Like ngợi khen, like... cho chết

31/05/2019 - 07:32

PNO - Like giờ đây có thể là sự yêu thích, trầm trồ, hưởng ứng… nhưng like cũng có thể là biểu cảm cho sự hài hước, mỉa mai, phẫn nộ, thậm chí mua vui, a dua, bầy đàn, tiện tay thì like, thậm chí like cho… “mày chết”.

Có lẽ, khi tung ra nút “like”, các nhà lập trình của mạng xã hội Facebook cũng không lường được cái ngày chức năng này lại biến đổi như vậy. “Like” thuở ban đầu thể hiện sự yêu thích một nội dung được chia sẻ, nhưng với dân mạng Việt Nam hôm nay thì “like” có khi mang nghĩa là “like cho chết”.

Hơn 52.000 lượt like, 25.000 lượt bình luận và 10.000 lượt chia sẻ là con số khủng mà thiết kế “Bàn thờ” nhận được, sau khi trang fanpage của cuộc thi Miss Universe Vietnam - Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đăng tải hình ảnh các bài thi tuyển chọn trang phục dân tộc để Hoàng Thùy diện tại sân chơi Hoa hậu Hoàn vũ. Đây là thiết kế của tác giả Phạm Quang Minh, được giới thiệu là lấy ý tưởng từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Theo quy định của cuộc thi, 5 thiết kế có số điểm bình chọn online (điểm tổng lượt like, share và comment) cao nhất sẽ được vào thẳng top 15.

Like ngoi khen, like... cho chet
Thiết kế “Bàn thờ” đang nhận được những lượt like, share theo kiểu cố tình đẩy nó vào vòng trong, “để xem thế nào”

Đáng nói, trong số hơn 52.000 lượt tương tác đó, có tới 25.000 lượt “haha” (đồng nghĩa với cười lớn), 1.000 lượt “wow” (sửng sốt/bất ngờ/không thể tin được), 925 lượt thả biểu tượng trái tim… Khi nhấn vào phần chia sẻ về Facebook cá nhân của người dùng, phần lớn nội dung nhận được là “cạn lời”, “quỳ”, “lạy”, “bó tay với ý tưởng”… Có người viết: “Phải share, like (chia sẻ và thích) thật mạnh mẽ, để thiết kế này vào top 3, coi nó ra thế nào”. Thậm chí, không ít người còn gắn thẻ tên (tag) bạn bè vào để rủ nhau “share, like nhiệt tình lên, chờ ngày Hoàng Thùy khoác bộ này, tay cầm con gà và nải chuối lên sàn diễn”…

“Like” được xem là biểu tượng cảm xúc quan trọng nhất trên Facebook. Từ khi ra đời, nó nhanh chóng được nhiều người yêu thích, bởi tính tiện dụng, tương tác hiệu quả và nhanh chóng. Nhưng theo thời gian, ý nghĩa của nút like nguyên thủy đó đã biến tướng, “lộng hành” và đa nghĩa; theo đủ thứ phức cảm hỷ - nộ - ái - ố của cộng đồng mạng. Like giờ đây có thể là sự yêu thích, trầm trồ, hưởng ứng… nhưng like cũng có thể là biểu cảm cho sự hài hước, mỉa mai, phẫn nộ, thậm chí mua vui, a dua, bầy đàn, tiện tay thì like, thậm chí like cho… “mày chết”. Quyền lực của nút like, share và thái độ của người dùng lắm khi có thể cứu sống một con người, nhưng cũng có thể dìm chết một con người.

Đã có nhiều mạng người được cứu sống cũng như nhiều hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ nhờ nút like, thông qua sự ủng hộ tương thân tương ái của cộng đồng mạng. Nhờ nút like, nhiều công trình di sản được bảo vệ. Cũng nhờ nút like, nhiều dự án cộng đồng, các dự án văn hóa - nghệ thuật có giá trị được lan tỏa, những mảnh đời cơ cực được giúp đỡ… Nhưng nút like cũng là nút vô cảm, “ba phải” nhất trần đời.

Nhằm mục đích “câu” like, không ít nghệ sĩ thuộc nhóm “tài năng có hạn” đã chọn cách khoe thân, bày những trò phản cảm, phát ngôn gây sốc, nhằm chen chân vào showbiz hoặc được công chúng biết đến. Cũng vì “câu” like, đủ thứ chuyện bi hài đã xảy ra, khiến người ta ngán ngẩm. Từ những thứ vô hại của nhóm “sống ảo” như khoe nhà, khoe xe, khoe của… “câu” like còn thành phong trào “Việt Nam nói là làm”: “Đủ like sẽ mặc quần lót nhảy xuống sông và uống hết một ca nước sông”, “đủ like sẽ khỏa thân chạy 7 vòng quanh trường”, “đủ like sẽ tung clip sex”, thậm chí “đủ like sẽ dùng xăng tự thiêu”, “đủ like sẽ châm lửa đốt trường”…

Điều đáng sợ là, thay vì ngăn cản hoặc bày tỏ thái độ không ủng hộ, những trò lố bịch đó lại được cộng đồng mạng share và like nhiệt tình để nó diễn ra; thậm chí, số lượt like còn vượt cả con số mong đợi ban đầu. Có những trường hợp đã vượt khỏi phạm vi một trò đùa nhằm câu like đơn thuần, biến thành những hành vi vi phạm pháp luật, bởi sự thúc ép, gây áp lực của cộng đồng mạng. Thực hiện lời hứa “status đạt 1.000 like” trên Facebook, một nữ sinh 13 tuổi đã tưới xăng trước phòng y tế trường THCS của em ở Khánh Hòa rồi châm lửa đốt, khiến nữ sinh này bị phỏng 2 chân là ví dụ điển hình.

Trở lại với câu chuyện thiết kế “Bàn thờ” khiến dân mạng sôi sục mấy ngày qua, không ít người lo ngại, lượt share, like và comment “khủng” của dân mạng sẽ đẩy thiết kế này thực sự tiến vào vòng trong và những thiết kế chất lượng khác có nguy cơ bị bỏ lọt. Tất nhiên, qua vòng bình chọn này, các mẫu trang phục sẽ còn phải qua những vòng trình bày trước ban giám khảo rồi mới quyết định chọn ra tác phẩm cuối cùng mang thi thố với thế giới; thế nhưng, ngay từ vòng đầu, với tiêu chí về lượt share, like, phải chăng ban tổ chức cũng tạo điều kiện và dung túng cho những tác phẩm “muốn làm trò”, “gây hấn” để “câu like” cho chính mình?

Sự sáng tạo luôn đáng được khuyến khích. Song, sáng tạo không có nghĩa là muốn làm gì thì làm, nhất là khi sự sáng tạo ấy chạm đến ngưỡng giới hạn, “nóc trần” văn hóa, đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm, liên quan tới tín ngưỡng. Tư duy sáng tạo mới không xem tín ngưỡng là vùng bất khả xâm phạm, nhưng chắc chắn người làm công việc sáng tạo phải có sự am hiểu sâu sắc và sự nghiêm cẩn nhất định khi bước đến đó, nếu không muốn trở thành tác nhân hủy hoại. 

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI