Muôn kiểu chiều chuộng Trung Quốc của Hollywood

30/10/2019 - 06:30

PNO - Tham vọng bá chủ của Trung Quốc và khát khao chinh phục của Hollywood đặt hai thị trường vào thế vừa đối đầu, vừa phải sống dựa vào nhau.

Nhiều chuyên gia dự báo trong năm 2020, doanh thu phòng vé các rạp chiếu phim tại Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, đạt mốc 12,2 tỷ USD, vươn lên dẫn đầu thế giới. Bài toán kinh tế đủ khiến Hollywood xiêu lòng, chấp nhận mọi yêu cầu từ phía Trung Quốc để xâm nhập thị trường béo bở 1,4 tỷ dân này.

“Hollywood made in China”

Theo Variety, trong vòng mười năm trở lại đây, Trung Quốc là quốc gia sở hữu số lượng rạp chiếu phim nhiều nhất thế giới, với hơn 60.000 rạp. Hơn 90% vé xem phim được bán qua hình thức thanh toán online. Tính đến đầu tháng 10/2019, doanh thu phòng vé Trung Quốc đã đạt 699 triệu USD, vượt doanh thu của cả năm 2008 (630 triệu USD). 

Rất nhiều phim Hollywood chỉ đạt doanh thu trung bình hoặc bị chê tơi tả tại quê nhà, phải “cầu viện” Trung Quốc để hòa vốn, thậm chí lời to như: Pacific Rim, Transformers, Warcraft, xXx: Return of Xander Cage, Kong: Skull Island, Fast & Furious 8, Alien: Covenant, Pirates of the Caribbean: Salazar’s Revenge, The Mummy

Muon kieu chieu chuong Trung Quoc cua Hollywood
Hoa Mộc Lan bản người đóng và diễn viên Trung Quốc Lưu Diệc Phi được chọn

Charles Chuck’ Roven, nhà sản xuất (NSX) kỳ cựu của Hollywood, chủ của Atlas Entertainment đã phải thốt lên: “Cảm ơn Chúa vì đã có Trung Quốc!”. Mối quan hệ giữa Hollywood và Trung Quốc giờ đây không còn đơn thuần xoay quanh chuyện phim ảnh, mà đã trở thành ván bài kinh tế lên đến trăm triệu USD mà Trung Quốc ở “cửa trên”. Đó chính là lý do Hollywood sẵn sàng tuân theo mọi quy tắc mà Trung Quốc đề ra.

Nếu cách đây 5, 6 năm, Hollywood có thể chỉ cần mời một diễn viên Trung Quốc xuất hiện trong phim để dễ dàng vượt ngạch kiểm duyệt và hút khán giả xứ Trung, thì câu chuyện hiện tại phức tạp hơn nhiều.

“Hollywood made in China” là cụm từ các chuyên gia dùng để gọi tên sự “cúi mình” của Hollywood trước Trung Quốc, bao gồm việc Hollywood sẵn sàng thay đổi lời thoại, cắt cảnh, sản xuất những nội dung thuần Trung Hoa (phim Kung Fu Panda, hay gần đây là Hoa Mộc Lan bản live action do Lưu Diệc Phi đóng chính, phim siêu anh hùng Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings của Marvel… Những bộ phim này đều có dàn diễn viên Trung Quốc hùng hậu), thậm chí nhiều NSX Hollywood sẵn sàng bắt tay với các công ty sản xuất phim Trung Quốc lắm của nhiều tiền để giành lợi thế phát hành.

Tờ Hypebot phân tích hợp tác sản xuất là con đường tất yếu, duy nhất và hoàn toàn nằm trong dự liệu của Bắc Kinh, trước chính sách nhập khẩu phim đầy khắc nghiệt (34 phim nước ngoài được chiếu rạp mỗi năm). Thay vì ngăn chặn dòng chảy này, các nhà quản lý Trung Quốc chọn cách kiểm soát chặt chẽ và thay đổi chúng theo hướng có lợi cho quốc gia. Trong khi đó, các phim đồng sản xuất vừa đảm bảo được khả năng ra rạp, vừa có thể kiếm được 43% doanh thu chỉ riêng thị trường Trung Quốc, so với mức 25% đối với phim thuần Hollywood.

Bộ phim gây tranh cãi nhiều nhất tại Việt Nam thời gian gần đây, Abominable (Everest - Người tuyết bé nhỏ), là trường hợp điển hình của hợp tác Mỹ - Trung trong điện ảnh. Doanh thu tuần đầu tiên của Abominable ở Trung Quốc đạt 3 triệu USD, chiếm vị trí thứ tư phòng vé. Con số này khá khiêm tốn nếu so với bom tấn My People, My Country (mang về gần 100 triệu USD chỉ trong hai ngày đầu tiên), nhưng Abominable thành công ở cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ - nơi bộ phim dẫn đầu phòng vé trong tuần đầu tiên với doanh thu 20 triệu USD.

Abominable là dự án hợp tác giữa hai hãng DreamWorks Animation và Pearl Studio (có trụ sở tại Thượng Hải), tương tự những dự án hợp tác phim Mỹ - Trung khác trước đây như Kung Fu Panda 3, The Meg… với doanh thu mỗi phim là nửa tỷ USD trên toàn thế giới, trong đó hơn một nửa doanh thu đến từ thị trường Bắc Mỹ và Trung Quốc.

Vì lợi nhuận, bất chấp tất cả?

Việc Hollywood tuân theo “quy tắc bất thành văn” khi tiếp cận thị trường Trung Quốc đồng nghĩa những nhà quản lý của quốc gia đông dân nhất thế giới có thể chi phối, can thiệp nhiều hơn vào nội dung các bộ phim Mỹ. Rất nhiều chiêu bài đã được sử dụng để đưa “yếu tố Trung Quốc” vào phim, từ bối cảnh, diễn viên cho đến văn hóa, ngôn ngữ… Kết quả là đa số phim Hollywood trình chiếu ở Trung Quốc không còn mang bản sắc Hollywood, mà trở thành một sản phẩm lai tạp, thậm chí mang màu sắc chính trị.

Malaysia và Philippines chỉ chiếu Abominable nếu các NSX Hollywood đồng ý cắt cảnh bản đồ “đường lưỡi bò”. Nhưng họ đã khước từ! Hypebot phân tích, đối với Hollywood, Đông Nam Á chỉ là thị trường nhỏ và họ sẵn sàng “thả con tép, bắt con tôm”. Giữa những vấn đề chính trị nhạy cảm, Hollywood chọn nghiêng theo hướng mà họ cho là có tổn thất nhỏ hơn.

Và với sức ép từ thị trường tỷ dân, Hollywood không dại gì “chọc giận” Trung Quốc. Họ tiếp thu bài học từ những thương hiệu từng bị tẩy chay ở Trung Quốc, gần đây nhất là bài học từ Hiệp hội bóng rổ nhà nghề của Mỹ (NBA). Việc lên tiếng ủng hộ các cuộc biểu tình ở Hồng Kông của người quản lý đội bóng đã khiến cư dân đại lục phẫn nộ, kết quả là mọi thứ liên quan đến NBA đều bị phản đối.

Đầu tháng Mười vừa qua, series hoạt hình South Park của Mỹ đã bị cấm chiếu ở Trung Quốc do có những nội dung bất lợi cho nước này. Sau đó, chính quyền Bắc Kinh còn triệt để chặn mọi kết quả tìm kiếm và thông tin liên quan đến South Park trên mạng internet đại lục. Trước sức ép dữ dội, biên kịch của series hoạt hình này đã phải gửi lời xin lỗi đến Trung Quốc.

Muon kieu chieu chuong Trung Quoc cua Hollywood
Lý Tiểu Long trong Once Upon a Time in Hollywood - nguyên nhân chính khiến bộ phim không được cấp phép ở Trung Quốc. Còn đạo diễn Quentin Tarantino thì kiên quyết không cắt cảnh để bảo vệ sáng tạo của ông

Tham vọng của Trung Quốc không dừng lại ở đó. Hồi tháng Ba năm nay, chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các nhà làm phim phải đưa ngành công nghiệp điện ảnh của đất nước sánh ngang với Mỹ vào năm 2035 và phát triển 100 phim mỗi năm, mỗi phim kiếm về 15 triệu USD. Và để làm được điều này, Trung Quốc càng cần tăng cường hợp tác với Hollywood để tận dụng ưu thế nhân lực và kinh nghiệm.

Tất nhiên, việc hợp tác khiến một số đạo diễn Hollywood vô cùng ức chế, khi ý tưởng ban đầu bị biến dạng chỉ để làm hài lòng nhà đầu tư. Nhiều nhà làm phim và các khán giả phương Tây bày tỏ sự lo lắng, Hollywood đang dần đánh mất bản sắc. 

Tuy vậy, ở góc độ kinh tế, đây là trường hợp thú vị. Tham vọng bá chủ của Trung Quốc và khát khao chinh phục của Hollywood đặt hai thị trường vào thế vừa đối đầu, vừa phải sống dựa vào nhau. Hollywood, trong tương lai, sẽ còn tiếp tục “cúi mình” trước Trung Quốc. Cái lắc đầu đầy kiêu hãnh của Quentin Tarantino với Once Upon a Time in Hollywood trước lưỡi kéo kiểm duyệt của Trung Quốc giờ đây trở thành của hiếm. 

Hoài Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI