NSƯT Thành Lộc và nỗi trăn trở áo dài ‘phản cảm’

28/02/2018 - 18:05

PNO - Bên lề buổi họp báo ra mắt Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 5, NSƯT Thành Lộc chia sẻ nỗi trăn trở của mình về những chiếc áo dài lạ, đang được nhiều người chọn mặc.

Là một trong 11 gương mặt đại sứ cho Lễ hội Áo dài TP.HCM, NSƯT Thành Lộc vui mừng vì anh sẽ cùng những nghệ sĩ khác truyền tình yêu áo dài đến cho người dân TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, đó không phải là thông điệp chính NSƯT Thành Lộc muốn truyền tải, mà nam nghệ sĩ muốn mang tinh thần mới đến với những người trẻ. Đặc biệt là về nhận thức của họ, về việc mặc áo dài sao cho thoải mái nhưng không phá vỡ những yêu cầu cơ bản, không biến áo dài trở nên phản cảm.

NSUT Thanh Loc va noi tran tro ao dai ‘phan cam’
NSƯT Thành Lộc thường chọn áo dài cách tân để xuất hiện tại các sự kiện

“Thời gian qua, có quá nhiều những chiếc áo dài phản cảm xuất hiện trên đường phố. Cá nhân tôi không thấy nó giống áo dài. Tôi muốn truyền đến những người trẻ nhận thức được mặc áo dài thế nào là đẹp. Áo dài với tôi, chỉ cần 2 tà áo là đủ nhưng có những mẫu áo quá ngắn thì làm sao gọi nó là áo dài được”, NSƯT Thành Lộc chia sẻ.

Nam nghệ sĩ cho rằng trách nhiệm này phần nhiều thuộc về nhà thiết kế, họ sáng tạo nhưng kết quả không làm chiếc áo dài đẹp hơn mà trở nên phản tác dụng. “Những nhà thiết kế áo dài, tư duy thẩm mỹ của họ rất khác nhau, có thể họ cho nó đẹp còn tôi thì không. Mỗi người mỗi cảm nhận nhưng điều này không có nghĩa họ sáng tạo vượt xa nguyên mẫu, thực tế. Tôi từng nghe thông điệp rằng “Áo dài còn thì hồn Việt còn”, nhưng hồn Việt như thế nào cho đúng là chuyện khác”, nam nghệ sĩ trăn trở.

NSUT Thanh Loc va noi tran tro ao dai ‘phan cam’
Trong buổi họp báo, NSƯT Thành Lộc chọn mặc trang phục áo dài

Xuất hiện trong chuỗi hoạt động của Lễ hội Áo dài TP.HCM năm nay, NSƯT Thành Lộc mặc định rằng vai trò của mình là khiến nam giới phải mặc áo dài nhiều hơn: “Tôi tự đặt trách nhiệm này cho mình khi nhiều nam giới cho rằng mặc áo dài là nữ tính, là yếu thế nhưng như tôi đang mặc, tôi không thấy sự nữ tính ở đây. Chỉ có khác là áo dài sẽ hướng con người mình đến những việc làm văn hoá hơn, văn minh hơn. Áo dài làm cho tôi trầm tính hơn nhưng cũng năng động khi tôi mặc với quần jeans, đi giày thể thao. Tôi không thể mặc áo dài truyền thống. Tôi phải công nhận điều đó vì tôi quen mặc cách tân nên khi mặc áo dài truyền thống, tôi không tự tin”.

NSUT Thanh Loc va noi tran tro ao dai ‘phan cam’
Những gương mặt đại sứ trong Lễ hội Áo dài năm nay

“Tôi không tiếc nuối về những tà áo dài kín cổng cao tường thời trước. Có những năm, áo dài tại Sài Gòn này xuất hiện trong hình dáng rất sexy như khoét ngực, xẻ lưng sâu. Vì thời đó không có nhiều điều kiện để chụp lại nên thế hệ sau này không biết, nhưng với tôi áo dài hở không phải là áo dài đẹp”,Thành Lộc tâm sự.

“Tôi nhớ về những người chị, về mẹ, về bà – những người phụ nữ đã từng mặc áo dài đơn giản vô cùng, chỉ một màu duy nhất như màu mỡ gà, màu trắng tinh khôi nhưng rất đẹp. Thời trang cũng như một môn nghệ thuật, với tôi, những thiết kế đẹp và có giá trị phải quy về chữ tối giản, mộc. Đừng bắt áo dài phải trở nên màu sắc và có quá nhiều kiểu dáng. Tôi có thể bị hút mắt ngay nhưng về lâu về dài, một chiếc áo dài đơn giản sẽ tôn được tất thảy mọi đường nét. Tôi nghĩ nhiều đàn ông cũng nghĩ như tôi”, nam nghệ sĩ khẳng định.

NSUT Thanh Loc va noi tran tro ao dai ‘phan cam’
NSƯT Thành Lộc và NSƯT Kim Xuân tại buổi họp báo

“Tôi chắc chắn một điều là bản thân không chê các nhà thiết kế nhưng họ phải biết được những việc mình đang làm đem đến hiệu quả trong thời trang như thế nào. Chiếc váy đụp mặc với áo dài có lúc tôi cũng thấy đẹp nhưng nó không đại diện được cho điều gì cả. Vẻ đẹp còn tuỳ dáng vẻ, tuỳ tính chất môi trường nơi bạn xuất hiện, nhưng từ trong nhận thức, tôi muốn mọi người biết được mình cần có sự lựa chọn như thế nào để không bị gọi là phản cảm”, nghệ sĩ Thành Lộc nói thêm.

Lễ hội Áo dài TP.HCM diễn ra từ ngày 3 – 25/3. Sự kiện do Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM tổ chức với chủ đề Duyên dáng Áo dài TP.HCM.

Năm nay, Lễ hội Áo dài TP.HCM thu hút sự tham gia của 22 nhà thiết kế áo dài nổi tiếng và 11 gương mặt đại sứ: NSƯT Thành Lộc, NSƯT Kim Xuân, Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, MC Quỳnh Hoa, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, ca sĩ Kyo York, gia đình đạo diễn Đức Thịnh – diễn viên Thanh Thúy, diễn viên Diễm My 9x, Giải nhất Duyên dáng Áo dài TP.HCM 2017 Nguyễn Thị Thạch Thảo.

NSUT Thanh Loc va noi tran tro ao dai ‘phan cam’
Lễ hội Áo dài TP.HCM là sự kiện thu hút hàng chục ngàn lượt khách tham gia mỗi năm

Lễ hội Áo dài TP.HCM 2018 có 16 hoạt động chính diễn ra tại nhiều địa điểm: Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Nhà văn hóa Thanh niên, Nhà văn hóa Phụ nữ thành phố, Hội trường Thống Nhất, Nhà Văn hóa sinh viên, Thư viện Khoa học Tổng hợp, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Bảo tàng Áo dài, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ… 

Theo số liệu thống kê, Lễ hội Áo dài TP.HCM sau mùa đầu tiên vào năm 2014 thu hút sự tham gia của 50.000 lượt khách, đến năm 2017, lượng khách tham gia đã lên 70.000 lượt. Sự kiện Lễ hội Áo dài đang dần trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của TP.HCM, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách.

Năm nay, 22 nhà thiết kế sẽ mang tới lễ hội hơn 1.200 tà áo dài. Ngoài ra, sự kiện còn có sự tham gia của 111 nhà may, 78 cửa hàng bán vải, 12 cửa hàng phụ kiện, thuê, vẽ áo dài, áo dài may sẵn. Với sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ, nhà thiết kế, học sinh – sinh viên và người dân tại TP.HCM, nhà tổ chức hy vọng thông điệp “Tôi yêu Áo dài Việt Nam” sẽ được lan toả nhiều hơn nữa trong cộng đồng.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI