Lớp học đặc biệt của nhà văn Trần Quốc Toàn

15/07/2019 - 18:18

PNO - Mỗi buổi lên lớp, ông đều ra đề bài, rồi hướng dẫn các em sáng tác. Chẳng hạn làm thơ lục bát.


Cứ mỗi sáng thứ Bảy, nhà văn Trần Quốc Toàn lại đến với mái ấm Nhật Hồng (P.Tam Bình, Q.Thủ Đức, TP.HCM). Một lớp dạy sáng tác thơ văn dành cho các trò nhỏ khiếm thị vừa được mở tại đây. Trần Quốc Toàn đã khơi mở cho các em một giấc mộng khác, với những cảm xúc đẹp đẽ về văn chương…

Có thể mai này sẽ khác

Các em nhỏ ở mái ấm Nhật Hồng, cũng như nhiều mái ấm khác, có thể học chơi nhạc cụ, hát, làm đồ thủ công... “Nhưng cũng nhiều em không có lựa chọn khác, chỉ biết theo nghề massage. Tôi dạy các em viết báo, sáng tác thơ, truyện, cũng hy vọng mai này, con đường của các em sẽ khác. Đã từng có cháu Hoàng Văn Lý khiếm thị, trở thành người viết báo, sống được với chữ nghĩa” - nhà văn Trần Quốc Toàn chia sẻ.

Ý tưởng mở lớp học đặc biệt này là từ cô Hân Hạnh - nguyên thủ thư của Thư viện Thiếu nhi TP.HCM. “Ban đầu, cô ấy trực tiếp giảng dạy, rồi mời tôi cùng tham gia. Tôi dạy các em, nhưng cũng học được từ các trò nhỏ ấy rất nhiều. Các em rất yêu thích văn chương, bàn bạc rất kỹ về những tác phẩm yêu thích, thậm chí sẵn sàng tranh biện, bày tỏ chính kiến hết sức rõ ràng” - ông Toàn nói. Mỗi buổi lên lớp, ông đều ra đề bài, rồi hướng dẫn các em sáng tác. Chẳng hạn làm thơ lục bát. Đề ra một câu lục, các em viết câu bát. Những vần thơ buổi đầu còn ngô nghê, nhưng dần hoàn chỉnh qua việc nắm bắt các khớp nối âm thanh, cách gieo vần.

“Tôi nói với các em, có những người sáng tác chỉ bằng cách lắng nghe. Thậm chí có người cố che mắt để cảm nhận mọi thứ xung quanh và viết thành thơ. Cho nên, khiếm khuyết của các em không phải là dấu chấm hết. Hãy cứ sáng tác bằng mọi tri giác có thể. Bài tập về nhà là làm thơ, kể chuyện về thành phố này, bằng những thanh âm mà các em nghe được - tiếng rao mỗi sáng, tiếng xe cộ, tiếng chim hót, chuông nhà thờ… Tôi tin, rồi các em sẽ làm được” - nhà văn Trần Quốc Toàn kỳ vọng.

Lop hoc dac biet  cua nha van Tran Quoc Toan
Nhà văn Trần Quốc Toàn trong lớp học đặc biệt của ông ở mái ấm Nhật Hồng

Điều khiến nhà văn vô cùng bất ngờ là, khi nghe nhắc bài thơ Mẹ và cô của ông, in trong sách giáo khoa lớp Một, tất cả 15 em trong lớp đều nhớ. “Khi tôi vừa đọc mấy câu: “Buổi sáng bé chào mẹ/ Chạy tới ôm cổ cô/ Buổi chiều bé chào cô/ Chạy sà vào lòng mẹ…”, bọn trẻ “ồ” lên và đồng thanh đọc thuộc bài thơ” - nhà văn Trần Quốc Toàn kể.

Đây cũng là lần đầu các em gặp được tác giả bài thơ trong trang sách thuở nào. Cả trò và thầy đều đầy hứng khởi, như thể đã thân quen nhau lắm. Những buổi lên lớp của nhà văn đôi khi cũng chỉ ngẫu hứng trò chuyện về văn chương, không có giáo án, chỉ có một tấm lòng dành trọn cho các trò nhỏ kém may mắn.

15 năm trước, nhà văn Trần Quốc Toàn từng đến với các em nhỏ ở mái ấm Nhật Hồng, rồi sau đó viết truyện ngắn Tấm bản đồ cơm khuyến học, lấy cảm hứng từ một nhân vật có thật ở đây. Giờ ông trở lại mái ấm như một mối duyên. Dù là viết văn về các em hay đi dạy viết, với nhà văn Trần Quốc Toàn, chỉ là mong muốn truyền cảm hứng, nhen lên một ngọn lửa tinh thần cho những cuộc đời bất hạnh.

Hành trình về với trẻ

Nhà văn Trần Quốc Toàn hiện đã nghỉ hưu, nhưng lịch công việc của ông vẫn dày đặc: về các trường tiểu học nói chuyện sách với học sinh, tham gia dự án thiện nguyện Thư viện Container - Mỗi trang sách, vạn ước mơ, hợp tác với các nhóm biên soạn sách giáo khoa mới…

Trần Quốc Toàn đã viết rất nhiều tác phẩm cho thiếu nhi: Nhành cọ non, Năm chiếc lá, Vườn cây cổ tích, Đội hiệp sĩ @, Học trong bụng mẹ, Xứ sở 12 con giáp, Lộc vừng hồ Gươm đường Trường Sa, Những truyện hay viết cho thiếu nhi…; mới nhất là tập thơ - truyện Chuyện con chim sẻ lắm lời, nhưng không thấy ông tổ chức ra mắt tác phẩm mới, chỉ có những hành trình lặng lẽ đến với trẻ em.

Đi nhiều, nghe nhiều, ông hiểu trẻ cần, thích đọc những loại sách như thế nào. Bản thân ông cũng tự mình chọn những tựa sách thiếu nhi hay, trực tiếp trao cho các em mỗi khi có dịp. “Với trẻ khiếm thị, sách nói lâu nay vẫn làm theo cách cũ là phổ biến bằng CD. Nay người ta gần như không xài CD nữa, nên có rất nhiều sách mới chưa đến được với các em. Tôi mong nguồn sách nói qua USB sớm triển khai tới các em, phong phú hơn, cập nhật nhanh chóng, tiện lợi” - nhà văn góp ý.

Riêng với lớp học đặc biệt ở Nhật Hồng, nhà văn cũng mong mô hình này có thể mở rộng đến nhiều mái ấm khác, mở ra những cánh cửa bước vào văn chương cho trẻ khiếm khuyết.

Cả đời viết văn cho thiếu nhi, đến giờ, thao thức lớn nhất của nhà văn Trần Quốc Toàn là viết về tuổi thơ của chính mình. “Đó là những trải nghiệm rất riêng, những kỷ niệm không thể quên của đời tôi, mà tận bây giờ tôi vẫn chưa viết được. Có lẽ, đó mới là quyển sách quan trọng nhất đời tôi” - nhà văn tâm sự.

Trong khoảng sân nhỏ sau nhà, giữa lòng TP.HCM, ông trồng một cây lộc vừng mang về từ hồ Hoàn Kiếm (cây đã cao hơn ông rất nhiều), để nhớ về một Hà Nội vẫn còn mãi trong tâm thức… 

Bùi Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI