Nhà thơ Hoàng Thoại Châu: Vẫn còn nghĩa tình giếng nước, cây đa...

04/11/2019 - 16:47

PNO - Nhà thơ Hoàng Thoại Châu là một “ca” đặc biệt của nền thơ Việt Nam hiện đại. Đã từng được chính quyền Sài Gòn vinh danh về thơ, nhưng cũng từ thơ, anh lại… ngồi tù Côn Đảo.

Mà chuyện ra đời tập thơ Tình biển nghĩa sông cũng éo le và gay cấn như đùa như bỡn như giỡn như chơi. Rằng, năm 1969 khi mới chân ướt chân ráo vào Sài Gòn - nhằm tránh các cuộc bắt bớ vì đã tham gia phong trào đấu tranh đòi hòa bình, thống nhất tại Quảng Nam, Hoàng Thoại Châu xin giấy phép xuất bản tập thơ Áo trắng ngày xưa. 

Sau đó, anh quyết định in tiếp tập thơ Tình biển nghĩa sông, nhưng không lọt qua khâu kiểm duyệt. Không chịu thua, anh bèn lấy giấy phép của tập thơ đã in, thêm chữ “bis” và cho ấn hành. Nếu chỉ dừng ở đây thì không có gì để kể. Điều đáng kinh ngạc là vào năm 1970, tập thơ đã được trao giải Văn học - Nghệ thuật 1967-1969 của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Chánh chủ khảo là thi sĩ Vũ Hoàng Chương khen ngợi: “Một phen nhả ngọc phun châu/ Địa linh nhân kiệt từ lâu tiếng đồn/ Vang rền đợt sóng vũ môn/ Lắng nghe nước Việt thả hồn trong thơ”. 

Lâu nay, về Vũ Hoàng Chương đã có nhiều đánh giá khác nhau. Nhưng thật ra để hiểu tâm tư sâu kín một con người, nhất là thi sĩ thứ thiệt, không dễ dàng chút nào. Hoàng Thoại Châu cho biết, ngày trao giải thưởng tại Dinh Độc Lập, tác giả Đời vắng em rồi say với ai đã kín đáo kéo tay anh ra phòng khánh tiết, nói khẽ, đại khái, nên cân nhắc suy nghĩ nếu có ai hỏi về bài thơ Mặt trời ngủ yên in trong tập thơ Tình biển nghĩa sông. Nghe nói thế, Hoàng Thoại Châu giật thót người. Thì ra, Vũ Hoàng Chương, kể cả thi sĩ Bàng Bá Lân trong ban giám khảo thừa biết nhưng vẫn quyết định trao giải. Đó là một sự lạ.

Nha tho Hoang Thoai Chau: Van con nghia tinh gieng nuoc, cay da...

Bài thơ như sau: “Vũ trụ chuyển mình/ Địa cầu rung động/ Để báo hiệu sau bảy mươi chín vòng quay/ Bây giờ:/ Ba-chín-sáu-chín-mặt-trời-ngủ-yên”. Xin giải thích, 3/9/69 đó là ngày tháng năm đồng bào ở miền Nam hay tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Một bài thơ tưởng niệm Người đã xuất hiện, in ấn công khai trong tập thơ được chính quyền Sài Gòn trao giải thưởng, há chẳng phải ngoạn mục lắm sao? Tấm lòng và thiện chí của Vũ Hoàng Chương là đó, góc khuất này, nếu Hoàng Thoại Châu không kể, làm sao ta có thể biết?

Năm 1973, cùng với những trí thức trẻ Phan Viên Hoài, Thái Lãng, Huỳnh Ngọc Trảng, Hàng Chức Nguyên… Hoàng Thoại Châu tổ chức nhóm Hướng Dương nhằm cất tiếng nói chống chiến tranh, đòi hòa bình, thống nhất. Trong một buổi đọc thơ, anh đã bị bắt giam tại khám Chí Hòa rồi đày ra Côn Đảo, mãi đến ngày 30/4/1975.

Sự kiện bắt bớ tàn khốc này, dư luận báo chí thời đó gọi là vụ án “Văn nghệ quán Mù U” đã cho thấy một lớp sinh viên - học sinh Sài Gòn dám đương đầu với bạo lực, với hiện thực của đời sống, chứ không chui vào “tháp ngà văn chương” với những vần thơ than mây khóc gió. Bấy giờ, nhà thơ Sơn Nam khi nhận định về thơ anh đã nói rất đúng: “Trên cương vị của một nghệ sĩ, Hoàng Thoại Châu đã lên tiếng để ca ngợi cho cờ dân tộc đang tung cao”; nhà thơ Phương Đài cảm nhận: “Lời thơ đó có mang chất lửa hâm nóng niềm tin ray rứt của những người con Việt trước sự đổ vỡ của quê hương”.

Với một hành trình thơ như thế, sau ngày đất nước thống nhất, khi Hội Nhà văn TP.HCM được vận động thành lập, thì Hoàng Thoại Châu là một trong những thành viên đầu tiên đảm nhận vai trò sáng lập hội. Thế nhưng sau đó, anh lại toàn tâm toàn ý bước sang lĩnh vực báo chí. Và cả đời viết báo, anh chỉ “chơi” độc nhất một thể loại khó có thể định danh - đó là các tạp bút viết theo lối cà kê gắn liền với thời sự, nhưng thể hiện bằng văn phong khi nghiêm nghị, nghiêm túc, lúc trào phúng, hài hước - kiểu như các ông Tư Trời Biển (Báo Tin sáng), Bút Bi (Báo Tuổi trẻ)...

Thông thường các bút danh này do nhiều người cùng viết tùy mỗi kỳ, nhưng ở đây với bút danh Ba Thợ Tiện, Hoàng Thoại Châu chỉ “một mình một ngựa”. Vì thế, khi tuyển in thành tập sách Viết từ hồi ấy (2 tập), đã lên đến cả ngàn trang in. Kể ra cũng đã là một kỳ công.

Mới đây nhất, nhà xuất bản Hội Nhà văn đã in tuyển thơ Hoàng Thoại Châu: Tình biển nghĩa sông. Một lần nữa, những vần thơ được viết từ thập niên 1960 đã đến với công chúng hôm nay. Theo tôi, những bài thơ của anh không cũ, vẫn mới, vẫn gắn liền với nhịp sống hiện tại và cả sau này nữa, bởi lẽ, chủ đề xuyên suốt anh hướng tới vẫn là tình yêu quê hương, non sông đất nước, và chính vì tình yêu máu thịt đó mà con người ta hăng hái xả thân chống ngoại xâm.

Suy nghĩ này, thời nào cũng thế, nhất là ở lớp trẻ. “Việt Nam sông núi ba miền/ Cùng nhau ghi nhớ cho liền thịt da/ Nghĩa tình giếng nước cây đa/ Mãi nghìn sau vẫn thiết tha hẹn thề… 

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI