Nghệ sĩ múa Trần Bình: Buồn cho múa Việt Nam

18/09/2019 - 09:50

PNO - NSND Trần Bình lấy ví dụ, Linh Nga, Tạ Thuỳ Chi... đều là nghệ sĩ múa giỏi nhưng khi về Việt Nam lại không có 'đất sống'.

NSND Trần Bình dành nhiều năm cống hiến cho nghệ thuật múa Việt Nam. Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam (thành lập năm 1986), nơi NSND Trần Bình đang đảm trách phần nghệ thuật, nhiều năm nay, chật vật tự chủ tài chính.

Nói về khó khăn của nghệ thuật múa hiện tại, NSND Trần Bình không phủ nhận một phần là do cách tiếp cận chưa phù hợp trong thời buổi thị trường có quá nhiều hình thức giải trí. Tuy nhiên, đợi đến lúc tìm ra cách phù hợp thì có lẽ, phải nhiều lứa nghệ sĩ thay ông làm phần việc này. 

Hôm nay, 18/9, NSND Trần Bình sẽ cùng đoàn diễn viên của nhà hát mang các tiết mục múa đương đại như Ngẫu hứng lý ngựa ô, Sen Việt, Về Huế chiều xuân... đến khán giả Thái Lan, trong sự kiện Tuần lễ hàng Việt Nam. Nam nghệ sĩ cho biết dù đây là chương trình không nặng tính nghệ thuật nhưng nhiều lần ông quan sát, cách khán giả nước ngoài đón nhận các chương trình nghệ thuật của Việt Nam khác hoàn toàn với người xem trong nước: trân trọng hơn, thích thú hơn...

Nghe si mua Tran Binh: Buon cho mua Viet Nam
NSND Trần Bình đang tất bật chuẩn bị chương trình nghệ thuật trình diễn tại Thái Lan. Nam nghệ sĩ cho biết tuỳ từng quốc gia mà Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam sẽ chọn các tiết mục nặng về yếu tố dân gian - dân tộc hay đương đại để trình diễn.

“10 năm trở lại đây, nghệ thuật múa lâm vào thế bão hoà. Ở Sài Gòn, anh em làm nghề còn vui vì khán giả vẫn ủng hộ phần nào. Còn ngoài Bắc, hơn 10 năm nay, tất cả các tụ điểm ngoài trời đều giải thể, gần như không ai xem nữa. Nếu có xem thì chỉ chờ đến đêm giao thừa, nhà hát phối hợp với một số đơn vị làm chương trình chào mừng năm mới thì mới có đông người đến. Còn bình thường, để bán vé cho một chương trình biểu diễn múa nghệ thuật cực kỳ khó khăn. Họ không tha thiết với chuyện đến sân khấu xem nghệ thuật”, NSND Trần Bình nói.

Theo nghệ sĩ Trần Bình, có giai đoạn múa Việt Nam phát triển cực thịnh khi không tồn tại nhiều hình thức giải trí khác. Như thời điểm khi đất nước mới giải phóng, nghệ thuật múa được ngợi ca. Sau đó, bắt đầu từ những năm 1975 – 1976, ở ngoài Bắc, khi các diễn viên diễn các tiết mục quen thuộc thì bất ngờ bị khán giả la ó, đuổi vào vì cho rằng quá nhàm chán.

“Thời điểm đó, NSND Trần Hiếu ở đoàn cũng gặp trường hợp tương tự. Đến năm 1980 trở đi, khi tôi được cử đi học múa ở nước ngoài trở về và vào Sài Gòn dựng những tiết mục vừa hát vừa múa cho Ái Vân, Lệ Quyên... Lúc đó, một số cán bộ nhà nước nói với tôi rằng thôi, không kết hợp hát múa mà phải phân ra hát riêng, múa riêng”, NSND Trần Bình chia sẻ.

Nghe si mua Tran Binh: Buon cho mua Viet Nam
So với khán giả quốc tế, khán giả trong nước dường như không mặn mà với nghệ thuật múa Việt Nam

Nghệ sĩ Trần Bình cho rằng hiện nay, trên truyền hình có quá nhiều chương trình giải trí, nhiều bộ phim lấy nước mắt khán giả, trong khi thói quen tới sân khấu thưởng thức ca múa nhạc chưa được xây dựng thì càng khó để hình thành.

“Tôi không biết đến khi nào khán giả Việt Nam mới ứng xử đúng với nghệ thuật ca múa nhạc, có lẽ phải đến khi tất cả mọi người no đủ hết thì họ mới nghĩ tới. Nhưng, có phải đến lúc no đủ thì khán giả sẽ tới xem hay không thì tôi cũng không chắc.

Vừa rồi khi sang Cu Ba công tác, có nhiều điều lạ khiến tôi suy nghĩ. Đất nước họ nghèo nhưng người dân đến sân khấu rất đông. Điều đáng ngạc nhiên hơn là những vở diễn này không mới, có những vở ra mắt đã 5 – 7 năm nay, diễn đi diễn lại liên tục”, NSND Trần Bình nói thêm.  

Một trong những lý do khiến khán giả không mặn mà với nghệ thuật múa Việt Nam, theo NSND Trần Bình có phần lớn do cách tiếp cận của các đơn vị và chất lượng vở diễn. Tuy nhiên, nam nghệ sĩ khẳng định có nhiều nguyên nhân tác động qua lại, nếu được đầu tư, nếu không phải tự chủ tài chính thì có lẽ, câu chuyện chất lượng không đáng bàn.  

Nghe si mua Tran Binh: Buon cho mua Viet Nam
Nhiều nhà hát địa phương sáp nhập để duy trì hoạt động trong khi số khác, ví như ở Quảng Ninh, phải giải thể.

“Buồn cho những nghệ sĩ múa giỏi ở Việt Nam. Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM, một người chị mà tôi rất kính trọng – NSND Kim Quy, học 7 năm ở Việt Nam sau đó sang nước ngoài học 7 năm nữa, nhưng khi về nước không phát huy hết được những gì mình đã học. Một số cá nhân khác như Linh Nga, Tạ Thuỳ Chi thì rất khá nhưng môi trường ở Việt Nam chưa đến lúc để phát triển như các nước bên cạnh”, NSND Trần Bình trầm ngâm.

Chia sẻ với Báo Phụ Nữ TP.HCM, NSND Trần Bình nhiều lần nhắc về năng lực của diễn viên múa Việt Nam, rằng chúng ta không thiếu những người giỏi nhưng lại thiếu sân chơi. Vừa thiếu sân chơi, vừa thiếu khán giả, vừa phải tự chủ tài chính thì để nghệ thuật múa Việt Nam cất cánh được, khó trăm bề.

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI