Milkman: Cuộc đối thoại của thời đại về nữ giới

20/10/2018 - 17:21

PNO - Giải thưởng văn học Man Booker năm nay vinh danh tác giả Anna Burns, người Bắc Ireland, cùng tiểu thuyết 'Milkman' (Người giao sữa).

Sách lấy bối cảnh thập niên 1970, khi ở Bắc Ireland đang diễn ra xung đột bạo lực Troubles giữa các phe phái.

Nhân vật chính trong tiểu thuyết là một cô gái 18 tuổi, không tên. Cô cũng là người dẫn dắt mạch chuyện với những lời tự thuật cô đọng và chân thật, chỉ ra góc khuất nhức nhối của thực tại ứng với hơn 40 năm sau đó.

Nạn quấy rối tình dục, áp lực cộng đồng, sự im lặng, sự đơn độc và giày vò… là những điều không chỉ diễn ra ở thế kỷ XXI; nhưng đến tận thế kỷ này, những nỗi ám ảnh ấy mới được soi rọi qua lăng kính mang tên #metoo.

Milkman: Cuoc doi thoai cua thoi dai ve nu gioi
Tác giả Anna Burns và tiểu thuyết Milkman

Nếu văn hóa đọc thời nay chuộng những khoảng giãn dòng dễ đọc trong những cuốn tiểu thuyết thì tác giả Anna Burns đặc biệt chọn cách viết những đoạn văn thật dài, thỉnh thoảng mới có chỗ ngắt nhịp phân dòng. Đoạn văn dài, nhưng không khiến người đọc hụt hơi, bởi nó tạo nhịp nhanh, lôi cuốn bằng những chuỗi câu tường thuật ngắn, chắt lọc câu chữ đúng trọng tâm.

Triết gia Kwame Anthony Appiah - Chủ tịch Hội đồng giám khảo Man Booker - nhận định: “Có lẽ không ai trong chúng tôi từng đọc một tác phẩm tương tự như thế trước đây. Cách hành văn đặc biệt, mà có lẽ chính là chủ ý của tác giả, thúc giục mọi người phải đọc, phải “nghe” trọn vẹn câu chuyện cuộc đời của cô gái khuyết danh 18 tuổi - nhân vật trung tâm quyển tiểu thuyết”.

Cô gái ấy tâm sự, cô là con giữa trong gia đình, bị một người đàn ông lớn tuổi săn đón, điên cuồng đeo đuổi và quấy rối.

Đây là câu chuyện về sự tàn bạo, về diễn biến tâm lý bế tắc và sự chống cự lồng vào cảm giác đầy chua cay. Lối viết sáng tạo của tác giả đã tạo hiệu ứng mạnh cho tác phẩm. Những câu kể dài, tưởng chừng bất tận, thách thức thói quen đọc và tư duy của độc giả, đã cho họ cảm giác thỏa mãn mỗi khi tình tiết được đẩy lên đỉnh điểm, tạo nên cú đột phá thẩm mỹ trong cảm nhận từ phía người đọc.

Milkman: Cuoc doi thoai cua thoi dai ve nu gioi
Anna Burns lớn lên ở một nơi mà bạo hành là chuyện diễn ra thường ngày

Anna Burns sinh ra ở Belfast và hiện sống ở East Sussex, thuộc Vương quốc Anh. Năm tháng trưởng thành của bà còn được lưu giữ trong ký ức là một nơi mà bạo hành là chuyện thường ngày, đầy rẫy lọc lừa và những điều mơ hồ. Người đọc bất giác nhận ra, chính chất liệu ấy đã tạo nên mạch truyện gắn kết hợp lý từ thập niên 1970 - khi Anna chỉ mới là cô bé chập chững bước vào tuổi vị thành niên.

“Người kể chuyện” Anna Burns đã “thấy” nữ nhân vật chính của bà phải sống khổ sở thế nào khi bị vây quanh bởi những ánh mắt gièm pha cùng lời đồn thổi về việc cô có quan hệ với người đàn ông già nua ấy. Nhưng, cô gái ấy cũng đã kể lại trong lời văn: “Tôi chẳng yêu đương ông ta như cách mọi người nghĩ. Thậm chí, tôi chẳng có thiện cảm với người đàn ông ấy. Tôi sợ hãi và rối bời khi bị theo đuổi”. Vậy, ai là người giao sữa? Chẳng ai cả, đó là nhân vật hư cấu từ bối cảnh có thật mà Anna từng không ít lần chứng kiến.

Chánh chủ khảo Kwame Anthony Appiah nhìn ra được điều ấy. Ông nói về Anna và Milkman: “Cô gái này sống trong một xã hội có sự phân chia bè phái và chính sự bất ổn, rối ren ấy đã tạo kẽ hở để người đàn ông ở vị thế mạnh hơn có thể ngang nhiên uy hiếp tinh thần cô. Bối cảnh đen tối đã làm bật lên vấn đề của cả thời đại chúng ta”.

Vị giám khảo nhấn mạnh, tác phẩm sẽ giúp mọi người suy nghĩ nhiều hơn về phong trào #metoo, buộc tất cả phải nhìn lại. Ở đâu có những bất lợi, bất công xã hội và thiếu sự quan tâm về quyền nữ giới, ở đó còn có những sự im lặng đáng sợ của nỗi đau người phụ nữ bị chôn vùi.

Milkman: Cuoc doi thoai cua thoi dai ve nu gioi
Milkman gợi nhớ đến vụ bê bối lạm dụng tình dục chấn động ở thị trấn Rotherham (Anh)

Bạo lực không chỉ là hành động gây tổn thương thể xác mà còn có những hành vi bạo lực không lời. Milkman gợi nhớ đến vụ bê bối chấn động ở thị trấn Rotherham (Anh): 1.400 trẻ em bị lạm dụng tình dục và còn có luồng dư luận cho rằng… lỗi tại các em. Những tư duy như thế càng khiến tiếng nói phụ nữ, trẻ em gái thêm yếu ớt, tuyệt vọng. Với giám khảo Appiah, Milkman xứng đáng được gọi là “cuộc đối thoại của thời đại về nữ giới”.

Khi biết mình là cây viết Bắc Ireland đầu tiên nhận giải Man Booker, nữ nhà văn 56 tuổi điềm nhiên chia sẻ cách bản thân theo đuổi sự nghiệp viết lách: “Tôi hiện diện, chứng kiến khoảnh khắc đang diễn ra và đó là cả hành trình chờ đợi - chờ đợi nhân vật kể câu chuyện của họ”. Ngắn gọn vậy thôi, nhưng đủ giúp chúng ta hiểu nghề viết là công việc giữ lấy mạch chuyển của xã hội, ghi lại những sự kiện để rồi từ đó hiểu được con người trong từng giai đoạn đã sống, suy nghĩ, hành động như thế nào dưới sự tác động của biết bao nhiêu yếu tố.

Thiên Như (theo Guardian, Independent)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI