Liên hoan phim tài liệu và phóng sự chuyên đề 2014: Đài “lớn” lép vế?

22/05/2014 - 02:30

PNO - PN - Liên hoan phim tài liệu truyền hình và phóng sự chuyên đề lần 3-2014 (diễn ra từ ngày 17 đến 19/5) tại TP.HCM vừa khép lại với giải thưởng phần lớn thuộc về các đài truyền hình tỉnh. Giải vàng phim tài liệu là tác phẩm Phong...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chững lại?

Liên hoan năm nay thu hút 46 đơn vị phát thanh-truyền hình trong cả nước, với 119 tác phẩm thuộc hai thể loại: phim tài liệu về đề tài lịch sử, truyền thống cách mạng và phóng sự chuyên đề về đề tài vệ sinh an toàn thực phẩm.

“So với hai năm trước, liên hoan năm nay khởi sắc cả về chất lượng lẫn số lượng. Các tác phẩm được đầu tư nghiêm túc, có sức thuyết phục cao, phản ánh kịp thời, sinh động về hiện thực cuộc sống và cổ vũ phong trào thi đua yêu nước” - ông Nguyễn Quý Hòa, Tổng giám đốc Đài truyền hình TP.HCM nhận xét.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Đài phát thanh - truyền hình Đà Nẵng, Trưởng ban giám khảo hạng mục phim tài liệu, phim tài liệu đang có dấu hiệu chững lại. Có 58 tác phẩm dự thi hạng mục này nhưng không thể chọn ra đạo diễn, quay phim xuất sắc nhất.

Giành nhiều giải nhất là đài ở các tỉnh miền Trung: Quảng Ngãi, Quảng Nam… Đây cũng là những đơn vị được đánh giá cao ở mảng phim tài liệu. Ban tổ chức cho biết, sau liên hoan, các tác phẩm đoạt giải sẽ được sắp xếp phát sóng vào lúc 20g30 mỗi tối trên kênh HTV9. Đây cũng là cơ hội để khán giả tiếp cận dòng phim tài liệu vốn dễ bị chìm khuất.

Lien hoan phim tai lieu va phong su chuyen de 2014: Dai “lon” lep ve?
Cảnh thực hiện trong phim Phong trào Duy Tân và bộ ba xứ Quảng
của tác giả Phan Đình Chương - Đài PTTH Quảng Nam - Ảnh: Tác giả cung cấp

Dồn sức cho phim tài liệu

Liên hoan phim đã để lại nhiều trăn trở cho những người làm nghề. Không dễ tìm người có đủ kiến thức - vốn sống để làm tốt phim tài liệu, số người chắc tay nghề chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay ở các đài địa phương. Vì thế, cần kết hợp đội ngũ trẻ với những người có kinh nghiệm, đầu tư kinh phí xứng đáng, cần mở giờ vàng cho phim tài liệu… là những vấn đề được đặt ra tại Hội thảo về kinh nghiệm phối hợp và sản xuất và phát sóng phim tài liệu vào sáng 19/5, trước đêm bế mạc và trao giải liên hoan.

“Vấn đề quan trọng nhất là con người. Đây là yếu tố quyết định chất lượng một bộ phim tài liệu. Làm thế nào để khán giả chia sẻ được với thông điệp của bộ phim là tùy thuộc vào tay nghề của các nhà làm phim” - đạo diễn phim tài liệu kỳ cựu Trần Đăng Tuấn khẳng định. Đạo diễn Nguyễn Việt Hùng - Trưởng ban giám khảo hạng mục phim phóng sự chuyên đề đồng quan điểm: “Tôi cho rằng lời bình, ngôn ngữ điện ảnh rất quan trọng, phải tạo được cảm xúc cho khán giả”. Thực tế đã có những bộ phim tài liệu vô cùng thu hút người xem như Đồng Tháp Mười - chiến khu bưng biền huyền thoại, Biên giới Tây Nam - cuộc chiến tranh bắt buộc… được các nhà làm phim nhắc nhớ.

Theo ông Nguyễn Quý Hòa, mỗi năm HTV đầu tư không dưới 20 tỷ đồng cho các dự án phim tài liệu và có nhiều khung giờ cho dòng phim này. Đại diện nhiều đài truyền hình địa phương cũng bày tỏ mong muốn được dồn sức cho mảng phim quan trọng này. Tuy nhiên, vấn đề trước mắt vẫn là kinh phí và nhân lực.

 SONG GIANG

Tư liệu quý sẽ ở lại

Phim tài liệu hay sẽ có giá trị vượt thời gian. Có mặt tại liên hoan phim lần này, nhà quay phim Misao Ishigaki, hiện là Giám đốc đài truyền hình NDN (Nhật Bản) nói, đến giờ ông vẫn còn giữ 18 phút phim tài liệu quý giá về Quốc tang Bác Hồ. “Tôi là người còn sống duy nhất trong nhóm làm phim về Bác ngày ấy. Những thước phim về vị lãnh đạo kính yêu của dân tộc các bạn với đất nước tôi cũng rất quý giá. Sau này, chúng tôi cũng làm nhiều phim tài liệu về Việt Nam, nhiều người dân Nhật Bản đã bày tỏ ý muốn được đến Việt Nam sau khi xem những thước phim này” - ông Misao nói.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI