Mênh mông tình mẹ

11/07/2019 - 17:10

PNO - Hai vở diễn mùa Vu lan: 'Diều ơi' và 'Bông hồng cài áo' sẽ là những dấu ấn đẹp của sân khấu kịch nói năm nay.

Người mẹ nửa tỉnh nửa mê, gọi con là em, xưng mình là chị, nhưng tiếng hát ru “em” vẫn cứ đong đầy tình mẫu tử. Ngây ngô, dại khờ nên người mẹ ấy chẳng lưu giữ được gì trong ký ức, nhưng câu ca, lời nói, vóc hình của đứa “em” bé bỏng thì vẫn vẹn nguyên, dẫu “em” có đi bao xa, bao lâu…

Tiếng rao nghèn nghẹn “Ai chè bột khoai, đậu xanh nước dừa đường cát” của người mẹ tủi phận vì nghèo nên con không dám nhận; bà chỉ dám lấp ló ở ngôi nhà sang trọng, để lén nhìn con, được nghe giọng nói của con… khiến người xem chùng lòng. Ai đó hẳn có thể chợt giật mình nhớ ra, trong cái bộn bề của cuộc sống, bao lâu rồi mình chưa về thăm mẹ, đã bao nhiêu ngày mình quên quan tâm mẹ đang buồn hay vui. Hai vở diễn mùa Vu lan: Diều ơiBông hồng cài áo sẽ là những dấu ấn đẹp của sân khấu kịch nói năm nay.

Menh mong tinh me
Tình mẫu tử, đề tài muôn thuở dễ chạm vào cảm xúc người xem

Tình mẫu tử là một trong những đề tài dễ chạm đến cảm xúc người xem, nhưng lại không dễ thực hiện. Làm sao để có cách kể, cách xây dựng nhân vật, tình huống mới mẻ cho một câu chuyện ai cũng có thể lờ mờ đoán được những diễn biến tiếp theo là điều không đơn giản. Thêm nữa, với đề tài này, một trong những yếu tố mang tính quyết định cho cảm xúc của vở diễn là diễn xuất của diễn viên.

Diều ơi (tác giả: Quốc Nguyễn, đạo diễn: NSƯT Hữu Quốc - Vũ Trần), vừa ra mắt ở Nhà hát kịch sân khấu Nhỏ, đã đáp ứng hầu hết những “điều khó” để lấy nước mắt khán giả. Tình mẫu tử ở Diều ơi là những câu chuyện dung dị, có thể bắt gặp đâu đó trong cuộc sống hằng ngày. Người mẹ khờ khạo không nhận thức được bất kỳ điều gì xung quanh mình, kể cả đứa con mình đứt ruột sinh ra. Nhưng thoáng trong chút ý thức còn sót lại, người mẹ ấy vẫn tìm mọi cách che chở, vỗ về đứa con gái bé bỏng của mình.

Tình mẫu tử ở Diều ơi còn là tình yêu, là nỗi lòng của bà ngoại nghèo khó. Một đời hy sinh cho con, ở tuổi lẽ ra đã được an nhàn bên con cháu, bà vẫn phải bảo bọc đứa con gái điên dại; cưu mang, chăm sóc đứa cháu ngoại bé bỏng và làm mọi cách để bù đắp sự thiếu thốn tình cảm cho cháu. Chấp nhận dọn nhà đến một nơi hẻo lánh, tránh sự tò mò, ác ý của những người xung quanh, bà chỉ có một ước ao: giữ cho con cháu sự bình an…

Điều đặc biệt nhất ở Diều ơi là sự có mặt của những tên tuổi quen thuộc của sân khấu cải lương: NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Quỳnh Hương và NSƯT Hữu Quốc ở tuyến nhân vật chính. Không như “nghi ngại” ban đầu của một số khán giả kịch nói, các nghệ sĩ cải lương đã hóa thân rất ngọt trên sàn diễn và phối hợp nhịp nhàng với các bạn diễn của sân khấu kịch như Tuyền Mập, Nghinh Lộc, Kim Nhã...

Thoát khỏi lối thoại kịch hát vốn thiên về tính cường điệu, kéo khán giả lại gần trong không gian sân khấu kịch 5B. NSƯT Thoại Mỹ mang đến sự dung dị mà quặn thắt bằng cảm xúc, trái tim của người mẹ. Có lẽ khát khao được làm mẹ đã khiến chị thổn thức cùng mẹ Nhớ ngây dại. 

Diễn viên nhí Gia Hân (vai bé Diều lúc nhỏ) cũng là nhân tố quan trọng góp vào thành công của Diều ơi. Diễn xuất hồn nhiên, chân thật và sinh động trong biểu cảm, Gia Hân đã phối hợp rất tốt với NSƯT Thoại Mỹ để mang đến những lớp diễn nhiều cảm xúc cho khán giả.

Cùng thời điểm này, sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng đã lên sàn vở Bông hồng cài áo (tác giả: Hoàng Khâm, chuyển thể: NSND Kim Cương). Đây là một trong những vở nổi tiếng của Đoàn kịch nói Kim Cương, từng được ghi hình, phát sóng trên truyền hình. Năm 2013, tác phẩm được tái dựng trên sân khấu Idecaf với thành phần chủ yếu là lớp diễn viên trẻ.

Việc Hoàng Thái Thanh dựng lại Bông hồng cài áo ở thời điểm này làm khán giả tò mò về sự khác biệt so với những bản dựng trước đây. Nhưng điều khiến các “fan” của Hoàng Thái Thanh háo hức là cách khai thác đến tận cùng tâm lý, cảm xúc của nhân vật, lối dàn dựng chi tiết và tinh tế khi chọn điểm nhấn cho từng lớp diễn ở sân khấu Hoàng Thái Thanh.

Bên cạnh đó, đạo diễn Ái Như - người vốn nổi trội khi dàn dựng những vở diễn về đề tài phụ nữ và tình mẫu tử, với góc nhìn và những cảm nhận rất khác biệt - cũng là một lợi thế của Bông hồng cài áo phiên bản 2019. Những yếu tố này cộng thêm dàn diễn viên: NSƯT Thành Hội, Ái Như, Xuân Hương, Bích Ngọc, Hoàng Vân Anh, Hoàng Thái Quốc… hứa hẹn sẽ mang lại cho tác phẩm một diện mạo, màu sắc mới và đủ sức làm người xem thổn thức. 

Bông hồng cài áo là một trong những tác phẩm ghi dấu ấn của sân khấu kịch Sài Gòn mà tôi rất yêu thích và từng mong muốn được dàn dựng lại, nhưng đến giờ “cơ duyên” mới đến. Về cơ bản, Bông hồng cài áo trên sân khấu Hoàng Thái Thanh vẫn giữ nguyên tinh thần kịch bản thoại kịch của NSND Kim Cương. Bản dựng mới chỉ cố gắng khắc họa không gian của Sài Gòn thập niên 1970.

Đạo diễn Ái Như

Thảo Vân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI