Người Việt Nam hạnh phúc đến đâu?

07/09/2019 - 18:46

PNO - Phó giáo sư-tiến sĩ Lê Ngọc Văn đã nêu ra những khái niệm, chỉ số hạnh phúc của người Việt khá thú vị, qua cuốn sách 'Hạnh phúc của người Việt Nam - Khái niệm, cách tiếp cận và chỉ số đánh giá' (NXB Tổng hợp TP.HCM).

“Ở Việt Nam, khoa học nghiên cứu về hạnh phúc hầu như vẫn đang bỏ trống. Chúng ta còn chưa biết rõ quan niệm về hạnh phúc và hạnh phúc trong đời thực của người dân hiện nay như thế nào. Điều gì làm cho họ hạnh phúc hay bất hạnh? Nhóm xã hội nào hạnh phúc hơn? Bằng cách nào để đo lường hạnh phúc? Quyển sách là một nỗ lực nhằm trả lời những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu hạnh phúc ở nước ta” - tác giả Lê Ngọc Văn bày tỏ.

Việt Nam từng được tổ chức kinh tế - xã hội New Economics Foundation (có trụ sở chính tại Anh) xếp hạng hạnh phúc đứng thứ năm thế giới, thứ hai khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, các nhà xã hội học cho rằng, hạnh phúc của người dân sẽ đạt ở mức cao nếu đời sống được đáp ứng những nhu cầu thiết yếu, đảm bảo y tế, giáo dục… Kết quả nghiên cứu khoa học đầu tiên về hạnh phúc của người Việt Nam lần này cũng chỉ ra rằng: Việt Nam là quốc gia có người dân khá lạc quan, yêu đời. “Họ đánh giá tích cực về tất cả các lĩnh vực cơ bản của cuộc sống, thông qua những trải nghiệm và mục tiêu đạt được hay sự thỏa mãn các mong muốn và nhu cầu cá nhân” - tác giả đúc kết.

Nguoi Viet Nam hanh phuc den dau?

Sơ đồ hóa khái niệm về hạnh phúc của người Việt Nam trong nghiên cứu của phó giáo sư - tiến sĩ Lê Ngọc Văn được chia theo ba yếu tố: sự hài lòng về đời sống kinh tế vật chất, môi trường tự nhiên; sự hài lòng về quan hệ xã hội và sự hài lòng về đời sống cá nhân. Bằng phương pháp khảo sát xã hội học (gồm phiếu khảo sát và phỏng vấn sâu, trên cả nước), nghiên cứu đã cho ra những kết quả đáng lưu tâm. Chỉ số hạnh phúc chung của người Việt Nam đạt mức tương đối cao. Người có mức sống khá giả hạnh phúc hơn người có điều kiện kinh tế trung bình và nghèo. Nam giới hạnh phúc hơn phụ nữ, thanh niên hạnh phúc hơn trung niên và người cao tuổi. Người có trình độ học vấn THCS và THPT hạnh phúc hơn người có bằng đại học/cao đẳng/trung cấp nghề. Người sống ở nông thôn, đồng bằng hạnh phúc hơn so với miền núi. Người nội trợ, nghỉ hưu hạnh phúc hơn người lao động (các lĩnh vực). Người theo các tôn giáo khác hạnh phúc hơn người theo Phật giáo…

Nghiên cứu về hạnh phúc cũng chỉ ra những rào cản, hạn chế trong bối cảnh chuyển đổi của nền kinh tế, đặc biệt là quá trình đô thị hóa, vấn đề môi trường sống bị ô nhiễm, tàn phá, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm… Trong đó, yếu tố tác động lớn nhất đến hạnh phúc của người Việt chính là mối quan hệ trong gia đình, họ hàng, cộng đồng và xã hội. Đây cũng là giá trị nền tảng mà trong cuộc sống hiện đại, rất nhiều người đã bỏ qua.

Tại buổi trò chuyện với phó giáo sư - tiến sĩ Lê Ngọc Văn, nhiều bạn trẻ bày tỏ những lý do không hạnh phúc bắt nguồn từ “sự không hài lòng” về bản thân hoặc các điều kiện khách quan. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nếu mỗi người cứ tự thỏa mãn, hài lòng và sống “thong dong tự tại” thì đó lại là nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ (cả về trí thức lẫn kinh tế). Những điều này được lý giải trong cuốn sách từ nhiều góc nhìn, quan điểm của các tôn giáo lẫn lý luận khoa học, thực tiễn. Hạnh phúc là một phạm trù lịch sử, nhưng cũng là một khái niệm khá trừu tượng, còn mới mẻ trong nghiên cứu khoa học tại Việt Nam. Trong bất kỳ quan điểm nào, hạnh phúc vẫn là giá trị cốt lõi và là mục tiêu hướng đến của đời người. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI