Nỗi lo phim Việt mất gốc

16/08/2017 - 17:53

PNO - Nửa số phim Việt ra rạp trong tháng tám là làm lại (remake) từ bản Hàn. Hàng loạt dự án Việt hóa phim ngoại cũng đang được triển khai. Giải Bông sen vàng sắp diễn ra cũng chấp nhận phim Việt hóa.

Thời của phim remake đang dấy lên nỗi lo phim Việt sẽ mất gốc.

Cô nàng ngổ ngáo (My sassy girl) là dự án remake phim Hàn mới nhất của điện ảnh Việt sau những Em là bà nội của anh (Miss Granny), Sắc đẹp ngàn cân (200 pounds beauty), Yêu đi đừng sợ (Spellbound), Ngựa hoang (Sunny), Ông ngoại tuổi băm (Scandal makers). Ở mảng truyền hình, các phim Việt hóa đang trên trường quay gồm Mối tình đầu của tôi, Glee.

Noi lo phim Viet mat goc

Sắc đẹp ngàn cân phiên bản Việt (dưới) hầu như giống hoàn toàn bản gốc, luôn cả góc máy

Nhìn qua những tác phẩm đã và đang triển khai, dễ nhận thấy đa phần phim gốc đã ra đời khá lâu (trung bình 5-7 năm), thậm chí Sắc đẹp ngàn cân đã lùi xa hơn chục năm. “Xào nấu” lần nữa món ăn đã “cũ”, lại mang phong vị nước ngoài khiến bản phim Việt hóa khó hợp khẩu vị khán giả bản xứ.

Trừ Em là bà nội của anh chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa Việt; từ Sắc đẹp ngàn cân, dòng phim remake bắt đầu bộc lộ hạn chế của việc “sao y bản chính”. Rất khó tìm thấy dấu ấn cá nhân của đạo diễn hay nét Việt nào ở phiên bản mới khi mà từng tình tiết, lời thoại cho đến góc máy gần như rập khuôn từ bản Hàn.

Bản phim gốc xuất hiện cách đây đã 11 năm. Thời điểm ấy, ở một đất nước “cuồng tín” chuyện phẫu thuật thẩm mỹ, câu chuyện một cô gái “đập mặt xây lại” vì sợ bị kỳ thị là hợp thời; nhưng 11 năm sau, khi đến Việt Nam, chuyện nghệ sĩ “dao kéo” chẳng còn là vấn đề ghê gớm. Thế nên chuyện Hà My, dù đã lột xác thành Lily vẫn mang mãi mặc cảm sắc đẹp “nhân tạo” khó tìm được đồng cảm nơi người xem. Sắc đẹp ngàn cân bản Việt, vì vậy, không khác gì phim Hàn nói tiếng Việt.

Noi lo phim Viet mat goc

Sắc đẹp ngàn cân phiên bản gốc

Hạn chế của “bản sao” Sắc đẹp ngàn cân cũng chính là nỗi lo cho dòng phim remake. Khi không thể vượt qua cái bóng của bản gốc, mức độ đầu tư cho “bản copy” kém hơn; khâu hóa trang, phục trang cũng kém xa; chưa kể chuyện tốn tiền mua bản quyền nhưng vẫn phải giữ nguyên các chi tiết rất Hàn…

Vậy thì “làm lại” để làm gì? Câu trả lời thường nghe từ các đơn vị sản xuất: “thiếu kịch bản hay”. Thật vậy không? Điểm qua nội dung của những tác phẩm đang rầm rộ được làm lại, ý tưởng câu chuyện, mô-típ chẳng hề xa lạ với phim ảnh Việt Nam. Như trong Yêu đi đừng sợ, khúc mắc của phim nằm ở việc nữ chính có khả năng trò chuyện với người chết. Dạng nhân vật nữ nhìn thấy ma trong phim Việt từng có trong phim truyền hình Lời thì thầm từ quá khứ. Câu chuyện tình bạn tuổi thanh xuân của một nhóm bạn gái trong Sunny gợi nhớ đến bộ phim rạp đang chiếu Đời cho ta bao lần đôi mươi. Mô-típ tình cảm giữa hai cô bạn thân bị chia rẽ vì sự xuất hiện của hai chàng trai trong Mối tình đầu của tôi cũng không hiếm trong phim Việt.

Noi lo phim Viet mat goc
Một cảnh trong Ngựa hoang (remake từ Sunny) của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng

Phim remake, do đó, chỉ là một cách làm an toàn, mang tính tình thế hơn là xu thế. Trường hợp của Sắc đẹp ngàn cân cho thấy một ý tưởng tốt, kịch bản hay vẫn chưa thể tạo nên một bộ phim hay. Thế giới cũng đâu có mấy phim copy hơn được bản gốc như trường hợp The Departed của Mỹ làm lại từ Vô gian đạo của Hồng Kông. Với trình độ làm phim của Việt Nam hiện nay, chuyện remake chỉ để đáp ứng sản lượng phim hàng năm (ước tính năm nay có 60-70 phim Việt ra rạp, gần gấp đôi năm ngoái). 

Thực trạng này cũng khiến ban tổ chức Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 phải chấp nhận để phim remake tranh giải (trừ giải cá nhân dành cho biên kịch và giải dành cho tác phẩm). Đây thực chất là bước thụt lùi của điện ảnh Việt với nguy cơ mất gốc dần rõ rệt. Một nền phim ảnh - bộ môn đề cao sáng tạo - chẳng thể tồn tại lâu dài hay được đánh giá cao khi mọi thứ đều từ nguồn vay mượn. 

Noi lo phim Viet mat goc
Ninh Dương Lan Ngọc trong Mối tình đầu của tôi - một phim remake, dự kiến phát sóng vào 10/2017

Phim remake được dự tranh giải Bông sen vàng

Sáng 15/8, Bộ VH-TT-DL đã chính thức công bố Liên hoan phim Việt Nam (giải Bông sen vàng) lần thứ 20, tổ chức từ ngày 24-28/11 tại Đà Nẵng. Theo bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, LHP lần này hướng tới các tác phẩm thể hiện được tư tưởng nhân văn, có thủ pháp nghệ thuật sáng tạo, chất lượng kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu của thời hội nhập quốc tế, phù hợp với chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Năm nay, hạng mục phim truyện video đã bị cắt, thay bằng giải thưởng phim ASEAN (Film ASEAN awards) - tôn vinh các tác phẩm điện ảnh xuất sắc trong cộng đồng ASEAN. Đây cũng là chương trình kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN.

Điểm mới của Bông sen vàng năm nay là các bộ phim làm lại từ kịch bản hoặc phim nước ngoài có thể tham dự tất cả các chương trình của LHP; nhưng sẽ chỉ được xét giải thưởng dành cho cá nhân.

Các tác phẩm tham gia LHP được yêu cầu không có tranh chấp về bản quyền. Tuy nhiên, bà Lan cũng cho biết rằng thông tin trên truyền thông hiện rất phong phú nên ban tổ chức chỉ xem xét các trường hợp phim có đơn thư khiếu nại hoặc những sự việc nổi cộm.

H.Anh

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI