Nhà văn Di Li và những "tuyên ngôn" ngược

29/09/2015 - 16:03

PNO - Đàn ông sẽ trở thành...đàn bà nếu trả thù người phụ nữ đối xử với anh ta không tốt. Là một trong những "tuyên ngôn" khá lạ của nhà văn Di Li.

Nha van Di Li va nhung

PV: Chị được biết đến như một “nhà hoạt động vì nữ quyền”?

Nhà văn Di Li: Tôi không tuyên bố mà nhiều người nói vui như thế. Tôi cảm thấy các ông chồng rất ngán ngẩm nếu để vợ tiếp xúc với tôi, bởi họ lo lắng, trong cuộc trò chuyện tôi sẽ hô hào về “nữ quyền”: khi anh không thể làm người phụ nữ của mình cảm thấy vui, thì anh có một phần lỗi; khi người phụ nữ có cảm giác thiếu được tôn trọng trong ngôi nhà của mình, tức là cô ấy bất hạnh…

* Trong tản văn Đàn bà bao giờ cũng đúng, chị nói đàn ông không được trả thù, nếu không, anh sẽ thành “đồ đàn bà”. Điều này có là sự quy chụp?

- Sự tức giận của đàn ông và phụ nữ luôn thể hiện khác nhau. Đàn ông có thể đấm tay vào tường đến chảy máu chứ không được thượng cẳng chân hạ cẳng tay với phụ nữ, bất kể trường hợp nào.

Giới mày râu nghĩ thế nào khi có người đàn ông bị phụ nữ lừa lấy quà không trả lại mà phàn nàn, nói xấu? Hay người đàn ông kể khổ lúc vợ chồng cơm không lành canh chẳng ngọt?

Ngay cả nếu cô nàng kia tệ thật, thì lỗi vẫn ở anh ta, thiếu minh mẫn mới đâm quàng vào cô ả. Hoặc lấy nhau rồi, anh là đàn ông, không thể đàm phán được để cho vợ thâu tóm, “chơi xấu”; anh bất lực rồi đi rêu rao, ấy là lỗi của anh.

* Là người thích xê dịch, khám phá nhiều nơi, đi đến nhiều quốc gia, cuộc sống của chị thật thú vị. Chị từng nói rằng, đi để thấy mình không vô nghĩa. Nhưng, không phải ai cũng có điều kiện như chị?

- Tôi chỉ nói ở khía cạnh cá nhân, đó là đam mê của tôi, để cuộc sống ý nghĩa hơn. Tôi nhớ năm 2010 có một khóa học hàm thụ ở Philippines, đoàn Việt Nam có tôi và chị Quả. Chị Quả sống ở Huế. Mới đầu chị làm tôi ngạc nhiên, bảo không muốn đi vì rất ngại, nhưng chồng con khuyến khích đi cho biết đó biết đây.

Suốt những ngày ở Manila, thấy tôi cứ hăm hở bắt taxi tự đi chơi chị kinh ngạc lắm, bảo tôi lập dị. Tôi cũng cố nén lòng để không thốt lên rằng chị mới là... khác người, lần đầu tiên sang đây mà ru rú trong phòng, thậm chí không biết cảnh hoàng hôn tuyệt diệu của vịnh Manila ra sao.

Nhưng sau tôi hiểu, khi chị nói rằng chị yêu Huế tĩnh lặng, không quen khi rời xa Huế. Theo tôi đó cũng là hạnh phúc! Hạnh phúc là khi mình hài lòng với cuộc sống của mình; ai đi Đông đi Tây, gặt hái được thành công gì thì kệ họ, chẳng bao giờ mình đánh đổi một phần cuộc sống để chỉ thử sống một ngày như họ.

Nhưng nếu lúc nào bạn cũng cảm thấy người ta sướng hơn mình, ấy là lúc bạn nên thay đổi. Có nhiều cách để thay đổi. Khẩu hiệu của tôi: “không gì là không thể”, chỉ là bạn có thực sự muốn và có ước mơ cháy bỏng hay không thôi.

Có thể bạn nhờ người khác giúp đỡ, đó là một nửa yêu thương của bạn. Nếu anh ta bất hợp tác, đó mới chính là bất hạnh cho bạn. Lúc đó, một chuyến đi như tôi phỏng có ích gì, bởi cuộc đời đáng sống, không phải từ những chuyến đi hay gì khác, mà là ở sự chia sẻ của người đồng hành.

* Lại có những phụ nữ quan niệm “gái có công, chồng không phụ”. Chị nói gì với những người đàn bà thích vun vén, hy sinh cho gia đình, chồng con?

- Tôi chứng kiến nhiều trường hợp hy sinh của phụ nữ, nhưng kết quả lại không như mong đợi. Tôi làm trắc nghiệm này với rất nhiều đối tượng, không mày râu nào đưa đặc tính hy sinh vào danh mục những vẻ đẹp ở một người phụ nữ, nếu có, thì là ở cuối bảng xếp hạng.

Tôi nghĩ một người đàn ông tử tế không bao giờ đặt phẩm chất hy sinh của phụ nữ lên đầu, chẳng ai mong có một người đàn bà hy sinh cho mình hết ngày nọ tháng kia để rồi phải mang ơn, mắc nợ nghĩa tình.

Đôi bên cùng chia sẻ với nhau. Còn nếu một bên cứ hy sinh mãi, một đằng thụ hưởng mà không áy náy, điềm nhiên nhận nó thì tôi nghĩ khái niệm biết ơn và yêu thương chẳng thể tồn tại trong những người đàn ông như vậy.

Nếu cô vợ hàng ngày vẫn nấu ăn cho anh ta, thì anh ta nên trông con một tuần để khuyến khích vợ nghỉ mát với bạn bè, xả stress; hoặc thậm chí bỏ công việc, tiền bạc đang đà gặt hái để đưa vợ đi du lịch, ở nhà chăm vợ ốm...

Còn nếu anh ta chẳng có động thái gì, thậm chí cấm tiệt vợ đi chơi, thì sự hy sinh ấy liệu có được ghi nhận. Tình yêu chân chính, phải là đôi bên luôn đồng hành, “mắc nợ” lẫn nhau.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI