Nhạc sĩ Thanh Bùi: ‘Thành phố sẽ thiếu chiều sâu nếu vắng nhạc cổ điển’

14/01/2019 - 19:00

PNO - Với sự phát triển của TP.HCM, nhạc sĩ – ca sĩ Thanh Bùi cho rằng nếu thiếu vắng hoặc nhìn nhận chưa đúng tầm quan trọng của nhạc cổ điển, bức tranh văn hóa của thành phố sẽ thiếu chiều sâu.

Sự ra mắt của Dàn nhạc giao hưởng Trẻ Sài Gòn - SPYO giữa thời điểm âm nhạc cổ điển tại Việt Nam chưa chuyển biến tích cực, là một khởi đầu đầy khó khăn. Bởi hiện nay, sân chơi dành cho nhạc cổ điển nói chung và dàn nhạc giao hưởng nói riêng vẫn rất ít. Chưa kể, theo PGS.TS Tạ Quang Đông - Giám đốc Nhạc viện TP.HCM- trước nay nghệ sĩ nhạc cổ điển không được đào tạo chuyên sâu về hòa tấu, chủ yếu là solo; chỉ trong 3 năm trở lại đây, giáo án mới có sự thay đổi.

SPYO ra đời với mong muốn đưa nhạc cổ điển đến gần hơn giới trẻ nhưng chính đơn vị phối hợp thực hiện dự án (gồm Nhạc viện TP.HCM, Dàn nhạc giao hưởng Sài Gòn và Amberstone Media) thừa nhận ngoài đam mê, nhóm cần sự chung tay để tồn tại và phát triển.

Báo Phụ Nữ TP.HCM đã có cuộc trao đổi với nhạc sĩ – ca sĩ Thanh Bùi, đại diện SPYO về vấn đề này.

Phóng viên: Với một thành phố vừa nhiều trầm tích vừa hiện đại như TP.HCM, tại sao nhạc cổ điển vẫn chỉ tồn tại trong cộng đồng nhỏ, thưa anh?

Thanh Bùi: Mọi việc đều phải xuất phát từ giáo dục, từ kinh tế song song với văn hoá. Khi cuộc sống còn khó khăn, người ta “chiến đấu” để cải thiện thì việc sống lý tưởng rất khó. Nhưng khi đã “no”, mọi người phải nghĩ đến mục tiêu cuộc sống của mình là gì, có phải chỉ là kinh tế hay mình cần tiếp cận những tinh hoa văn hóa khác. Tôi nghĩ đây là thời điểm đúng để bắt đầu mọi thứ.

Chúng ta đừng so sánh. Khi nghe mọi người so sánh TP.HCM với những thành phố khác, tôi thấy khó chịu vì chúng ta phải hiểu rằng nghệ thuật cổ điển tại Việt Nam còn quá mới trong khi ở nước ngoài đã tồn tại, phát triển mấy trăm năm. Làm sao có thể so sánh nền tảng nghệ thuật cổ điển – đương đại của ta với những cái nôi đã tạo ra nghệ thuật ta đang theo đuổi. Nên chăng, chúng ta chỉ nên làm, đừng vội so sánh cũng đừng nói nhiều.

Nhac si Thanh Bui: ‘Thanh pho se thieu chieu sau neu vang nhac co dien’
Dàn nhạc giao hưởng Trẻ Sài Gòn được thành lập với mục tiêu trẻ hoá âm nhạc giao hưởng, đưa thể loại âm nhạc vốn "kén tai" đến gần hơn với khán giả.

* Trong câu chuyện phát triển dự án cộng đồng, nhiều nhóm nhạc giao hưởng được thành lập nhưng chỉ tồn tại thời gian ngắn, có phải không có nguồn vốn nên họ không thể tiếp tục?

- Trong câu chuyện này rất cần sự góp mặt của doanh nhân, doanh nghiệp. Khi tôi nói chuyện với những người trẻ, các bạn đam mê lắm nhưng không có điều kiện thực hiện. Các bạn không yêu cầu điều gì, chỉ ước được như giới trẻ ở nước ngoài, có môi trường tốt để thực hiện đam mê mà không phải chạy show ở đám cưới này, khách sạn nọ vì đồng tiền. Ở một số quốc gia, khi được tham gia vào dàn nhạc cổ điển của nhà hát, họ sẽ có nguồn thu ổn định, thoải mái ngồi chơi đàn mà không phải lo hôm nay ăn gì.

Tôi cần sự ủng hộ của các doanh nghiệp, mong họ thấy được khi khách hàng mua sản phẩm của họ, thì họ phải đưa lại một giá trị nào đó cho cộng đồng. Tôi tin vào việc khi chúng ta có những sản phẩm chất lượng thì doanh nghiệp sẽ sẵn sàng hỗ trợ.

* Tạo niềm tin với doanh nghiệp không dễ vì đầu tư cho nghệ thuật không phải một sớm một chiều là có thể nhìn thấy được những giá trị mang lại... 

- Khi chuyện mua hàng hiệu không còn quan trọng vì ai cũng có thể mua được thì sự khác biệt đẳng cấp giữa con người nằm ở văn hóa. Những người bạn của tôi, tạm gọi là giới thượng lưu, người nào không thường thưởng thức âm nhạc nghệ thuật thì tâm hồn, đẳng cấp của họ rất khác.

Chắc chắn tôi sẽ làm nhiều hơn, sẽ kinh tế hóa nó. Tôi sẽ tìm cách để món ăn tinh thần này khiến những người trẻ muốn mua vé đến xem. Họ sẽ cảm thấy bản thân đẳng cấp hơn, trí tuệ hơn, thấy mình là người biết thưởng thức. Tôi sẽ chia nhỏ hoạt động, những sân khấu cho trẻ khiếm thị hoặc bệnh viện là nơi âm nhạc cần được vang lên. Khi xã hội nhìn thấy SPYO đóng góp được cho cộng đồng thì họ sẽ ủng hộ. Tôi sẽ đem uy tín của mình xây dựng niềm tin cho doanh nghiệp.

Nhac si Thanh Bui: ‘Thanh pho se thieu chieu sau neu vang nhac co dien’
Nhạc sĩ Thanh Bùi và Nguyễn Bảo Anh - Giám đốc nghệ thuật của SPYO.

Người Việt có khả năng hấp thu nghệ thuật và cái đẹp, yêu âm nhạc, hội họa và thơ ca nên tôi tự hỏi, vì sao không giới thiệu âm nhạc cổ điển – một trong những di sản lớn nhất của nhân loại đến công chúng? Nếu chúng ta có nhiều buổi giới thiệu thì việc lan tỏa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với người dân là điều có thể thực hiện.

Sài Gòn là thành phố lớn nhất cả nước nhưng trong quá khứ lẫn hiện tại, chúng ta thiếu trầm trọng đội ngũ nghệ sĩ chuyên nghiệp, có khả năng thực thụ. Việc đào tạo nghệ sĩ phải trải qua thời gian dài nên để phát triển, phải đầu tư hơn vào những cái nôi âm nhạc như Nhạc viện TP.HCM hay Soul.

Nghệ sĩ Nguyễn Bảo Anh - Giám đốc nghệ thuật của SPYO

* Nhưng mọi người vẫn thường nói nếu làm nghệ thuật mà quan tâm quá đến đồng tiền thì không còn là nghệ thuật nữa?

- Tôi thấy không đúng. Mọi việc đều phải thực tế. Những gì tôi đang làm, không ai nói không phải là nghệ thuật bởi vì, tôi tìm được sự cân bằng giữa kinh tế và nghệ thuật. Tôi sẽ cố gắng hoà nhập hai thế giới đó để vừa không thấy kinh tế quá, cũng vừa đủ để nhận ra nghệ thuật là thực tế, không quá bay bổng, mơ mộng.

Có một số người làm nghệ thuật cho rằng những nhà kinh doanh chỉ làm vì đồng tiền, khô cứng cảm xúc nhưng để xây dựng bất cứ một dự án nào cũng cần động lực rất lớn về kinh tế.

* Để những nghệ sĩ quốc tế như Rodrigo Puskás về Việt Nam, quá trình mời gọi diễn ra như thế nào khi kinh tế không phải là mấu chốt?

- Sự kiện SPYO ra mắt bất ngờ với mọi người nhưng là khoảng thời gian dài để tôi suy nghĩ cách mời Rodrigo Puskás – nghệ sĩ violon gốc Hungary sang Việt Nam. Họ về đây gần như miễn phí, như những người bạn nên quan trọng là cách ta thuyết phục. Có thể Rodrigo nhìn thấy bức tranh lớn hơn bởi vì là nghệ sĩ lớn- một trong những người nổi tiếng nhất ở đất nước họ, từng biểu diễn ở hơn 20 quốc gia, tại sao lại đến một nhà hát nhỏ, tại quốc gia mà âm nhạc cổ điển chưa được nhìn nhận đúng? 

Tôi chỉ nói bằng trái tim vì mình không có gì để thuyết phục họ. Động lực về kinh tế hầu như không có, nhà hát của ta có hơn 400 ghế nhưng phải thúc đẩy cực kỳ nhiều để thu hút khán giả đến xem. Thấy một đất nước với những con người nhiệt thành nhưng vẫn gặp khó trong việc đưa nhạc cổ điển gần hơn với người dân, họ nói sẽ đồng hành.

Nhac si Thanh Bui: ‘Thanh pho se thieu chieu sau neu vang nhac co dien’
Rodrigo Puskás – nghệ sĩ violon gốc Hungary biểu diễn tại Việt Nam.

Khi bắt đầu thực hiện các dự án âm nhạc, anh từng nói mọi người đều ngăn cản và rất khó để thực hiện. Bây giờ thì sao?                                 

- Vẫn rất khó. Tôi phải xây dựng được cộng đồng chịu bỏ tiền để thưởng thức nghệ thuật cổ điển trong một xã hội còn xa lạ với điều đó. Cái tôi cần là thời gian. Một bạn trẻ có thể bỏ ra 80 ngàn đồng để uống ly trà sữa nhưng với cái vé 200 ngàn để xem chương trình nhạc cổ điển, họ không sẵn sàng. 

Khi mới mở Soul, hình như với mọi hoạt động tôi làm ở Việt Nam, ai cũng nói đừng làm. Tôi từng nói là “điếc không sợ súng” nên cứ làm, kết quả sẽ đến sau.

* Sự đón nhận của khán giả trẻ với các dự án âm nhạc cộng đồng có sự thay đổi như thế nào, thưa anh?

- Sự đón nhận tốt hơn rất nhiều. Thế giới đang phát triển từng ngày và người trẻ được học, được tiếp cận văn hoá các nước. Họ nhìn thấy sự chênh lệch trong văn hoá, nhận thức so với các quốc gia khác nên bắt đầu có những đòi hỏi trong thưởng thức nghệ thuật.

Tôi nhớ buổi biểu diễn đầu của Ngọt, của Cá Hồi Hoang, không ai nghĩ đêm nhạc sẽ bán vé được. Chính tôi đã nói rằng nếu không ai mua vé, tôi sẽ bỏ tiền mua để mọi người đi xem. Trong đêm nhạc, khi đứng trên sân khấu nhìn xuống phía dưới thấy chật kín khán giả, tôi chảy nước mắt. Tôi khẳng định, chương trình chất lượng thì khán giả sẽ đón nhận. Âm nhạc của Cá Hồi Hoang, của các bạn indie rất hay và rất cần sân khấu để họ thể hiện mình.

Nhac si Thanh Bui: ‘Thanh pho se thieu chieu sau neu vang nhac co dien’
Đêm diễn của Cá Hồi Hoang tại TP.HCM vừa qua chật kín khán giả

* Vậy đây là cách để đưa nhạc cổ điển tiếp cận dễ dàng hơn với người dân thành phố, đặc biệt là người trẻ?

- Tôi mong muốn nhạc cổ điển được tiếp cận với khán giả nhiều hơn nhưng phải có cách, chúng ta không thể bắt khán giả nghe những đêm nhạc “đậm đặc” học thuật của Mozart. Nếu muốn tiếp cận với người trẻ, tôi phải biến âm nhạc cổ điển trở nên nhẹ hơn và dần dần khi họ đã quen, tôi sẽ tăng thêm độ cổ điển.

Tôi từng chứng kiến nhiều người trong nghề tranh luận với nhau nhạc cổ điển phải thế này, thế kia mới đúng nhưng họ không hiểu, nếu giữ thái độ cứng nhắc khi làm nghệ thuật thì ngày càng xa rời khán giả mà thôi. Tại sao mình không lùi một bước?

Không cần khẳng định nhạc cổ điển của tôi như thế này mới đẳng cấp mà phải tập cho khán giả quen với hơi thở nhạc cổ điển. Chúng ta không thể trách khán giả, đặc biệt là người trẻ. Nhạc cổ điển quá nặng nề, trong lần tiếp xúc đầu khó ai hiểu được. Chính tôi từng bị bố mẹ bắt ép nghe nhạc cổ điển và tôi cực kỳ ghét. Tôi không muốn điều đó với thế hệ trẻ, với con cái của mình.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ.

Âm nhạc cổ điển tại Việt Nam chưa được đặt ở vị trí tương xứng, điều đó khiến chúng tôi lo lắng. Chúng tôi thấy mình cần phải làm điều gì đó để âm nhạc cổ điển đi sâu hơn vào đời sống và quan trọng phải đào tạo được thế hệ trẻ.

Số lượng thành viên tham gia SPYO phụ thuộc vào quy mô chương trình nhưng chúng tôi sẽ cố gắng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Các thành viên đều được tuyển chọn theo những tiêu chí riêng, quan trọng là khả năng và mong muốn được cọ xát, cống hiến.

Nhac si Thanh Bui: ‘Thanh pho se thieu chieu sau neu vang nhac co dien’
 

PGS.TS Tạ Quang Đông - Giám đốc Nhạc viện TP.HCM

Diễm Mi (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI