Niềm thương lặng thầm của những người mẹ, người chị

10/09/2018 - 06:00

PNO - Dung dị, nhẹ nhàng, sâu sắc và khiến người đọc ít nhiều rơm rớm nước mắt, 'Cả một trời thương' của Trúc Thiên là cuốn sách đẹp về những người mẹ, người chị bước ra từ rơm rạ, bùn lầy.

Trúc Thiên là một cây bút mới, đúng hơn là mới trở lại với văn học sau thời gian “bôn ba” để làm hai, ba công việc khác và đứt đoạn với văn chương. Cho nên, phải gọi Trúc Thiên là “người cũ” trở về với địa hạt anh đã từng yêu và vẫn yêu.

Đừng hy vọng thời gian khiến người ta trở nên chín chắn, nhưng hãy tin rằng, trải nghiệm giúp người ta trưởng thành. Trúc Thiên trở lại lần này, may thay, hội tụ đủ hai điều đó bằng thứ văn phong giản dị, đặc chất Nam bộ, dù chỉ gắn bó với miền đất này qua lời kể của má, của chị và những chuyến đi.

Ấn tượng khi gặp Trúc Thiên lần đầu là vẻ ngoài sành điệu với mái tóc tém dài một bên, đeo hoa tai và ăn vận hợp thời trang. Đem người soi sách thì nghĩ hẳn là giới viết lách có thêm một cây bút thần tượng - viết những điều đèm đẹp, đậm chất ngôn tình. Càng thêm nghĩ vậy khi bìa cuốn sách thiết kế theo hướng này với cái tựa dễ liên tưởng đến bài hát “hit” của một nữ ca sĩ.

Niem thuong lang tham cua nhung nguoi me, nguoi chi
Tác giả Trúc Thiên

Thế nhưng, mở sách ra, đọc những dòng đầu thì vỡ lẽ, hóa ra, tất cả chỉ là lầm tưởng!

16 truyện ngắn trong Cả một trời thương đa phần xoay quanh những bà mẹ, những người chị ở quê hoặc sống ở phố mà lòng nặng trĩu niềm thương quê nhà sông nước với hàng dừa, con sông, mùa làm mắm… Và cho dù những người phụ nữ đó đều ít học, cả tin, chẳng biết gì ngoài cánh đồng và đàn con, một ông chồng lúc nào cũng ra rả “đàn bà thì biết gì” hay anh chồng suốt ngày rượu chè, chơi bơi lêu lổng, đàn đúm gái gú… tất cả họ đều thầm lặng vun xới cho gia đình, giúp đỡ người hoạn nạn bằng những hành động thiết thực nhất.

Cho dù số phận vùi dập, thách thức, họ vẫn điềm nhiên sống, bao dung như tấm lòng vốn có của đàn bà, không một lời trách giận người thương đã phụ rẫy, oán than số phận.

Niem thuong lang tham cua nhung nguoi me, nguoi chi
Bìa sách Cả một trời thương

Người ta nói nhiều đến đức hy sinh của phụ nữ, kêu gọi họ “vùng lên”, đừng “hy sinh” nữa mà hãy sống và nghĩ đến bản thân nhiều hơn. Những người phụ nữ trong cuốn sách này có lẽ không biết đến lời kêu gọi đó, dù đôi lúc cũng muốn “đứng dậy” như bà má trong Chuyện đàn bà. Tuy vậy, điều duy nhất họ biết và nâng niu như một giá trị suốt đời mang theo chính là tình thương.

Đã thương thì làm gì có cái gọi là trách nhiệm, tính toán để hy sinh nữa. Thương trở thành thứ tình cảm bản năng, tất yếu mà vẹn tròn cho nhau. Từ đó, làm đẹp cho cuộc sống này, khiến nó tuy không lấp lánh giữa nhịp sống mỗi lúc một nhanh, vẫn đủ sức níu tâm hồn người ta tĩnh lại trong giây phút.

Đâu đó, phảng phất trong Cả một trời thương là hình ảnh cậu trai nhà quê lên phố học, cố gắng chen chân vào phố để có một công việc, sống dè chừng ngay cả với những người vẫn gặp gỡ hằng ngày trong công việc hoặc làm cùng lúc nhiều việc để kiếm sống mà vẫn có thứ gì đó ở quê nặng mang nơi lồng ngực trái. Phải chăng đó chính là hình ảnh của chính tác giả trong những năm xa rời văn chương? Hay đó là lời nhắc nhẹ nhàng đến những tình cảm trong lành như nước mát sông quê?

Hoàng Linh Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI