Một hôm trả mẹ về trời

16/12/2018 - 11:08

PNO - 'Một giấc thị thành' của Nguyễn Tiến Tường bắt đầu hành trình bằng những vần thơ về quê nhà, cha mẹ. Tuổi thơ của một đứa trẻ đầu trần, chân đất chạy trên ruộng giữa cái nắng chang chang đã xa mãi

Một giấc thị thành của Nguyễn Tiến Tường bắt đầu hành trình bằng những vần thơ về quê nhà, cha mẹ. Tuổi thơ của một đứa trẻ đầu trần, chân đất chạy trên ruộng giữa cái nắng chang chang đã xa mãi khi cậu chuyển đến Sài Gòn trọ học rồi trụ lại đô thị lớn để lập nghiệp.

Những lần về quê bây giờ đếm trên đầu ngón tay trong khi thời gian của cha mẹ, người thân cứ thế ngắn dần. Áp lực của những đứa con xa quê nặng thêm khi một bên là sự nghiệp, tương lai một bên là gia đình, là chữ hiếu.

Mot hom tra me ve troi

“Mẹ ơi đường chẳng còn xa/ Con đi một đoạn nữa là đến quê...”- quê nhà gần lắm, gần trong tâm tưởng của những kẻ luôn nghĩ về gia đình. Thế nhưng, không nhiều người biết trân trọng.  

Trong những bài thơ đầu của Một giấc thị thành, cảm giác mọi dòng thơ đều chở nặng tâm tư của tác giả. Nặng đến mức bất kỳ đứa con xa quê nào đọc qua cũng sẽ rưng rưng vì thấy thấp thoáng hình bóng của cha mẹ, người thân trong đó. Một người mẹ lo từng miếng ăn giấc ngủ mỗi khi đứa con từ phương xa về thăm nhà, nhưng được vài hôm, đứa con ấy lại tất tả đi. Tết cũng chẳng khác hơn. Nhà bây giờ như chỗ dừng chân ghé tạm còn Sài Gòn mới là chốn dung thân của những đứa con tha hương.

Đau, một cảm giác va đập rất mạnh trong tâm hồn vì sự lựa chọn nào cũng phải trả giá. 

“Cuộc đời trắc trở bể dâu/ May còn có mẹ và câu ru hời/ Một hôm trả mẹ về trời/ Không dưng con bỗng thành người trắng tay”- một ngày nào đó, rất gần, bất kể đứa con nào cũng phải “trả” mẹ về trời. Đó là quy luật tất yếu của cuộc sống và đương nhiên, những đứa con xa quê đau gấp bội vì càng đi xa, thời gian bên cha mẹ càng ít ỏi. Nên, “về được thì về... về được hãy gắng về, đừng nghĩ”, tác giả nhắn nhủ.

Trong Một giấc thị thành, Nguyễn Tiến Tường không chỉ viết về cha mẹ, quê nhà mà còn có nhiều sáng tác về tình yêu. Anh viết về những cơn say nắng, những lần vợ chồng không hòa thuận, những hân hoan khi mua được căn nhà mới để con có chỗ rộng hơn vui đùa...

Mot hom tra me ve troi

Một giấc thị thành, hay “một giấc” ở “thị thành” đối với mỗi người có thể dài bất tận cũng có khi như cái chớp mắt sớm mai nhưng đều đầy tiếc nuối. Riêng tác giả vẫn luôn hướng về quê nhà dẫu lần về vĩnh viễn trong tâm tưởng của anh cũng là khi đứa con quê đã rệu rã nơi xứ người: “Tôi vẫn đợi một lần về sau chót/ Dưới gốc đa xưa tôi làm một người già/ Cơm trắng muối vừng, chuyện xưa kể hết/ Rồi thản nhiên chờ cơn gió cuốn đi xa”.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI