Chúng tôi cũng tính đến phương án mang Thầy Ba Đợi ra Hà Nội và xuống Long An, nơi nhạc sư Nguyễn Quang Đại sống những năm tháng cuối đời.

* Được dàn dựng theo phương thức xã hội hoá, anh làm sao để xoay sở kinh phí cho vở diễn với 60 nghệ sĩ và phải thường xuyên dịch chuyển Hà Nội – TP.HCM để tập luyện?

- Khó khăn nhưng không có nghĩa là không thể, miễn chúng ta luôn cố gắng, nỗ lực. Chúng tôi luôn nghĩ mình là người rất may mắn bởi luôn có những mạnh thường quân sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ cải lương vô điều kiện.

NSUT Trieu Trung Kien: 'Toi mong nghe si cai luong hai mien cung hop luc'
 

* Anh có đặt kỳ vọng gì cho công trình kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương Việt Nam do mình khởi xướng?

- Cải lương đang rất khó khăn, tôi mong nghệ sĩ cải lương hai miền cùng chung tay để làm được điều gì đó cho sân khấu cải lương. Tất cả đó chỉ là mong ước, còn cho đến giờ phút này, tôi cũng chưa biết chắc rằng chúng tôi sẽ làm được điều gì, chỉ biết tất cả đang nỗ lực bằng tất cả nhiệt huyết và lòng đam mê đối với sân khấu cải lương.

Mơ ước lớn nhất của tôi là Thầy Ba Đợi sẽ là một khởi đầu tốt đẹp để nghệ sĩ hai miền có thêm thật nhiều sự kết hợp, cho ra đời những vở diễn cải lương chất lượng cao, đủ sức chinh phục nhiều đối tượng khán giả.

Theo Địa chí Long An, thời phong trào Cần Vương chống Pháp nửa cuối thế kỷ XIX, nhạc sư Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) - một quan nhạc của triều đình nhà Nguyễn, hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp, đã từ bỏ cung đình vào Nam, truyền dạy nhạc tài tử và nhạc lễ.

Ban đầu ông dừng chân dạy nhạc ở Đakao - Sài Gòn và một số nơi ở miền Đông, miền Tây. Sau cùng ông về Cần Đước - Long An truyền dạy nhạc và sinh sống ở đây lâu nhất.

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, nhạc sư Nguyễn Quang Đại không chỉ truyền dạy ngón đờn và có rất nhiều học trò trở thành người nổi tiếng mà ông còn sáng tác rất nhiều bài như bộ ngũ châu miền Đông, 8 bản ngự để cung nghinh vua Thành Thái. Ông là người đã hệ thống hơi điệu tài tử thành bốn điệu Bắc, Nam, Hạ, Oán (20 bài bản tổ) và cải biên nhạc cung đình, sáng tạo ra nhạc lễ miền Nam. 

Với vai trò là trưởng nhóm nhạc tài tử miền Đông, ông đã cùng với ông Trần Quang Quờn ở miền Tây làm cho kho tàng bài bản tài tử thêm phong phú. Ông đã dạy các môn đệ về lý thuyết âm dương ngũ hành của nền triết học Đông phương, nâng cao bộ môn đờn ca tài tử lên đỉnh cao đầy tính bác học.        

Bài vị của ông được nhân dân làng Mỹ Lộc rước vào thờ tại ngôi đình Vạn Phước thuộc xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Hàng năm, lễ giỗ ông cũng là lễ cúng kỳ yên tại ngôi đình này. Trong phần hội của lễ cúng kỳ yên không bao giờ thiếu đờn ca tài tử.

         Thảo Vân thực hiện)        

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI