Nỗi đau văn hoá từ chuyện ngôi chùa có lịch sử gần 400 năm bị triệt hạ

11/08/2019 - 07:41

PNO - Việc triệt giải kiến trúc xưa để dựng mới đã diễn ra trong sự nuối tiếc của người dân xứ Huế, bởi lẽ chánh điện như chùa Quốc Ân, Từ Hiếu là sự kết tinh giá trị văn hóa, tình cảm và giá trị sử dụng

Cách đại trùng tu theo phương pháp triệt giải (chứ không phải hạ giải) như hiện nay đồng nghĩa với xóa sổ văn hóa. Là người có nhiều năm làm công tác quản lý văn hóa và nghiên cứu ở Huế, ông Nguyễn Xuân Hoa – nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế đau đáu về nhiều di tích ở Huế mang mác trùng tu nhưng gần như được làm mới.

Cũng như chùa Từ Hiếu, chùa Quốc Ân chưa được xếp hạng di tích, song từ lâu đã nằm trong danh mục 153 công trình, địa điểm được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ra quyết định bảo vệ (tại Quyết định số 1046/QĐ-UBND ngày 8/10/1993). Nhưng giờ đây, chùa Quốc Ân đã bị triệt giải hoàn toàn.

Noi dau van hoa tu chuyen ngoi chua co lich su gan 400 nam bi triet ha
Triệt giải kiến trúc gỗ ở Chánh điện chùa Quốc Ân khiến nhiều người luyến tiếc

Ông Hoa cho rằng đó là một “nỗi đau văn hóa” nếu không sớm khắc phục thì Huế sẽ mất nhiều tài sản vô giá. Trong đó có nhiều ngôi chùa cổ và các công trình khác vừa bị hạ giải để trùng tu. Chính xác hơn, dù chánh điện được xây mới thì cũng chỉ là phiên bản của một công trình kiến trúc cổ chứ không còn là công trình kiến trúc cổ như Chánh điện chùa Từ Hiếu, Quốc Ân, vì đã bị triệt hạ hoàn toàn. Điều đó vô tình đánh mất phong vị, thần thái, hồn vía của công trình văn hóa dù chưa được công nhận là di tích cấp tỉnh, hoặc cấp quốc gia.

Noi dau van hoa tu chuyen ngoi chua co lich su gan 400 nam bi triet ha
Đối với giới nghiên cứu văn hóa, việc triệt giải như thế này chẳng khác gì xóa sổ một di tích.

“Nếu không có cơ chế hướng dẫn giám sát trong trùng tu những công trình sắp tới thì thật đáng buồn khi Huế đang dần mất đi những công trình kiến trúc tiêu biểu. Chùa Huế bao giờ cũng gắn bó mật thiết với cảnh quan vườn chùa. Vì vậy không phải cứ xây cho to, bề thế mà quên đi yếu tố cốt lõi chính là hồn vía của một công trình cũ xưa, ẩn chứa trong đó là cả trầm tích văn hóa Huế”, ông Hoa khuyến cáo.

Noi dau van hoa tu chuyen ngoi chua co lich su gan 400 nam bi triet ha
Trong vòng chưa được nửa năm, hai ngôi cổ tự của xứ Huế là Quốc Ân và Từ Hiếu đã được triệt giải để làm mới.

Phía nhà chùa cho rằng việc hạ giải, xây mới đã có bản vẽ và giấy phép của ngành xây dựng. Ông Lê Hữu Ngọc - Trưởng phòng Quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng, tỉnh Thừa Thiên - Huế - giải thích “Sở Xây dựng đã thẩm định hồ sơ và cấp phép xây dựng cho việc xây mới Chánh điện chùa Quốc Ân từ ngày 14/9/2016. Tuy nhiên qua 2 lần gia hạn (mỗi lần có hiệu lực 12 tháng), đến nay giấy phép xây dựng của Chánh điện chùa Quốc Ân đã hết hạn.

Nhà chùa chỉ mới tháo dỡ công trình cũ, chưa khởi công xây mới. Nếu thi công khi chưa làm lại giấy phép xây dựng mới như hiện nay thì phòng Quản lý đô thị TP. Huế có thể lập biên bản để xử lý hành chính”. 

Noi dau van hoa tu chuyen ngoi chua co lich su gan 400 nam bi triet ha
Bản vẽ công trình chánh điện mới của chùa Quốc Ân sẽ xây mới trên nền đất cũ

Về phía chùa Quốc Ân, Đại đức Thích Minh Chơn - giám tự nhà chùa - thông tin rằng: Chánh điện Quốc Ân cũ có 48 cột gỗ, trong đó có 8 cột làm trụ chính. Tuy nhiên, 7 cột đã hư hỏng khoảng 50% và 1 cột thì đã hỏng hoàn toàn. Các cấu kiện bằng gỗ khác cũng bị mục ruỗng, hư hại nghiêm trọng. Do đó phải xây mới. Khu chánh điện sẽ được xây mới với nền móng bê tông cốt thép và hệ khung gỗ theo kiểu nhà rường đặc trưng. Tổng mức đầu tư cho công trình khoảng 30 tỉ đồng. Hồ sơ bản vẽ thi công đã được Sở Xây dựng thẩm định và cấp phép. 

Noi dau van hoa tu chuyen ngoi chua co lich su gan 400 nam bi triet ha
Một cấu kiện trụ gỗ đã bị mối mọt ăn mòn

Vị giám tự này cũng lý giải, việc xây mới khu chánh điện là rất cấp thiết khi mùa mưa đang cận kề. “Hệ thống cấu kiện gỗ bị mối mọt ăn mòn, vách tường thì ẩm mốc và thấm nước, mái ngói bị thấm dột. Mùa mưa có khi phải dùng thau hứng nước mỗi buổi tụng kinh. Nhiều lần phật tử đang dâng hương lễ Phật thì bị bụi gỗ rơi trúng, rất nguy hiểm”, Đại đức Thích Minh Chơn bày tỏ.

Thuận Hóa 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI