Nhạc sĩ Phú Quang: 'Lấy thơ người khác mà không xin phép là không sòng phẳng'

07/01/2019 - 00:35

PNO - Phú Quang - nhạc sĩ có nhiều tác phẩm phổ nhạc từ thơ - chia sẻ quan điểm về việc nhạc sĩ 'lấy' hoặc mượn ý thơ người khác vào ca khúc mà không xin phép, không để thông tin rõ ràng.

Phóng viên: Với những sáng tác được phổ từ thơ, vai trò của các nhà thơ như thế nào, thưa ông?

 Bài 1: Châu Đăng Khoa: Hết ồn ào 'đạo nhạc' lại đến 'đạo thơ'

- Nhạc sĩ Phú Quang: Các nhà thơ có công lớn - gợi ý cho nhạc sĩ sáng tác. Có những ca khúc tôi chỉ lấy 8 chữ, thậm chí 4 chữ, nhưng tôi vẫn để tên của họ rõ ràng; bởi nếu không có 4 chữ hay 8 chữ ấy, mình không có ý tưởng viết ra bài hát đâu. Chẳng hạn như ca khúc Hà Nội ngày trở về, dù chỉ lấy 8 chữ “vội vã trở về, vội vã ra đi” và lấy ý đôi chỗ khác trong bài thơ của nhà thơ Doãn Thanh Tùng, tôi vẫn rất trân trọng. Nếu không có những chữ đó, tôi không thể nào viết ra được một ca khúc đi qua được nhiều năm tháng như vậy.

Thời nhà thơ Doãn Thanh Tùng còn sống, tôi nói với ông rằng, rất cảm ơn anh đã gợi ý cho em một bài hát hay. Em không trả tác quyền qua trung tâm, mà xin cảm ơn anh 30 triệu đồng. Ông hỏi, sao có 8 chữ mà trả nhiều thế; tôi nói, chuyện này không thể tính bằng tiền được; đời này, biết như thế nào là nhiều, thế nào là ít hở anh. Nếu không có 8 chữ của anh thì em cũng không viết được ca khúc Hà Nội ngày trở về đâu”. Sau này, ca khúc nổi tiếng, được nhiều người nhắc đến, tôi rất vui.

Nhac si Phu Quang: 'Lay tho nguoi khac ma khong xin phep la khong song phang'
Nhạc sĩ Phú Quang

* Ông đã bao giờ phổ nhạc từ thơ của một tác giả vô danh “trôi nổi” nào đó chưa?

- Có chứ, thậm chí là nhiều. Có người, khi tôi phổ nhạc rồi, họ mới được nhiều người biết đến. Tôi không quan trọng tác giả đó vô danh hay hữu danh, mà chỉ có hay hoặc dở thôi. Nếu tôi thấy hay, thấy thích, tôi vẫn phổ như thường và đề tên họ đàng hoàng, trang trọng ở phần thông tin ca khúc. Có những người nghe nhạc xong bảo chẳng biết nhà thơ đó là ai; tôi nhắn nhủ: chưa biết thì giờ biết.

* Ngày xưa, để tìm nguồn gốc của một bài thơ không dễ như bây giờ. Có trường hợp nào ông rất thích thơ, muốn phổ nhạc nhưng “bất lực” trong chuyện liên lạc với tác giả bài thơ không?

- Muốn biết thì sẽ ra mà. Nếu hỏi người này không biết thì sẽ có người khác biết. Vấn đề mình có chịu khó tìm hiểu hay không mà thôi. Thường khi biết, tôi liên hệ ngay, hỏi han họ về nguồn gốc, về cảm xúc của họ khi viết tác phẩm đó như thế nào. Có những ca khúc như Đâu phải bởi mùa thu, dù viết nhạc xong mấy năm, khi tìm thấy và nhận được cái gật đầu của nhà thơ Giáng Vân, tôi mới công bố rộng rãi.

Nhac si Phu Quang: 'Lay tho nguoi khac ma khong xin phep la khong song phang'
Nhạc sĩ Châu Đăng Khoa trở thành tâm điểm đầu năm khi bị tố sử dụng thơ của người khác vào sáng tác của mình mà không xin phép trước.

* Ông quan niệm thế nào về việc lấy mà không xin phép, lại không để thông tin rõ ràng?

- Nhà thơ nghèo. Cơm họ ăn là “cơm chim”, ít lắm. Khoan bàn tới chuyện chuyên nghiệp, ở khía cạnh nhân văn, việc lấy sáng tạo, chất xám của họ làm của mình là tàn nhẫn, là ứng xử thiếu văn minh. Tôi nghĩ, đó là bổn phận con người. Nhà thơ họ cũng rút ruột rút gan, cũng làm công việc sáng tạo như mình. Hơn ai hết, mình phải hiểu, trân trọng công sức lao động của họ. “Cướp” cái tên của họ đi, theo tôi là không sòng phẳng. Nhiều người có tên tuổi, lấy thơ người khác nhưng không hề nói là mình lấy. Họ coi thường người khác quá. Suốt mấy chục năm làm nhạc, tôi nhận ra, khi mình trân trọng các nhà thơ, họ cũng rất trân trọng mình, khán giả cũng trân trọng mình.

Thực ra, tiếng Việt biến báo dễ lắm, nhất là với những người học văn như tôi. Nếu đổi hoặc chế đi một chút, sẽ không ai nói Phú Quang “ăn cắp” thơ cả. Nhưng hơn ai hết, tôi phải biết rõ chính tôi được “gợi ý” từ ai, từ đâu chứ. Đó là điều mà anh không thể nào phủ nhận được chính anh cả. Nhiều nhà thơ quý tôi là vì vậy.

* Xin cảm ơn ông.

Du Nguyên (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI