Nghệ sĩ ưu tú Trung Anh: 'Bao cấp quen rồi nên ỷ lại'

17/09/2018 - 07:10

PNO - "Vẫn cần sự bảo trợ của Nhà nước, nhưng không vì thế mà chúng ta làm ẩu, làm vì quan hệ" - Nghệ sĩ ưu tú Trung Anh.

Phóng viên: Trong lĩnh vực sân khấu, dù được ngân sách nhà nước tài trợ, hằng năm không ít vở diễn trình làng xong rồi "đắp chiếu", trong khi những đơn vị xã hội hóa, dù phải bươn chải chật vật vẫn luôn có khán giả. Vì sao, thưa ông?

Nghe si uu tu Trung Anh: 'Bao cap quen roi nen y lai'
 

Nghệ sĩ ưu tú Trung Anh: Việc Nhà nước bảo trợ cho nghệ thuật, nhất là sân khấu trong bối cảnh hiện nay vẫn rất cần thiết. Quan trọng là chúng ta làm như thế nào, dựng những vở diễn như thế nào để không lãng phí sự bao cấp đó. Thực tế ở Nhà hát Kịch Việt Nam, nhiều năm qua, có rất nhiều vở diễn “đắp chiếu”, không phải vì tác phẩm không hay, mà vì nhà hát không có một lịch diễn định kỳ.

Hằng năm, trong báo cáo của nhà hát vẫn có tới 200 đêm diễn, nhưng đó là những đêm diễn hợp đồng đi các tỉnh, dành cho các tác phẩm, tiểu phẩm. Còn các tác phẩm lớn, hay, được đầu tư khá kỹ lưỡng và tốn kém nhiều tiền gần như “đắp chiếu” sau một vài đêm diễn ra mắt báo chí. 

Dựng vở hay đến mấy nhưng nhà hát không mạnh dạn lên một lịch diễn định kỳ, hướng tới đối tượng khán giả chọn lọc thì cuối cùng cũng chỉ để xếp kho. Lỗi đó một phần lớn thuộc về nhà hát. Vì sao kịch Lưu Quang Vũ vẫn có sức hút đến thế, vì những tác phẩm của anh đề cập đến các vấn đề hôm nay vẫn còn tính thời sự. Vì sao sân khấu LucTeam, dù hạn hẹp kinh phí, không gian, vẫn thu hút được lượng khán giả nhất định?

Vì họ đang làm nghệ thuật, tạo ra một món ăn mới mẻ, thu hút khán giả và đơn giản họ không có sự bảo trợ của ai, mà phải bươn ra và tự chịu trách nhiệm về mình. Chúng ta nhiều năm sống trong bao cấp quen rồi nên ỷ lại, sức ỳ quá lớn. 

* Nhiều tác phẩm dàn dựng chỉ để tham gia các kỳ liên hoan và chỉ để người trong nghề trầm trồ với nhau, không đến được với công chúng. Đó có phải là một sự lãng phí cả tiền bạc và chất xám?

- Chất lượng các tác phẩm thời gian gần đây giảm sút. Sân khấu không còn là một thánh đường đúng nghĩa để tôn vinh những nghệ sĩ và tác phẩm thực sự dấn thân cho nghệ thuật. Nhà hát đang chọn những vở diễn đại trà, hạ thấp dần tiêu chuẩn. Còn các đoàn địa phương dù chất lượng rất thấp nhưng vẫn tham gia liên hoan các năm vì trong cơ cấu, kiểu gì cũng có 30% huy chương.

Vì thế, một mặt nào đó, vẫn có rất nhiều người là nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân mà sự đóng góp, tài năng của họ rất hạn chế. Đây là một căn bệnh hình thức đã tồn tại nhiều năm nay. Đó là hệ lụy của việc chạy theo thị hiếu, diễn viên dần mai một. Bây giờ, nhiều diễn viên còn không hiểu thế nào là một tác phẩm sân khấu đích thực nữa, nhưng biết đâu họ vẫn có danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân.

* Có nhiều ý kiến cho rằng, sự bảo trợ của Nhà nước với văn hóa - nghệ thuật là cần thiết, nhưng không thể dùng sự bảo trợ đó để dựng những tác phẩm không để cho ai? 

- Vẫn cần sự bảo trợ của Nhà nước, nhưng không vì thế mà chúng ta làm ẩu, làm vì quan hệ. Thực tế, Nhà hát Kịch Việt Nam đã từng dựng những vở rất tệ, như vở Thầy và trò, kịch bản của Đăng Chương. Tôi đã lên tiếng phản biện ngay khi vở diễn ra mắt nhưng không ai nghe.

Có chuyện dựng vở vì quan hệ, vì lấy lòng cấp trên, lãng phí tiền Nhà nước và làm hỏng diễn viên. Các tác phẩm muốn dàn dựng phải có sự thẩm định kỹ càng, không thể làm ẩu. Tôi cho rằng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nuôi sân khấu cho có chứ không phải nuôi cho tốt.

Bây giờ, thời Nghệ sĩ nhân dân Anh Tú làm giám đốc đỡ hơn nhiều, đã mạnh dạn dựng những vở kịch kinh điển như Hamlet, Romeo và Juliet, Kiều, nhưng để có lịch diễn định kỳ, đến được với khán giả vẫn là con đường dài. Nhà hát cần chủ động có lịch diễn hằng đêm, có thể 3-5 năm nữa, chúng ta sẽ có một lượng khán giả cố định. Đừng ăn xổi, chạy theo thị hiếu để lấy lòng diễn viên, lấy lòng lãnh đạo, vì nó sẽ làm cho nền sân khấu ngày càng đi xuống, mất đi những giá trị chuẩn mực của nó.

Việt Hà (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI