Những thảm họa núp bóng sáng tạo: Gây chú ý bằng trang phục dị biệt sẽ tạo tác dụng ngược

25/04/2018 - 12:53

PNO - Hàng chục bộ cánh kỳ lạ được các “sao” Việt lẫn các “fashionista” chọn diện trên thảm đỏ VIFW 2018 khiến ai cũng phải lắc đầu ngán ngẩm. Trong lúc công chúng gọi đấy là thảm họa, họ tự tin tuyên bố đó mới là sáng tạo.

 Những thảm họa núp bóng sáng tạo

Hàng chục bộ cánh kỳ lạ được các “sao” Việt lẫn các “fashionista” chọn diện trên thảm đỏ của Tuần lễ Thời trang quốc tế Việt Nam (VIFW) 2018 khiến ai cũng phải lắc đầu ngán ngẩm. Trong lúc công chúng gọi đấy là thảm họa, họ tự tin tuyên bố đó mới là sáng tạo. Vậy hàm lượng sáng tạo trong những bộ trang phục không giống ai đó được bao nhiêu và đâu là giới hạn cho cái đang được gọi là sáng tạo ấy?

Bài 1Xốn mắt với thời trang

Bà Trang Lê - nhà tổ chức Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam 2018: “Gây chú ý bằng trang phục dị biệt sẽ tạo tác dụng ngược”

* Phóng viên: Bà nghĩ thế nào về những bộ trang phục bị khán giả cho là quái gở xuất hiện ở VIFW 2018?

Nhung tham hoa nup bong sang tao: Gay chu y bang trang phuc di biet se tao tac dung nguoc
 

- Bà Trang Lê: VIFW luôn đề cao tính sáng tạo và sự khác biệt. Với chúng tôi, thời trang không chỉ là những bộ sưu tập trên sàn diễn mà còn là cách ăn vận, phục sức của những người đến chung vui. Bao giờ cũng vậy, nếu bạn mặc ấn tượng và khác biệt, bạn sẽ thu hút được sự chú ý của người xung quanh. Tôi nghĩ, đấy cũng là điều đáng khuyến khích, vì đó là công sức của cả một tập thể từ stylist, thiết kế, trang điểm ở phía sau. Tuy nhiên, ranh giới giữa khác biệt và dị biệt rất mong manh. Nếu khác biệt mang tính tích cực, sáng tạo thì chúng tôi luôn cổ vũ, nhưng dị biệt bằng cách làm mọi thứ để gây chú ý là điều VIFW không hướng đến. Hình ảnh đó sẽ tạo ra tác dụng ngược.

* Nói như vậy thì việc mặc lố, phản cảm ảnh hưởng thế nào đến mắt nhìn của công chúng về thời trang và nỗ lực của rất nhiều người trong việc đưa thời trang đến gần công chúng?

- Những mùa trước, gần như VIFW không có những trường hợp như vậy. Là nhà tổ chức, tôi rất hoan nghênh mọi người đến với chương trình. Thế nhưng, tôi cũng muốn chia sẻ rằng, với uy tín ngày một tăng của VIFW, mỗi mùa tổ chức đều có sự tham gia của các phóng viên trong nước lẫn quốc tế, cũng như nhiều cơ quan ngoại giao, các tổ chức, hiệp hội thời trang từ các nước đổ về.

Những hình ảnh chưa đẹp đó là điều chúng tôi không mong muốn, bởi đó không chỉ là hình ảnh của một vài cá nhân mà còn là hình ảnh của Việt Nam, thời trang Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Những mùa sau, chắc chắn chúng tôi sẽ kiểm soát chuyện này chặt chẽ hơn. Những trường hợp ăn mặc lôm côm, không văn minh, chúng tôi sẽ kiên quyết không cho lên thảm đỏ.

Thời trang là dấu ấn của văn minh và hội nhập. VIFW đã và đang nỗ lực cho cơ hội kết nối thời trang Việt với thế giới, nên rất mong mọi người hãy nhìn vào đó mà ứng xử tích cực, không chỉ ở phần trang phục. Chẳng hạn như hôm diễn show mở màn, hàng loạt người nổi tiếng, được xếp những vị trí đẹp nhất, trang trọng nhất lại rần rần kéo nhau ra về, trong khi sau đó còn hai show diễn nữa. Đó là điều rất kinh khủng mà ở các show quốc tế không bao giờ có. 

Bà Liên Chi - Trưởng ban biên tập tạp chí Thời trang Elle Việt Nam: “Việc chọn trang phục tùy thuộc gout thẩm mỹ và mục đích của từng người”

Nhung tham hoa nup bong sang tao: Gay chu y bang trang phuc di biet se tao tac dung nguoc

* Phóng viên: Chị nghĩ thế nào về những trang phục “bất chấp” tại Tuần lễ Thời trang quốc tế xuân - hè 2018?

- Bà Liên Chi: Việc các bạn trẻ, các tín đồ thời trang chịu khó chọn trang phục và háo hức đến dự một sự kiện thời trang là dấu hiệu tốt. Nó cho thấy sức hút của sự kiện cũng như nhu cầu được thể hiện cá tính thời trang của giới trẻ. Tuy nhiên, việc cố tình chơi trội, hay chọn những trang phục được cho là quá lố lại phụ thuộc vào gout thẩm mỹ cá nhân và mục đích của riêng từng người. Có người đến chỉ để chiêm ngưỡng các bộ sưu tập của các nhà thiết kế, có người đến để được bước đi trên thảm đỏ, được chụp hình, để được xuất hiện trên truyền thông, bất kể là khen hay chê.

* Có vẻ nhiều bạn trẻ đang nhầm lẫn hoặc cố tình đánh đồng khái niệm khác biệt, độc đáo với câu chuyện bình đẳng giới, bảo thủ và áp đặt định kiến?

- Ngành thời trang ở Việt Nam còn khá non trẻ. Các bạn trẻ yêu thời trang trong nước chịu nhiều ảnh hưởng từ thần tượng của họ, hay những gì họ thấy tại các kinh đô thời trang thế giới. Nhiều khi họ chọn trang phục đó, hay cách xuất hiện đó đơn thuần chỉ để thu hút sự chú ý của những người xung quanh và ống kính mà thôi. Thời trang có sức mạnh mang đến những thông điệp về xã hội nếu người mặc thật sự hiểu và có chủ ý, nhưng tôi nghĩ, điều đó chưa xảy ra ở Việt Nam, ít nhất là đến thời điểm này.

* Theo chị, giới hạn nào thì có thể chấp nhận được giữa sáng tạo, khác biệt và dị biệt, phản cảm?

- Thời trang hay phong cách là sự thể hiện của cái tôi, của cá tính từng người thì không thể đưa ra một khuôn mẫu nhất định. Tuy nhiên, thước đo chung mà mỗi người có thể áp dụng là những câu hỏi như: trang phục đó có phù hợp với khung cảnh xung quanh không? Liệu trang phục này có thể xúc phạm đến ai đó hay văn hóa nơi chúng ta đang đến? Quan trọng hơn: trang phục này có thể hiện đúng cá tính và con người mình không?

* Gọi những trang phụ kỳ dị như thế là thời trang có phải là sự ngụy biện?

- Thế giới thời trang thường bị chi phối bởi xu hướng, thẩm mỹ, sở thích cá nhân, văn hóa, lịch sử... Chọn bộ trang phục nào để mặc, cách thiết kế, hay cách cảm nhận của người đối diện lại hoàn toàn mang tính chủ quan. Sẽ có người nói rằng, thời trang là nghệ thuật, là sáng tạo nên họ có thể “thử nghiệm” hay “đùa cợt”. Điều này xảy ra ở cả Việt Nam lẫn những nước có ngành thời trang phát triển hơn. Việc nó ảnh hưởng như thế nào đến mắt nhìn công chúng hay những nhà thiết kế, stylist… tôi nghĩ phụ thuộc vào sự tinh tế, nhạy cảm của giới truyền thông và những người có tầm ảnh hưởng đến số đông. Tôi nghĩ, công chúng luôn sáng suốt trước những trang phục chưa đẹp hoặc cố tình chơi trội.

Hoàng Linh Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI