Nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam: 'Điều duy nhất tôi quan tâm là tác phẩm'

22/08/2019 - 17:46

PNO - Không chỉ đồng hành cùng nhiều ca sĩ nổi tiếng của Việt Nam sản xuất các album nhạc Jazz, Nguyễn Công Phương Nam còn là một cái tên thú vị trong lĩnh vực nhạc phim.

Làm nhiều, ít xuất hiện và cũng ít chia sẻ nhưng Nguyễn Công Phương Nam (Vincent Nguyễn) là cái tên luôn được giới chuyên môn nể trọng vì tài năng. Người ta biết đến anh khi những album chất lượng của nhạc Việt lần lượt xuất hiện: Li ti của Tùng Dương, Dạ khúc dương cầm của Lê Hiếu, The Un-Make up của Đoan Trang, Requiem của Đức Tuấn... và đặc biệt là vở nhạc kịch Chuyện tình nàng Giáng Hương

Tuy nhiên, một điều ít người biết, Nguyễn Công Phương Nam từ lâu đã dành sự quan tâm nhất định cho nhạc phim. Năm 2006, anh hoàn thành nhạc phim cho bộ phim truyền hình 4 tập của Đức “Die grossen Schlachten” (The bloody Battles), trình chiếu trên 7 kênh truyền hình Đức và Pháp. Từ 2007-2011, anh chuyên sáng tác nhạc cho các chương trình phim trên nhiều kênh truyền hình ở Đức, Thụy Sĩ, Áo, Pháp. Năm 2010, anh nhận bằng thạc sĩ chuyên ngành nhạc phim (Master of Art for Filmscoring) tại Musicube Academy International (Bonn- Germany).

Cha ma là bộ phim điện ảnh thứ 2 của Việt Nam mà Nguyễn Công Phương Nam đảm trách phần nhạc, sau Cho em gần anh thêm chút nữa.

“Ai tâm huyết là tôi… nhào vô liền”

Nhac si Nguyen Cong Phuong Nam: 'Dieu duy nhat toi quan tam la tac pham'
Nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam

Phóng viên: Đạo diễn Việt Linh từng chia sẻ, với những vở diễn ở sân khấu của chị, anh chỉ nhận thù lao tượng trưng…

Nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam: Chị Linh rất nghiêm túc và tâm huyết trong công việc, hướng ê-kíp đến giá trị rất cao. Chị là người đi trước, tôi với tư thế là người em về hợp tác nên cảm thấy đó là bổn phận chứ không phải thích mới làm. Như vở , khi ấy tôi rất bận rộn, nhưng thấy chị như vậy, tôi vẫn xắn tay vào và tìm cách giải quyết.

* Điều gì khiến anh nhận lời những dự án này dù thời gian hạn hẹp mà tiền công cũng chẳng nhiều nhặn gì, ngoài sự yêu mến những người thực hiện?

- Để người Việt Nam mình có những tác phẩm hay, chứ không chỉ có những tác phẩm giả hiệu. Tôi không chấp nhận điều đấy. Thấy ai tâm huyết, muốn làm cho hay thì tôi dám “nhào vô” liền.

* Làm nhạc cho phim và làm nhạc sân khấu, có gì khác biệt?

- Sân khấu là một thể nghiệm nhỏ, khán giả nhìn từ xa và không có cận cảnh nhìn thấy ánh mắt diễn viên. Nhạc không được to hơn cảnh. Còn phim là công nghệ, đòi hỏi xử lý rất nhiều hiệu ứng đặc biệt. Đôi khi có những cảnh quay từ trên không xuống, lúc ấy nhạc không được quá nhỏ hơn cảnh. Nhạc phải đi chung, phải phản ứng hoàn toàn khớp với cảnh và diễn xuất của diễn viên để tôn cảm xúc, giá trị câu chuyện và đóng khung khớp trong từng đó thời gian. Trong khi đó, kịch là diễn live, tùy cảm xúc của diễn viên, hôm nay có thể thoại dài hơn một chút, chậm hơn… Mình không tính được điểm rơi của nhạc.

Một đoạn nhạc phim Cha Ma do Vincent Nguyễn thực hiện trong trailer:

 

“Mọi thứ với tôi đang ổn”

* Những người làm nhạc phim trên thị trường quốc tế có được sự trọng vọng nhất định, còn mảng nhạc phim ở Việt Nam vẫn còn khá mới. Với một tên tuổi như anh, chọn làm nhạc phim, anh nghĩ gì?

- Tôi chưa bao giờ quan trọng tên tuổi mình là gì khi nhận lời làm dự án. Điều duy nhất tôi quan tâm: tác phẩm cuối cùng là gì? Có ổn hay không mà thôi.

Thật ra, ngay cả với nhạc sĩ làm nhạc phim ở nước ngoài, khán giả phần đông cũng chỉ quan tâm đến việc họ xem phim giải trí như thế nào, hết phim thì đi về mà thôi. Chỉ có giới chuyên môn mới quan tâm ai làm nhạc phim để thực hiện những dự án tiếp theo. Đó là số phận của những người làm nhạc phim. Họ không bao giờ nổi tiếng khủng như những người viết “hit” như Elton John…

* Nhưng cũng có những cái tên rất nổi tiếng đấy thôi, Hans Zimmer chẳng hạn?

- Zimmer là trường hợp thành công một phần nhờ khâu quảng bá rất tốt, anh ta còn đào tạo thế hệ nhạc phim sau này, tạo thành xu hướng để mọi người đi theo nên được cả giới chuyên môn lẫn người không chuyên biết đến. Trong khi đó, những người làm nhạc phim giỏi hơn Zimmer rất nhiều, đoạt nhiều giải Oscar, được ngành công nghệ nhạc phim thừa nhận, thậm chí mời họ viết những cuốn giáo khoa để dạy cho trường học nhưng khán giả không biết.

Cho nên, tôi nghĩ rằng, nếu ai quyết định dấn thân vào nhạc phim thì hãy quên việc mình nổi tiếng và được biết đến thế này thế kia.

* Như vậy có bất công với người làm nhạc phim không?

- Nó chỉ bất công khi nào ngành công nghiệp phim ảnh trả thù lao ít. Một điều tương đối là 16 - 20% chi phí là dành cho nhạc, trong đó có phí sản xuất. Khi phim phát hành thì người viết nhạc còn nhận được tiền bản quyền trong mỗi lần phát sóng độc lập. Điều đó bảo đảm cho cuộc sống của người viết nhạc phim mà tại Việt Nam chưa có. Đó là bất công lớn nhất thôi chứ không phải tiếng tăm. (cười lớn)

Thực ra, điều cơ bản nhất con người ta cần là đừng khó khăn trong kinh tế và được làm cái họ thích thì sẽ hạnh phúc. Tiếng tăm hay tất cả những thứ đó cũng chỉ để phục vụ điều này thôi mà.

Nhac si Nguyen Cong Phuong Nam: 'Dieu duy nhat toi quan tam la tac pham'
Nguyễn Công Phương Nam chơi nhạc cùng bạn bè

* Cách đây độ 7 - 8 năm anh có chia sẻ, kinh tế là vấn đề khiến anh suy nghĩ nhiều, giờ thì sao?

- Kinh tế là thứ bạn luôn suy nghĩ vì tâm lý con người khi được cái này sẽ muốn có thêm những thứ khác. Chưa có xe hơi thì chỉ mong có xe, có xe rồi thì bắt đầu chọn hiệu này hiệu kia. Với một gia đình có những đứa nhỏ đi học, hoặc muốn đầu tư công nghệ cho phòng thu cao hơn để phát triển nghề nghiệp tốt hơn, những khoản chi là những con số mà tôi luôn phải suy nghĩ.

* Mấy lúc như vậy, anh có cảm thấy gia đình trở thành gánh nặng với sự nghiệp?

- Có những khoảnh khắc tôi thấy cần những khoảng không riêng để tính lại chuyện của mình. Mà việc có khoảng không riêng để nhào nặn tác phẩm với người làm nghệ thuật là vô cùng cần kíp. Khi có gia đình với những đứa trẻ còn bé thì nó thực sự rất eo hẹp. Và mình thì phải luôn theo sát con, đặt tụi nó lên hàng đầu, rõ ràng đó là một sự áp lực.

Đây không phải là một sự đổ lỗi, bởi với một người có gia đình và có những đứa con khỏe mạnh, xinh đẹp thì đó là hạnh phúc mà không tiền bạc, châu báu gì có thể trả được. Cái khó ở đây là làm sao để mình có thể cân bằng, vừa làm được công việc của mình vừa có gia đình, ở bên cạnh các con. Cái khó này mọi người phải tự tìm cách giải quyết thôi, không ai giống ai hết. Và nó còn phụ thuộc vào người bạn đời của mình nữa.

* Cách cân bằng của anh là…

- Ngủ ít đi, làm việc đêm nhiều hơn (cười lớn).

Nhac si Nguyen Cong Phuong Nam: 'Dieu duy nhat toi quan tam la tac pham'
Một cảnh trong phim Cha Ma do Nguyễn Công Phương Nam đảm nhận phần nhạc

“Cứ đi theo niềm vui”

* Trở lại câu chuyện nhạc phim, nhiều bài hát đã bứt ra khỏi phim để trở thành ca khúc độc lập nổi tiếng. Và người làm nhạc nào cũng mong điều đó. Hẳn anh cũng không ngoại lệ?

- Tất nhiên với một người làm việc nghệ thuật, thành công được mọi người để ý tới thì rất tốt cho những dự án sau, điều kiện tốt hơn cho ê-kíp làm việc. Ai cũng mong muốn có bài hit, nhưng đó là một hiện tượng rất khó giải thích mà không phải cứ giỏi chuyên môn là làm được. Cho nên, hãy làm những cái tốt nhất cho dự án trước cái đã, những thứ còn lại mình sẽ cố gắng hướng đến cái gì đó phổ quát, song nếu lấy đó làm quy chuẩn để hy sinh những thứ khác thì đó là một cách suy nghĩ sai.

* Những dự án của anh từ trước đến nay, từ kết hợp với các giọng ca như Tùng Dương, Đoan Trang cho ra các album Jazz cho đến làm nhạc cho phim truyền hình, phim điện ảnh thường ngẫu nhiên, đúng vậy không?

- Đúng, tôi chưa bao giờ có kế hoạch gì về Việt Nam để nổi tiếng hay để khẳng định gì hết. Tôi chỉ cảm thấy được về nhà. Mà nếu về chơi không thì chán, thành ra vừa chơi vừa làm vui hơn. Đến ngày hôm nay vẫn vậy. Nhiều người bảo tôi "phổi bò", không khôn khéo khi làm việc ở Việt Nam, chắc họ nói đúng đó.

Có lẽ một phần do tôi chưa đủ duyên gặp được một ê-kíp nghiêm chỉnh để xây dựng những kế hoạch như vậy. Đó không phải là chuyện muốn là được, vì cần sự sắp xếp về thời gian, chi phí, lên kế hoạch phát triển.

Cần phải tỉnh táo rằng, Việt Nam đã sống được bằng tiền bản quyền hay chưa? Đầu tư để được cái gì? Tôi nghĩ nó cũng giống như việc tìm vợ tìm chồng vậy. Nếu chưa tìm được đối tác phù hợp thì cứ đi theo niềm vui của mình, việc gì phải cố gắng bằng mọi giá để thế này, thế kia? Còn nếu tìm được một tập thể hợp tác và tu chí đồng hành cùng thì tôi sẽ rất biết ơn họ.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ.

Hoàng Linh Lan (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI